21/11/10

Hãy công tâm mà nhìn


tôi nghĩ, hẳn nhiều người nghe, biết về Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1 diễn ra vào tháng 10 vừa qua. điều mọi người thấy ở VNIFF là gì? những bài báo phản ánh của báo chí? có ai cho rằng đó là chân dung toàn cảnh của VNIFF không? tôi tiếc vì mình không được dự sự kiện này. không phải với tư cách một người đưa tin, mà là người tham gia tổ chức. dẫu tôi biết sẽ có lúc đầu bù tóc rối, trầm cảm nặng nhưng đó là những trải nghiệm tôi tin mình cần và sẽ lớn lên nhờ chúng. dẫu ai nói gì đi chăng nữa, tôi tin, sự kiện này là một làn gió mát được những người dũng cảm mang đến.


tôi chia sẻ với các bạn, một góc nhìn của một bạn trẻ, là người đứng bên trong, bạn ấy có một góc nhìn khác về VNIFF.

---

VNIFF - TỪ MỘT GÓC NHÌN

Khi đèn pha đã ngừng sáng, khi sân khấu đã rơi vào màn đêm tĩnh mịch, khi những tiếng reo hò đã không còn ngự trị trên thảm đỏ và các bộ lễ phục lộng lẫy đã vội vàng bị xếp xó trên kệ tủ, cái còn đáng để đọng lại qua Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần 1 (VNIFF) này, tuyệt nhiên chẳng phải loạt lỗi lầm sờ sờ trong khâu tổ chức, mà là một tia hi vọng bất đắc dĩ mang tên: trẻ.

Chuyện về một thế hệ dám yêu vô tư

Ngôi sao điện ảnh và đạo diễn chưa từng là chủ nhân duy nhất của thảm đỏ danh giá. Thập diện mai phục xung quanh nó, bất kể sáng khuya hay mưa nắng là cơn khát thần tượng cháy bỏng của hàng nghìn fan hâm mộ cho dù nó chỉ phục vụ cho sự kiện ra mắt phim qui mô nhỏ tại một đất nước đang phát triển hay ngập tràn ánh hào quang ở một thành phố biển miền Nam nước Pháp. VNIFF cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất so với những gì trí óc ta tô hồng là đám đông ngùn ngụt khí thế ấy hầu hết đều khoác màu áo đen tình nguyện của ban tổ chức và luôn miệng hò hét bất kể là ai đang dạo bước trên thảm đỏ, nổi tiếng hay không nổi tiếng.

Chẳng cần tinh ý, người tham dự dễ dàng nhận ra đặc điểm của đối tượng "diễn viên quần chúng" luôn thừa nhiệt thành nhưng thiếu suy xét ở trên chính là các bạn trẻ thuộc thế hệ cuối 8x và 9x. Dẫu việc làm của họ có nhận được nhiều cái lắc đầu từ những người đã lỡ trao niềm tin về một kỳ liên hoan phim nghiêm trang, mẫu mực; hay bị so sánh như một công việc bán thời gian rẻ mạt, thì toàn bộ ý kiến phản ánh đã nêu cũng không thể làm lu mờ nét hân hoan chân thành mà chẳng một bản hợp đồng nào đủ sức khâu lên mặt họ - chỉ đơn giản là: Bọn em đến đây để được thấy chị Tăng Thanh Hà, anh Ngô Ngạn Tổ. Được như vậy là thỏa mãn rồi.

Ý tứ, như một cô gái chỉ dám mỉm cười quan sát thần tượng từ xa; hay ngông cuồng, như một chàng trai hùng hổ chen lấn để rồi cũng không đủ gan rửa sạch bàn tay còn lưu hơi ấm của người diễn viên; đáng khen và đáng trách, họa chăng đều xuất phát từ tình yêu mãnh liệt họ dành riêng cho điện ảnh. Nếu ai có dịp được vào xem các phim nước ngoài, hoặc kể cả các phim Việt Nam cũ, được trình chiếu trong khuôn khổ VNIFF, khán giả đó sẽ thấy gần như 90% người đến rạp là công chúng trẻ. Chính đạo diễn Phillip Noyce cũng phải tâm sự ở lễ bế mạc rằng ông thật sự bất ngờ trước hiện tượng này.

Chúng ta vẫn thường đắn đo rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới thật sự có cái gọi là siêu sao điện ảnh. Nhưng theo một cách thiếu chủ ý, chúng ta lại thường dùng nấc thang chuyên môn để đánh giá vấn đề đó mà bỏ quên phản ứng từ người hâm mộ. Nghệ thuật, dù ở thứ tự nào, muốn sống được đều phải có công chúng. Và khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu sản sinh ra một thế hệ khán giả có khả năng cuồng si vì nó, đấy đã là thành công. VNIFF dù muốn hay không, đã trở thành ví dụ chính thức cho đột phá này.

Và chủ nhân của giải thưởng là...

Về những giải thưởng quan quan trọng nhất cả VNIFF đã được xướng danh: Lâu Đài Cát - Phim truyện Singapore đoạt giải phim xuất sắc nhất; Boo Junfeng - Đạo diễn xuất sắc nhất – cũng là một nét “ lạ” của LHP này. Theo truyền thống đã ăn vào máu mủ của người Việt như "nhập gia tùy tục" và "phép vua thua lệ làng" thì kết quả của Liên Hoan Phim vừa rồi phải chăng là hơi phá cách? Do đó, tuy Marco Mueller, thành viên thuộc ban giám khảo VNIFF, đương kim Chủ tịch của LHP Venice, liên tục ca ngợi lựa chọn phim tranh cử của Việt Nam là đa dạng, tinh tế nhưng chưa hẳn mục tiêu sơ khởi của nó đã chia sẻ cùng một lập trường. Không phải là không có lý do khi người đại diện cho Việt Nam là lớp đạo diễn đàn anh Đào Bá Sơn, Hà Sơn, trong khi các ứng cử viên còn lại hầu hết đều rất trẻ nếu xét về tuổi đời lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tuy nhiên, có vẻ như trong một thế cờ giả định mà uy tín chủ nhà dễ dàng bị đánh đồng cùng sự thiên vị, các ban giám khảo đã có một chiến thuật lật ngược tình thế xứng đáng với uy tín tầm cỡ quốc tế cũng như tình cảm mà họ dành cho Việt Nam. Họ đã biến VNIFF thành một Liên Hoan Phim cho cái tươi trẻ, đồng thời ở cả hai khía cạnh con người và tinh thần. Ngoài hai giải thưởng cao nhất được trao cho Boo Junfeng và bộ phim đầu tay của anh, các chủ nhân ở hạng mục nam nữ diễn viên xuất sắc nhất đều thể hiện rõ tôn chỉ chấm giải trên. Ah Niu, người Malaysia, giành danh hiệu nam diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim Kem Kacang và Tình Yêu Trẻ Con, bộ phim truyện dài đầu tay do chính anh đạo diễn. Fiona Sit và Nhật Kim Anh lần lượt giành danh hiệu nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Câu Lạc Bộ Chia Tay và Long Thành Cầm Giả Ca. Riêng trường hợp đầy hiếu kỳ của Nhật Kim Anh, người viết mạo muội tin rằng cô đã được ban giám khảo ưu ái. Nhưng không phải vì họ muốn “ vuốt” mặt ban tổ chức VNIFF, mà vì họ thật sự cảm kích và muốn khuyến khích dòng phim cổ trang vốn vô cùng thiếuthốn ở Việt Nam. Qua Long Thành Cầm Giả Ca, chúng tôi đã được biết thêm nhiều điều mới lạ về xã hội Việt Nam ngày xưa mà chúng tôi chưa bao giờ có dịp được biết.Đó là những giá trị văn hóa đáng quý và cần được chia sẻ với thế giới. - Phillip Noyce trả lời nghi vấn của một phóng viên về quyết định chấm giải.

Sáu hạng mục chính đều thuộc về sáu nhà làm phim, diễn viên trẻ đang chập chững vào nghề. Ngay bộ phim Long Thành Cầm Giả Ca cũng là một thử nghiệm trẻ của điện ảnh Việt. Trẻ là yếu tố cần thiết để tạo ra những thay đổi ngoạn mục không chỉ cho nền nghệ thuật thứ 7 ở Việt Nam mà còn cho cả Đông Nam Á. Việc tổ chức một Liên Hoan Phim Quốc Tế lần đầu và vấp phải nhiều sai lầm là chuyện hiển nhiên. Nhưng cái quan trọng là khi một Liên Hoan Phim được tổ chức, nó cho ta thấy khao khát và nhu cầu hội nhập, phát triển điện ảnh của nước chủ nhà - Nếu Marco Mueller, một người gần như đã tham dự nhiều LHP quốc tế hơn bất kỳ cá nhân nào trên thế giới, chia sẻ với VNIFF suy nghĩ trên mà không chút nề hà về sự luộm thuộm trong khâu tổ chức thì cớ gì chúng ta phải giữ khư khư quan điểm về một sự kiện có qui mô nhưCannes hay Oscar?

Hãy để VNIFF trở nên nổi tiếng như một bến đỗ cho những tài năng trẻ trong khu vực thay vì chỉ là một vở tuồng chỉ có vỏ bọc hào nhoáng. Và trên thế giới, những LHP quốc tế thật sự dành riêng cho thế hệ làm phim mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay. VNIFF dù vô tình hay hữu ý, cũng đang nắm giữ một tinh thần đáng quý trong mắt bè bạn năm châu. Xin đừng phủi bỏ nó trong tương lai.

(Bành Quang Minh Nhật)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét