ĐI LÀ CHẾT MỘT ÍT
Sinh ra ở xứ ngày xưa là thương cảng, tôi thường lên cơn “cuồng đi”. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình, căn cớ của sự khủng hoảng này là gì? Phải chăng tôi cũng như nhiều người, chỉ có đi/trôi dạt/xê dịch mới đem lại ý nghĩa cuộc đời? Liệu trôi dạt có là một nhu cầu tự thân như nhà thơ Pháp Paul Morgand từng viết trong Những cuộc du hành: “Đi là chết một ít, nhưng ở lại là vỡ tan thành trăm mảnh”? Câu trả lời cho bản thân, tôi chưa có. Và nhiều người dường như vẫn còn mãi loay hoay đi tìm lời giải đáp bản chất thật sự việc tồn tại của chính mình qua những chuyến đi.
Đi, khi ta không thể ở
Bạn từng có ý định quan sát cuộc hành trình trôi dạt của những người vô gia cư bạn gặp trên đường không? Có lẽ, với một người bình thường, suy nghĩ đó cũng thoáng hiện trong một chốc nhưng chắc chẳng ai đủ tò mò để dấn thân vào một cuộc khám phá như thế. Nhà làm phim, nghệ sĩ thị giác người Brazil, Cao Guimarães lại khác. Ông đã lần theo dấu chân ba người lang thang trên con đường cao tốc liên bang và bộ phim tài liệu Andarilho chính là kết quả của cuộc khám phá diễn ra ở bang Minas Gerais, Đông Bắc Brazil. Trong những thước phim giàu mỹ cảm thể hiện ngón nghề lão luyện của Guimarães, bạn – người xem, cảm xúc của bạn trôi dạt theo hành trình của nhân vật. Ba người vô gia cư Paulão, Valdemar và Nercino hầu như không nói gì song đôi lúc cũng phá vỡ sự lặng im, khi chỉ trích những giá trị cố hữu của nhau, những trải nghiệm lặt vặt trong quá khứ, đức tin tinh thần duy linh và nhiều chủ đề hoàn toàn khác nhau khác. Họ khước từ quyền công dân, lang thang vô định, không mục đích. Với cả ba, trôi dạt là định mệnh. Họ cứ thế chấp nhận cuộc sống không mái nhà, chẳng có định hướng tương lai.
Ngược với hành định bất định ở trên, thủy thủ Juan Fernández trên tàu đi từ Liverpool cập một bến cảng đầy tuyết ở cực Nam lạnh giá của Argentina đã quyết định về ngôi làng nơi mình từng sống để xem người mẹ của mình còn sống hay không. Anh đã trăn trở, do dự cho lần quay về này. Trường đoạn Juan ngồi sắp xếp hành lý khoảng 10 phút như thể anh biết chắc mình khó mà tìm được cảm giác yên bình trong một chốn từng gọi là nhà, nơi có những người ruột rà của mình đang sống. Và quả thật, người thủy thủ, tuy hiện diện ở đó nhưng anh không thể tiếp xúc được với bất kỳ ai trong gia đình mà anh ta đã bỏ rơi từ lâu. Anh biến mất. Cuộc sống trôi dạt trên tàu lâu nay khiến anh là kẻ đứng ngoài cộng đồng xiêu vẹo, gia đình anh - người con gái dường như bị thiểu năng, người mẹ đau yếu liệt gường... – dựa vào nhau, chăm sóc lẫn nhau. Anh cô đơn, anh không thể giao tiếp và trôi dạt lại là một giải pháp. Có lẽ, không chỉ có Juan Fernández của Lisandro Alonso trong Livepool không tìm được sự kết nối với phần còn lại của thế giới, thậm chí là những người gần gũi về mặt huyết thống. Nhiều người vì thiếu đi niềm hi vọng về sự thay đổi, về cuộc sống có thể khác biệt và phải chịu trách nhiệm khi không thể khiến người khác tin tưởng đã chọn cho mình giải pháp ra đi.
Đi, khi ta có cơ hội
Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nước Mỹ phải trải qua một loạt sự kiện, biến động chính trị xã hội dữ dội. Tổng thống John F. Kennedy và Luật sư Martin Luther King bị ám sát. Chiến tranh Việt Nam leo thang với sự tăng cường can thiệp của chính quyền Mỹ. Phong trào nữ quyền, hippie hoạt động đầy sôi nổi, và tệ nạn sử dụng ma tuý như một thứ bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Và ở chính trong bối cảnh xã hội như vậy, một thế hệ thanh niên mới, những người vỡ tan tành ảo tưởng về những giá trị Mỹ và về thế giới, đã xuất hiện. Những chàng trai, cô gái mới lớn này phản kháng mạnh mẽ trước những định kiến lầm lạc của số đông, những mặt trái của xã hội công nghiệp hiện đại, một cách rất ngây thơ bằng cách sử dụng ma túy, bằng lối sống hippie buông thả, vô trách nhiệm. Nói cách khác, họ sẵn sàng lên đường tìm kiếm “Tự do” ngay khi có cơ hội, bất chấp mọi hậu quả, dù là thảm khốc nhất.
Chuyến chu du đến New Orleans trên chiếc mô tô của hai gã hippie là Wyatt “Captain America” – Billy và tay luật sư nghiện rượu George Hanson trong bộ phim Easy Rider đã được nhiều nhà phê binh ghi nhận là “hình ảnh phỏng chiếu của nước Mỹ” khi đó. Là biểu tượng phản-văn hoá, là “chuẩn mực của cả một thế hệ”, Billy (Hopper), Wyatt (Peter Honda), George (Jack Nicholson) đã vẽ nên hình ảnh của những người hoài nghi, đầy ảo tưởng, đắm mình trong nghiện ngập, dục vọng, và u buồn, muốn lên đường tìm kiếm tự do, một hướng đi khác cho bản thân. Với vẻ ngoài ngổ ngáo, cả ba nhân vật của chúng ta đã phải nhận những lời miệt thị đầy ác ý của những người dân quê. George cay đắng nhận ra, người Mỹ nói rất nhiều về giá trị của Tự do, song thực chất lại e sợ bất cứ ai thực sự thể hiện nó. Có lẽ, với nhiều người, những đối tượng như vậy không bình thường, bởi đơn thuần là những người đó sống “khác”, suy nghĩ “khác” họ. Phần đông cho rằng những người này sống trái với tự nhiên, trái ngược quy luật. Vì lẽ đó, George đã chết khi lĩnh trọn một nhát rìu vào cổ trong trận tập kích lúc nửa đêm của đám dân quê. Và số phận của Wyatt và Billy cũng không hơn gì. Cả hai cũng bị bắn chết trên đường tới Florida, chỉ đơn giản là bởi một người dân ngứa mắt với mái tóc dài của Billy. Rốt cuộc, Wyatt nhận ra hành trình tìm kiếm tự do của mình là một thất bại thảm hại về mặt tinh thần. Bộ phim kết thúc bằng cảnh quay chiếc xe được tô vẽ quốc kỳ Mỹ của Wyatt nổ tung và cháy rừng rực trước khi máy quay chuyển hướng lên bầu trời, báo hiệu chuyến du hành của Wyatt và Billy đã thật sự chấm dứt.
Easy Rider của Dennis Hopper được xem là đòn tấn công trực diện vào chủ nghĩa bảo thủ và phân biệt chủng tộc vốn ăn sâu trong xã hội nước Mỹ. Ngay sau khi ra mắt, 1969, Easy Rider đã thành công rực rỡ, được trình chiếu tại LHP Cannes và nhận đề cử giải thưởng Oscar kịch bản hay nhất cho Hopper, Fonda và Terry Southern. Tổng cộng, bộ phim đã thu về 40 triệu USD trên toàn thế giới (ở Mỹ là 19 triệu USD, một con số lớn ở thời điểm đó) cũng như được thế hệ Woodstock khi đó đón nhận nồng nhiệt. Đơn giản, họ cảm nhận được suy tư của các nhân vật trong phim. Họ thấy một phần nào đó con người mình trong đó. Và dù cuộc hành trình của những Billy và Wyatt có thất bại, song ít nhất, họ, và những người như thế, đã dám “Tự do” và trải nghiệm sự trôi dạt của mình.
Đi, hành trình xác lập bản thân
Nếu như Easy Rider là sự phỏng chiếu một nước Mỹ thời công nghiệp hiện đại, với những rắc rối và vấn đề riêng của nó, thì ở bộ phim Vibrator (2003), đạo diễn người Nhật Bản Ryuichi Hiroki lại khám phá một trong những vấn đề xã hội cơ bản nhất trong xã hội hậu công nghiệp hiện nay. Một vấn đề mang tính phổ quát chứ không chỉ riêng có ở Nhật Bản. Đó là sự xuất hiện của một thế hệ lạc lối trong sự phát triển kinh tế vũ bão phải đối mặt với một niềm tin bị xáo trộn và cảm thức về một tương lai bất định.
Nhân vật Rei (Shinobu Terajima) là một phụ nữ 31 tuổi mất sạch cảm giác đến mức chỉ còn kết nối được thế giới vật chất thông qua sự rung động của chiếc điện thoại di động trong túi. Là nhà báo tự do chuyên viết bài cho tạp chí (một thứ nghề không có sự bảo đảm ổn định), Rei bị ám ảnh thường trực bởi tiếng nói và hình ảnh mà cô tưởng tượng ra trong đầu đến mức trở nên nghiện rượu và e ngại trong việc tiếp xúc với người khác. Trong một đêm đông lạnh giá ở Tokyo, lang thang tìm mua một chai rượu Đức ở siêu thị, Rei bị cuốn hút trước một nam tài xế xe tải đưòng dài phong trần tóc vàng hoe Takatoshi (Nao Omori). Giờ đây thứ rung động thật sự là trái tim của Rei. Sau thoáng e ngại, cô quyết định rút khỏi vỏ ốc theo Takatoshi lên lên xe tải và làm tình.
Sáng hôm sau, Rei bất ngờ muốn có một chuyến đi không điểm đích cùng người đàn ông xa lạ. Cả hai không lang thang khắp Nhật Bản, mà đơn thuần tận dụng cơ hội này để cảm nhận điều gì đó, bên trong chiếc xe tải tù túng, trong chuyến đi. Và chuyến đi với người tình một đêm nhanh chóng biến thành hành trình khám phá bản thân, của cả Rei và Takatoshi. Những cảnh sex trần trụi trong cabin xe nhanh chóng vượt qua sự biểu hiện của ham muốn xác thịt thông thường, mà thay vào đó, biểu đạt sự thèm muốn cảm giác được gần gũi lẫn nhau, xoá nhoà nỗi cô đơn dày vò cả hai.
Và khi trở về Tokyo, cũng vào ban đêm, ngay tại siêu thị nơi cô xuất phát cuộc hành trình, Rei thật sự xúc động và cảm nhận được rằng, ít nhất, vào lúc này, cô không còn nghe thấy những tiếng nói quấy rầy trong đầu mình nữa. Rei biết, cô không hề thay đổi về bệnh lí của mình, song chuyến đi, với sự trợ giúp của Takatoshi, là sự thức tỉnh của một con người khi muốn tiếp xúc với ai đó khác mà họ thật sự muốn, thông qua một sự trôi dạt, một chuyến đi ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cô.
Diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã biến Vibrator từ một câu chuyện không cốt chuyện này trở thành một bức tranh hoàn chỉnh về mối quan hệ tác động qua lại, ám ảnh và không thể quên. Vibrator là bức tranh về những con người cô đơn, có quá khứ đen tối và cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với những người họ muốn tiếp xúc, đã có những quyết định vượt qua chính mình để biến cuộc đời vốn tẻ nhạt và công thức trở nên vui vẻ và bớt cô đơn hơn. Và như nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, cũng là một người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch: “Tất cả chúng ta đều là những người hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một đích”. Sự trôi dạt về tinh thần và trạng thái, đầy bí hiểm và khó nắm bắt của Rei và Takatoshi, trong phim là hành trình xác lập bản thân, lựa chọn cho mình một con đường độc lập, trở thành người chủ của chính mình trong một xã hội mà hầu hết mọi người lựa chọn trở thành một phần của hệ thống quy ước, đầy an toàn và gia trưởng.
Phan Lương
viet 1 lan 3 bo phim, coi cai nao truoc day????
Trả lờiXóa4 phim đó chớ chị. coi phim Vibrator trước đi chị. hehe. mà phim tài liệu Andarilho khó nuốt lắm chị, coi cũng mệt đầu lắm á!
Trả lờiXóa