30/10/07

Chinh phục Everest ở tuổi thất thập

Yuchiro Miura quả là khác thường ở độ tuổi 75. Bình minh, nhà thám hiểm kỳ cựu này thức giấc sau một đêm ngủ trong phòng có lượng khí ôxy thấp.

Ông cột những vật nặng quanh mắt cá nhân, đeo balô nặng 20kg lên lưng và đi bộ vòng quanh Tokyo trong nhiều giờ. Khi hỏi tại sao ông không đi chơi golf hay chăm sóc vườn rau, thì câu trả lời thật đơn giản: Núi Everest.

Miura là một người trong nhóm nhỏ những cụ ông Nhật Bản kể từ năm 2002 muốn giành một danh hiệu đáng tự hào: người già nhất từng chinh phục đỉnh núi cao nhất.

“Thật khó khăn nhưng cũng sẽ rất tuyệt vời khi bạn làm được điều đó mà đã qua tuổi 70”, Miura cho biết, “tôi hi vọng sẽ nhắn gửi thông điệp rằng chúng ta có khả năng làm nhiều thứ trong xã hội đang già hoá này”.

Nhà leo núi tuổi 75 Yuchiro Miura, ảnh: AFP

Trong quá khứ, Miura đã từng rất nổi tiếng khi là người trượt tuyết từ đỉnh Everes năm 1970, và bộ phim tài liệu về sự kiện này đã được trao giải Oscar năm đó. Tuy nhiên, ngày nay, đối với những người đã lớn tuổi như ông, thì việc leo lển đỉnh dãy Himalaya cao 8.850m so với mức nước biển rõ ràng một hành động rất khác thường.

Năm 2000, Toshio Yamamoto đã bắt đầu chuỗi vô địch của người Nhật Bản khi chinh phục đỉnh Everest ở tuổi 63. Một năm sau đó, cụ Sherman Bull người Mỹ, 64 tuổi, đã vượt qua kỷ lục trên. Tuy nhiên, kể từ đó, danh hiệu này liên tục thuộc về người Nhật Bản. Năm 2002 là Tomiyasu Ishikawa, 65 tuổi.

Miura nhận được danh hiệu này năm 2003, khi đã 70 tuổi, tuy nhiên tới năm 2006, Takao Arayama đã là nhà vô địch, chỉ nhiều hơn Miura 3 ngày tuổi. Thậm chí năm nay, danh hiệu này lại thuộc về một người Nhật Bản khác là Katsusuke Yanagisawa, ở độ tuổi 71 tuổi 63 ngày. Và hiện tại Miura lại một lần nữa muốn có danh hiệu trên.

“Cảm giác giống như là Nữ thần Everest đang vẫy gọi tôi trở lại”, Miura cho biết. Hiện ông có kế hoạch chinh phục đỉnh núi trên một lần nữa vào mùa xuân năm sau khi 75 tuổi trong khi ba người Nhật Bản từng giữ danh hiệu này cho biết họ không có dự định trở lại đỉnh núi này.

Hiện danh hiệu người phụ nữ già nhất từng lên đỉnh Everest cũng một về một người Nhật Bản Tamae Watanabe năm 2002 khi 63 tuổi.

Nhiều người khẳng định rằng những yếu tố giúp họ sống lâu hơn chính là nguyên nhân giúp các vận động viên này đạt được những thành tựu đáng nể phục trên. Đó là thành phần bữa ăn chủ yếu là rau và cá, chế độ y tế tuyệt vời và chăm chỉ tập luyện thể thao.

“Nhìn chung, người cao tuổi hiện nay khoẻ mạnh hơn trước đây và thành tích thể thao của họ trong thể thao đang được cải thiện”, Takuji Shirasawa, chuyên gia về tuổi già thuộc Viện lão khoa thủ đô Tokyo, cho biết khi đề cập tới Miura.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối bỏ được coi là nguyên nhân dẫn đến xu hướng trên tại Nhật Bản. Đó chính là: Tiền.

Từ đầu những năm 1990, đã có sự bùng nổ các đoàn thám hiểm thương mại nhằm giúp những nhà leo núi ít kinh nghiệm nhưng giàu có chinh phục đỉnh Everest.

Đỉnh Everest, nơi dạo chơi của các cụ già Nhật, ảnh: AFP

Arayama, người phá vỡ kỷ lục của Miura năm 2006, cho biết ý nghĩ chinh phục Everest khá xa lạ khi ông ở độ tuổi 20, thời điểm mà khoa học còn chưa phát triển và những trải nghiệm nguy hiểm trên không hề rộng mở cho số đông quần chúng.

“Cách leo của chúng tôi đã thay đổi. Bạn dùng bình dưỡng khí nên không thấy mệt và hơn nữa đường tốt nhất để đi đã được tìm thấy. Đó chính là lý do tôi thực hiện chuyến thám hiểm trên”, Arayama thú nhận.

Chi phí luyện tập trong ba năm của Miura ước tính lên tới 200 triệu yên (tương dương 1,7 triệu USD) và ông cũng phải trả 60 triệu yên (515.000 USD) cho chuyến phiêu lưu dự kiến vào tháng 5/2008. Tuy nhiên, những khoản tiền này do các tập đoàn lớn như Toyota và Toshiba tài trợ.

Miura khẳng định xác lập kỷ lục không phải là điều quan trọng nhất bởi chắc chắn sẽ có ai đó vượt qua nó. Thay vào đó, ông nói “điều quan trọng là khám phá được tôi có thể làm được những gì”.

Nguyễn Hải (Theo AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét