1/1/08

Chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại (Time)


Dạo này buồn tình quá, post tạm một số thông tin về tình yêu mới của tớ nhé:

CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI sau đó là HẬU HIỆN ĐẠI qua một số nhận định của GS. Hoàng Ngọc Hiến:

.....
"Ở ta, những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại. Thực ra để hiểu lý luận văn học, lý thuyết văn hoá phương Tây thế kỷ XX cần bắt đầu bằng việc nghiên cứu chủ nghĩa hiện đại, một trào lưu văn hóa, nghệ thuật rộng lớn coi như xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, phát triển ào ạt, mạnh mẽ trong vài ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, đến những năm 30 thì bắt đầu suy kiệt. Tiếng vậy, từ đó đến nay, trong suốt thế kỷ XX, phương Tây vẫn tiêu dùng vốn trí tuệ của chủ nghĩa hiện đại. Trào lưu này bao gồm nhiều khuynh hướng và trường phái văn học nghệ thuật lớn: Tượng trưng, Ấn tượng, Suy đồi…, Lập thể, Vị lai, Kiến tạo (constructivisme)…, Biểu hiện, Ðađa, Siêu thực… Ðánh giá như thế nào đây những thành tựu cách tân những trường phái lừng lẫy nói trên của chủ nghĩa hiện đại? Trước tiên chúng tôi căn cứ vào một ý kiến của nhà thơ Pháp Paul Valéry (1871-1945): “…tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện…” Valéry là một thi tài lớn được hình thành từ nhóm thơ của nhà thơ tượng trưng Mallarmé (đồng thời cũng là một trí tuệ lớn của nước Pháp, ông đã từng giảng bài ở Collège de France), ông là chủ soái của trường phái “thơ trí tuệ”, chủ trương cụ thể hoá những tư tưởng trừu tượng bằng hình ảnh và tiết tấu tinh tế. Ông không từ bỏ những cách tân của chủ nghĩa hiện đại, ông thấy chúng là “cần thiết”, tuy nhiên, ông tỏ ra dè dặt về tiền đồ của chủ nghĩa hiện đại, hướng về tương lai, ông nhìn thấy (hoặc muốn nhìn thấy) một xu hướng phát triển Nghệ thuật khác, một viễn cảnh hoàn toàn khác mà ông đặt tên là “chủ nghĩa cổ điển mới”. Wallace Stevens (1879-1955), một trong những tác giả hàng đầu của thơ ca Mỹ và thế giới còn tỏ ra dè dặt hơn nhiều trong sự đánh giá chủ nghĩa hiện đại: “Chúng ta không nên tiêu phí thì giờ để làm hiện đại, còn bao nhiêu việc quan trọng hơn chúng ta phải làm”. Nhà văn Arhentina J. L. Borges (1899-1986) là một tác giả lỗi lạc của văn học Mỹ la-tinh và văn học thế giới. Thăng trầm của những trào lưu nghệ thuật cách tân giống như thuỷ triều lên xuống, thời trẻ, sống giữa những đợt sóng chủ nghĩa hiện đại, Borges khó mà thoát ra ảnh hưởng của chúng. Văn nghiệp của ông bắt đầu bằng những thể nghiệm táo bạo theo tinh thần Tiền phong của chủ nghĩa biểu hiện. Một điều khá bất ngờ là cuối cùng, Borges đâm ra chán và thất vọng với những mới mẻ về nội dung, những cách tân về nghệ thuật của những nhà thơ, nhà văn ít nhiều có họ hàng với chủ nghĩa hiện đại mà ông đã từng ngưỡng mộ thời trẻ. Ông vốn là một người hâm mộ Baudelaire, người báo trước chủ nghĩa hiện đại trong thơ, tập thơ Ác hoa (Les Fleurs du Mal) ông có thể trích dẫn liên hồi vô tận. Ðối với tập Ác hoa, đến lúc ông thoát ra được, giữ được khoảng cách thì ông thấy tác phẩm này làm ông khó chịu, có cái gì đó không ổn về mặt đạo đức, tác giả quá ưu tư đến thân phận cá nhân của mình, quá quan tâm đến những hạnh phúc và bất hạnh riêng của mình. Mà muốn sống thanh thản thì tốt nhất là phiên phiến, nghĩ ngợi càng ít càng tốt những gì xẩy đến với cuộc đời cá nhân mình. Ðọc Ác hoa độc giả dễ bắt chước nhân vật trữ tình của tập thơ, tự xem mình là một nhân vật thống thiết, phẫn thán (personnage pathétique). Mà “sống trên đời này tốt nhất là đóng vai nhân vật phụ (ý của Pythagore), làm nhân vật thống thiết thì mệt lắm”. Có thời Borges tưởng rằng Dostoievski là tiểu thuyết gia độc nhất vô song và ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần Tội ác và trừng phạtNhững người bị quỷ ám, chúng ta đều biết cách tân nổi tiếng của Dostoievski là đưa đa thanh vào tiểu thuyết, một thủ pháp đặc sắc của văn xuôi chủ nghĩa hiện đại. Ðọc những tác phẩm của Dostoievski, dần dà ông nhận thấy rất khó phân biệt nhân vật này với nhân vật khác, tất cả đều giống Dostoievski một cách lôm nhôm và các nhân vật dường như thích thú với sự bất hạnh của họ. Thế là ông không đọc Dos nữa và theo lời ông, sức sáng tạo của ông “chẳng vì sự thiếu vắng này mà giảm sút”. Borges đã từng đánh giá cao những cách tân của Proust, Faulkner trong văn xuôi, phong cách “dòng ý thức” và những thủ thuật tự sự mới mẻ của họ… Nhưng theo ông, “dần dà thì những thủ thuật này người ta cũng chán và chúng ta sẽ quay trở về với cách kể truyện thông thường trong Ðôn Kihôtê: “Trong một ngôi làng bên bờ biển Manche mà tôi không muốn gợi nhớ lại tên ...”. Quay trở về cách kể truyện thông thường trong Ðôn Kihôtê tức là quay trở về cách tự sự cổ điển, quay trở về chủ nghĩa cổ điển. Kinh nghiệm chủ nghĩa hiện đại của Borges là một bài học lớn về sự tiếp nhận nghệ thuật cách tân: nên có sự thông cảm với sự cuồng nhiệt điên rồ của những “fan” hâm mộ nghệ thuật cách tân.

Wallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà. Nhà văn Ðức Hermann Hesse sau một thời gian đắm đuối với chủ nghĩa tượng trưng, với phân tâm học, với chủ nghĩa thần bí phương Ðông, qua truyện ngụ ngôn Sói thảo nguyên, cũng nói đến tình cảm “nhớ nhà”: “Chúng ta còn vấp ngã lặn lội qua bao rác rưởi và xảo trá trước khi về đến nhà. Và chúng ta chẳng có ai dẫn đường. Người duy nhất hướng dẫn chúng ta là nỗi nhớ nhà.”

Cái “chủ nghĩa cổ điển mới” mà Paul Valéry ước vọng như một viễn cảnh cho sự phát triển của nghệ thuật trong tương lai, một viễn cảnh để tích hợp những thủ pháp cách tân sáng giá của chủ nghĩa hiện đại thì ngày nay đã trở thành một trào lưu văn học nghệ thuật đương phát triển mạnh mẽ ở Mỹ. Trào lưu thực tại này có “những đại diện kiệt xuất của toàn thể phong trào”, “hội tụ những phát triển song song trong kiến trúc, âm nhạc, điêu khắc, thi ca, quy hoạch đô thị…”, nó thâm nhập vào giới hàn lâm, đặc biệt trong những lớp viết văn, nó có những tạp chí, những trạm trên mạng, những quán cà phê cổ điển mới cho toàn cầu, “nơi đó các hoạ sĩ đủ loại có thể tìm ra nhau,… tranh luận, hợp tác, và chuẩn bị triển lãm, hội thảo và trình diễn”,nó có những khách sảnh cho công chúng có thể tới để tìm những gì là tinh hoa nhất trong các tác phẩm mới…” Trong khi cảnh tượng nghệ thuật đương đại đầy rẫy những “cái xấu”, cái “hỗn mang về đạo đức”, cái “ngu ngốc trí tuệ tội nghiệp” thì toàn phong trào chủ nghĩa cổ điển mới là “nỗi mong muốn quay trở về với lý tưởng của cái đẹp”, cái đẹp không tách rời cái đẹp đạo đức và cái đẹp trí tuệ. “Cái đẹp không chỉ là một khía cạnh được lựa chọn của nghệ thuật: nó là một đối tượng, một ý hướng của nghệ thuật”, “cái đẹp không chỉ thuần là một quy ước mà cái đẹp là một khả năng và một nhu cầu cơ bản của con người”.

Trong bài này trọng điểm là bàn về chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại hình thành từ những năm 60 thế kỷ trước mặt nào đó tiếp tục chủ nghĩa hiện đại, do đó nó được xem như là “tái bút” của chủ nghĩa hiện đại (giới nghiên cứu văn học ở ta quan tâm đến đoạn tái bút hơn là chính bức thư). Mặt khác, nó xa rời chủ nghĩa hiện đại, nó trở về với những thành tựu lý thuyết, thi pháp và nghệ thuật của thế kỷ XIX (chủ nghĩa lãng mạn), thế kỷ XVIII (phong trào Khai sáng)… và cả những thành tựu của thời kỳ Phục hưng nữa. Như vậy chủ nghĩa hậu hiện đại ôm đồm nhiều thứ quá, nó lại có tham vọng thống hợp (synchrétiser) tất cả lại. Chủ nghĩa hậu hiện đại khá dồi dào về mặt sản xuất lý thuyết, tuy nhiên, hiệu quả rõ rệt nhất của nó là lật tẩy những sự trịnh trọng lố bịch và những ngạo ngược vô lối của học thuật hàn lâm (hay đại học).

Tôi xin phép kết thúc bài này bằng những ý kiến của Simon Leys, một nhà văn và một học giả lớn, phát biểu trong đợt tổng kết một cuộc tranh cãi kéo dài trong giới đại học và hàn lâm ở Úc về ích dụng và mục đích của lý luận văn học hàn lâm (cũng xin nói trước tác giả có những quan niệm cực đoan, nhưng đây là sự cực đoan “có gu”, “có duyên” của một người có trình độ văn hoá cao):

Những nhà phê bình và những nhà nghiên cứu văn học chẳng qua chỉ là những người chỉ chỗ ngồi (usher) trong chốn văn chương. Trong phòng hoà nhạc, trong rạp hát và rạp ôpêra, những người chỉ chỗ ngồi đưa chúng ta tới đúng ghế ngồi, thế là họ làm trọn vai trò của họ, một vai trò khiêm nhường nhưng có ích.

Phê bình văn học (hoặc lý luận văn học) chỉ có giá trị lâu dài và đáng đựơc tiếp nhận một cách nghiêm túc khi nó được sản sinh bởi những nhà văn sáng tạo văn chương (creative writer) và khi bản thân nó là một tác phẩm nghệ thuật.

Ðối với chúng ta, những người thầy giáo, những nhà nghiên cứu, những nhà phê bình khiêm nhường, tham vọng cao quý nhất, thành tựu cao cả nhất và niềm tự hào lớn nhất mãi mãi thì vẫn là điều này: gây được ở bạn đọc của chúng ta tình yêu với văn học và làm cho họ phát hiện những cuốn sách hay và đẹp.”

(nguồn: ttvnol)

Một số đặc điểm về văn phong của Chủ nghĩa Hiện đại:

- Ngôn từ cô đọng nhiều ẩn ý hay "ý tại ngôn ngoại" (Kiểu như Hemingway, lối văn của ông được gọi là "viết theo kiểu tảng băng trôi" [3 phần nổi, 7 phần chìm]). Có người gọi văn phong của ông là văn Telex. Nhà thơ Lê Đạt gọi kiểu viết "keo kiệt" về ngôn từ này là "đánh chó đá vãi cứt".
- Sử dụng nhiều tiếng lóng hay những ngữ vựng hay bị kiêng kỵ trước đây như về tôn giáo, sex, bạo lực, chính trị...
- Vay mượn nhiều tiếng nước ngoài. Thậm chí viết nhiều đoạn bằng tiếng nước ngoài mà không hề dịch ra ngôn ngữ gốc.
- Phá bỏ kết cấu câu, cụm từ đã quen thuộc.
- Sử dụng/sáng tạo nhiều từ tượng hình, tượng thanh lạ lùng.
- Do ảnh hưởng mạnh mẽ của S. Freud, CNHĐ đã nổi tiếng với sự sáng tạo ra kiểu viết "Dòng ý thức". Chính J. Joyce trong tiểu thuyết Ullyses No.1 của tk XX đã đưa ra hẳn 1 chương miên man không hề có 1 dấu câu nào, kể cả dấu "chấm" hay dấu "phẩy".
(nguồn: ttvnol)

Một số thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:

- Giễu nhại (parody)
- Nhại văn (patische)
- Cóp phỏng (imitation)
- Biếm mỉa (irony)
- Báng nhạo (rediculing)
- Trích dẫn (quotation)
- Cưỡng đoạt (appropriation)
- Đạo văn (plagiarism)
.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét