8/12/09

múa và dấu ấn Việt (III)




Cao Chí Thành (solist của Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN, Giải tư cuộc thi ballet quốc tế Helsinki năm 2005)


Tôi may mắn hơn đồng nghiệp vì được tham gia một số cuộc thi ballet quốc tế (châu Á Thái Bình Dương tại Nhật 2000, tại Thượng Hải 2001, tại Helsinki 2005 – PV) và vinh dự giới thiệu với bạn bè quốc tế điểm mạnh, đặc trưng của múa Việt Nam. Diễn viên múa của chúng ta tuy kém về sắc vóc, sức lực nên không thể đáp ứng được những kỹ thuật quá nặng, đòi hỏi quá nhiều sức. Tuy nhiên, ưu điểm của chúng ta là nhanh nhẹn, khéo léo, đủ nhanh nhạy để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của ballet. Mặc dù trong cuộc thi ballet ở Helsinki truyền thông cũng như khán giả đã biết đến Việt Nam, rằng chúng ta cũng có nền nghệ thuật múa, cụ thể là ballet chẳng thua kém các nước khác là bao. Và sau đó, tôi đã nhận được nhiều lời mời cộng tác của các biên đạo ngoài nước. Tuy nhiên, theo tôi, bạn bè quốc tế biết đến nghệ thuật múa Việt Nam không chỉ qua các thí sinh đại diện cho nước ta tham dự những cuộc thi ballet uy tín trên thế giới mà còn trong các chương trinh giao lưu văn hóa, festival dành cho múa. Ngoài ra, tôi nghĩ, bất cứ ai khi được cử đi du học cũng đều có ý thức giữ gìn thể diện quốc gia, ghi dấu ấn Việt trong mắt bạn bè bằng nỗ lực trong quá trình học. Em trai tôi, Cao Đức Toàn trong quá trình học biên đạo ở Học viện Nghệ thuật Hongkong còn sử dụng âm nhạc Việt Nam như ca trù, dân ca hay một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ trong nước để dàn dựng các tiết mục. Qua đó, dù nhỏ nhưng cũng giúp bạn bè và thầy cô của chúng tôi có thêm một góc nhìn về Việt Nam.


Box:

Không biết có nên mừng vì lần đầu tiên, một chương trình dành riêng cho múa bán được vé, với giá cao trong cả ba đêm diễn? Chẳng biết khen có ngoa không khi Chuyện kể những chiếc giày đã làm tốt việc đưa khán giả Việt chạm được vào cuộc sống, tâm tư của người nghệ sĩ múa, nhích thêm một bước đến gần với múa? Người Việt ồ à ngạc nhiên, hóa ra múa khi được kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, với video art với xiếc… thì hấp dẫn thế này đây. Người nước ngoài cũng ồ à, hóa ra Việt Nam cũng có diễn viên múa, cũng có thể làm được những chương trình tốt về mặt ý tưởng, phương thức thể hiện hòa chung dòng chảy của múa thế giới.

Cái đẹp của Chuyện kể Những chiếc giày không phải toát ra từ trang phục mà là tổng hòa của ý tưởng, tài năng của biên đạo khi kết hợp một cách khá nhuần nhị các loại hình múa vào với nhau trên cái nền âm nhạc được chọn lọc kỹ lưỡng, hợp lý và khả năng của diễn viên. Mặc dù, xuyên suốt chương trình, không thấy dấu ấn Việt nào rõ nét về ngôn ngữ múa cũng như âm nhạc, tuy nhiên, cái mà Chuyện kể những chiếc giày làm được đó là làm người xem mãn nhãn, khiến họ cảm động khi khoảng cách với diễn viên dường như bằng 0. Đứng cùng phía với diễn viên để nhìn họ tập luyện vất vả ra sao, lo toan cuộc sống như thế nào và nuôi dưỡng khát khao được đứng trên một sân khấu đúng nghĩa dành cho múa, khán giả thật sự bị thuyết phục. Cá nhân tôi, những lần xem các bạn diễn viên của Arabesque tập luyện đến đói lả, người mướt mồ hôi, rồi chứng kiến họ ôm nhau khóc trong đêm diễn đầu (6/9) vì được múa như không bao giờ được múa nữa, tôi thú nhận, tôi đã bị tình yêu múa của các bạn chinh phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét