23/1/11

buông và... thả


Một buổi chiều cuối tuần giữa tháng 12, bên tách cà phê, cùng bánh mỳ, bơ và pa-tê, tôi và bạn mình mơ đến một kỳ nghỉ. Bạn hồ hởi lên kế hoạch khám phá thế giới từ mồng ba Tết; còn tôi, tôi nhẩm tính trong đầu những dự định với gia đình.

Mệt thì có mệt nhưng mà vui

“Tết nhất làm chi?

Ai bày tết nhất làm chi?

Lo quần lo áo lo đi chạy tiền

Người người vui tết liên miên

Riêng tôi nghĩ tết mà điên cái đầu

Lo nhiều đến nỗi mọc râu…”

Những cái Tết của tôi đi cùng giai điệu ca từ của khúc Du xuân (tác giả Lữ Liên). Tết đến, bao nhiêu là việc phải lo, khối thứ phải mua sắm, tiền ra như nước, chuẩn bị cho ba ngày xuất đến vỡ mật. Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại, nếu nước mình cũng như Congo, không có Tết thì chán lắm, bản sắc văn hóa mất đặc sắc đi ít nhiều. Trẻ con làm sao có được ký ức đẹp về giao thừa, chúc Tết ông bà, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ…? Không có Tết, liệu bao giờ mới có được một bữa cơm có đủ các thành viên? Đúng là ở thế kỷ 21, Tết nhất đã được phiên phiến đi, không còn được xem trọng như trước nữa nhưng cái hồn của ngày lễ lớn của dân tộc vẫn được lưu giữ lại để rồi, chỉ cần tiết trời se se lạnh, một cơn gió se sắt mang theo mùi nhang thơm cũng đủ làm những người xa quê nhớ quay quắt góc bếp có nồi bánh chưng của mẹ.

Gạt sang một bên quả núi việc đè lên lưng, cứ tầm này, khi nắng dịu, gió heo may, lòng tôi lại nao nao. Nói thật là ngày còn ở nhà, tôi sợ mấy chuyện dọn dẹp lau chùi, bày biện nọ kia dịp giáp Tết. Nhưng khi đi xa, tôi lại thèm và mong được sớm hòa vào không khí náo nhiệt, rộn rã của những ngày cuối tháng Chạp ở quê. Trở về mái nhà xưa, tôi bón phân, tỉa cành cho mấy chậu kiểng, quét dọn và bày biện ban thờ. Là con gái, nhưng năm nào tôi cũng tự tay sơn phết nhà cửa. Loay hoay mất mấy ngày, cả người ê ẩm, tay chân, mặt mũi dính sơn tèm lem, nhưng trong lòng chỉ khấp khởi niềm vui vì thêm một cái Tết nữa được ở nhà, được chăm sóc gia đình. Rồi tôi đi chợ hoa, mua thì ít nhưng tận hưởng không khí bán buôn nhộn nhịp thì nhiều. Tôi trao cho người bán vài lời hỏi han, họ tặng lại tôi nụ cười bên cạnh những chậu hoa đang chờ ngày khoe sắc. Thuận mua vừa bán, chẳng ai ép uổng ai.

Và dù không đi cùng mẹ, tôi cũng ra chợ vài lần. Chợ Tết thật thích, người ta ngồi tràn ra đường lớn, chia theo lô, bán đủ loại vật phẩm. Chợ chật như nêm, ồn ã như lũ sâm cầm tắm rỉa bên hồ nhưng phải thế mới ra chợ Tết. Các bà các chị, tay xách nách mang để có đủ nguyên liệu làm mâm cơm cúng gia tiên. Dẫu ngày nay người ta mua bánh mứt làm sẵn, bánh chưng bánh tét đặt trước nhưng không vì thế mà hàng dừa, hàng gừng tươi… bị dẹp. Vẫn còn đó những người muốn cả nhà ngồi quanh đống lửa, bố mẹ con cái, anh chị em kể chuyện công việc cho nhau nghe vào dịp cuối năm, lũ trẻ con cùng nhau vui đùa. Sắm sửa dường như không còn là nhu cầu về vật chất nữa mà nó là điều kiện để tình thân xích lại gần nhau, để lũ trẻ con được tận hưởng cái không khí đặc biệt của Tết, để tâm hồn chúng được nuôi dưỡng. Và khi mọi thứ đâu vào đó, giao thừa đến, thắp một nén nhang tiễn đưa năm cũ, chào đón một năm mới trong làn khói nhẹ, ta lầm rầm khấn nguyện một năm mới tốt đẹp hơn.

Cơ hội buông xả thanh thản

Tôi sẽ trở về và có một cái Tết như vừa chia sẻ. Còn bạn tôi, sau hai ngày ở cùng gia đình, nàng sẽ làm một chuyến sang Lào, rẽ qua Thái bắt đầu từ mồng 3 Tết. Thoáng chút trăn trở, nàng lo ba mẹ sẽ cảm thấy buồn vì cả năm, ông bà chỉ mong đến dịp này để gia đình sum vầy. Người lớn hẳn sẽ không hiểu tại sao đi gần hết 356 ngày rồi mà nó vẫn không thỏa mãn. Liệu ba mẹ có thông cảm khi nghe con gái chia sẻ: Tết là dịp để tâm trí được buông xả thanh thản?

Tôi cũng từng như bạn mình, giáp Tết ở nhà, hết ba ngày Xuân là lên đường. Dường như thế hệ 8X trở đi đều mang trong mình đôi cánh khao khát được nhìn ngắm những khung trời khác. Với nhịp sống được điều khiển bởi vòng quay công việc, chúng tôi khó lòng có được những ngày phép đủ dài để xê dịch như ý. Đi để được hít thở một bầu không khí khác, được trò chuyện với những người nói thứ ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được khám phá nền văn hóa mới là khát vọng của tuổi trẻ. Giờ đây, không chỉ có bạn tôi, những người độc thân trẻ tuổi muốn du Xuân mà có rất nhiều gia đình muốn ra ngoài, tận hưởng ngày phép dài nhất năm. Thảnh thơi ngủ nghỉ, thư thả đi dạo, thoải mái vùng vẫy trong làn nước mát của biển khơi, Tết của thời nay là dịp để trí óc được xả hơi ngoài khuôn viên ngôi nhà quen thuộc.

Tôi không biết việc hưởng thụ này được xếp vào ngăn vật chất hay tinh thần, cái đó tùy bạn. Nhưng tôi biết, có được một dịp ta nằm dài đọc sách, nghe một bản nhạc hay, nhấm nháp hương vị tuyệt vời của một món ăn mà không màn đến ngày mai phải trả nợ bài vở hay đợi điện thoại của khách hàng thì đó là cơ hội cả năm chỉ có một dịp, đó là Tết. Dù rằng, nói thật, trước khi được buông xả, tôi cũng như bao người, chạy long tóc gáy. Cơ mà, cái gì cũng có cái giá của nó, lao động vất vả xong, ta sẽ quý những giờ phút thư giãn. Và tôi mong, kỳ nghỉ dài tới đây, các bạn, những người đủ kiên nhẫn để đọc đến dòng cuối này, sẽ có được cảm giác thư thả, yên bình bên gia đình hay là một mình ở một nơi nào đó xinh đẹp mà bạn từng muốn tới.

1 nhận xét:

  1. Thôi, đối xử tốt với bạn thân dùm cái nàng ơi nàng, tết nghỉ ngơi, hưởng thụ nha em gái. Mày làm như là nếu mày ngồi không thì trái đất ngừng quay k bằng ah.

    Trả lờiXóa