



Chín năm trước, tôi là cô bé 18 tuổi, lơ ngơ, bỡ ngỡ giữa Sài Gòn rộng lớn và đường phố nào cũng như thử thách lòng dũng cảm của tôi mỗi khi tôi đi học, có ý định băng qua. Chín năm sau, giờ tan tầm với nạn kẹt xe khiến tôi luôn cân nhắc trước khi bước ra khỏi nhà. Rõ ràng, Sài Gòn của tôi đã thay đổi khá nhiều trong suốt chín năm qua. Sài Gòn không chỉ là nơi tôi tìm đến để được vươn mình ra biển lớn, thử vẫy vùng, chống chọi với những cạm bẫy của cuộc sống mà còn là nơi chốn mà mỗi khi đi xa, tôi cảm thấy nhớ nhung, quyến luyến.
Lúc này đây, ngồi ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, nhìn ngắm dòng người qua lại, không ít trong số đó ghé vào mua kem Tràng Tiền, tôi nhớ góc quán café quen thuộc mà tôi hay ngồi ở Sài Gòn. Góc đường Đông Du – Hai Bà Trưng của tôi thật ra chẳng có gì đặc biệt để bạn, một người mới đến lần đầu hoặc đi lại bao lần cảm thấy nhớ như tôi. Ngồi trong quán, phóng tầm mắt ra bên ngoài, tôi như là một người dẫn chuyện trong một bộ phim nào đó về Sài Gòn, (bạn có thể liên tưởng đến Paris, Je t'aime, hay New York, I love you cũng được, nhưng đừng nên nghĩ tôi đang cho mình cái vinh hạnh được sánh ngang với các vị đạo diễn làm nên những thước phim diệu kì đó nhé!). Nếu bạn cũng là người thích nhìn ngắm những gì xảy ra trên phố, đặc biệt là con người, như tôi thì bạn sẽ hiểu làm sao một việc buồn chán như thế lại có thể khiến tôi duy trì suốt mấy năm qua. Những nét mặt, những cử chỉ thể hiện cảm xúc cũng như gout thẩm mỹ của khách bộ hành qua trang phục họ vận ít nhiều tạo cảm hứng để tôi viết lách, để tôi nhoẻn miệng cười một cái và tự cảm thấy đời mới tươi làm sao! Thỉnh thoảng, cũng có vài người ngồi xe máy, cũng có cả những quý ông quý bà (hoặc có thể không) bước xuống từ những chiếc xe hơi bóng lộn đỗ xịch trước cửa quán rồi bước vào, kéo ghế ngồi xuống. Họ cùng với những câu chuyện của mình có đôi khi làm rộn lên cái không khí thường yên tĩnh vì ai cũng có ý thức nói vừa đủ nghe để không làm phiền đến người xung quanh. Tuy nhiên, tôi thường ít quan tâm đến những gì xảy ra trong quán bởi như con bướm lạc vào giữa một vườn hoa đầy hương thơm và màu sắc, thế giới bên ngoài tấm kính có đôi lúc không trong suốt (điều này tùy thuộc vào các phục vụ viên trong quán, nhỉ?) đã hút hồn tôi.
Trước cửa quán, dĩ nhiên, không nằm ngay cửa, có một cửa hàng bơm vá kiêm sửa xe máy cho khách. Người đàn ông có mái tóc muối tiêu đó tuy không có được sự đón tiếp niềm nở đon đả với khách nhưng luôn làm họ hài lòng bởi cái vẻ thật thà, chân chất toát ra từ chính gương mặt, giọng nói và cả công việc của ông. Tôi để ý thấy, những lúc vãng khách, ông thường tranh thủ đọc bất cứ thứ gì có trên phố, ngay chỗ ông kiếm sống. Đôi khi, chỉ là một tờ quảng cáo in hai màu xanh đen, trắng đen, có lúc là một tờ báo cũ, cũng có khi là một tờ giấy mà ai đó viết tay đánh rơi hay vứt bỏ (tôi nghĩ ông cũng không rõ). Một người bạn của tôi nói, người đàn ông này với đống phụ tùng và mớ dầu nhớt vương trên vỉa hè (không quá nhiều) của ông đã làm xấu đi view (góc nhìn) vốn dĩ đang rất đẹp của quán. Cô ấy hỏi (dĩ nhiên, hỏi tôi, bởi không đủ can đảm để hỏi quản lí hoặc vì chỉ là một câu chuyện phiếm thì phải hỏi người đang ngồi cùng bàn), Tại sao chủ quán lại không đuổi ông ta đi để khách – đặc biệt người nước ngoài – phải chứng kiến những cảnh đời lam lũ này khi họ được thưởng thức những món ăn ngon, được tận hưởng không khí tuyệt vời trong quán? Tôi thì lại khác, có thể, người đàn ông đó giúp tôi thêm yêu góc phố này. Không phải vì khi xe tôi xịt lốp thì nhờ có ông mà tôi có thể lại bon bon trên đường, mà bởi, cuộc sống nó phải thế, không có gì là ngọt ngào hoàn toàn, ngay cả khi người ta muốn có một vị ngọt đậm đà thì cũng phải cho thêm chút muối vào đấy thôi? Sao ta cứ phải rạch ròi giữa cái tốt cái xấu, giữa cái gọi là đẹp đẽ và bẩn thỉu? Và sự hiện diện này còn đẹp hơn nhiều bao lần thói chen lấn trên đường, thói quen bạ đâu giải tỏa bức xúc không chỉ có mỗi miệng của người Việt.
Ngay cái góc phố đó, nếu nhìn ngược lại đầu đường Đông Du, tức là nơi tọa lạc của khách sạn Sheraton (vì đạt chuẩn 5 sao nên cư dân ở khu vực này cứ dăm ba hôm lại được nghe những tràng còi hú và tiếng quát tháo của những viên cảnh sát giao thông, có lúc nửa đêm về sáng, và dĩ nhiên, ai cũng biết, có một người quan trọng đang ngụ ở đó nên chẳng buồn phàn nàn nữa!), con đường dài chưa đầy 500m này chứa trong mình bao nhiêu là yêu thương với tôi. Nó không chỉ là bởi, tôi yêu màu xanh mướt của lá non trổ ra mỗi khi xuân về của hai hàng phượng (có độ cao không bằng nhau và một số đã bị chặt đi vì sợ mưa to gió lớn làm ngã cây) hay sắc đỏ hiếm hoi lúc hè về, mà còn cả sự náo nhiệt vào buổi khuya của những hàng quán phục vụ khách du lịch bên dưới. Quả tình, không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy vui với tiếng ồn vọng lên từ dưới đường đâu nhé! Bởi tôi cần một không gian yên tĩnh để có thể viết, đọc, nghe và cả ngủ. Nhưng biết sao được, nhịp sống Sài Gòn là phải thế. Và đôi khi, ta phải biết yêu cả những điều bất tiện.
Ai đã đến với “Chuyện kể Những Chiếc Giày” lần 1 của Arabesque, đã nghe Những Chiếc Giày kể “Chuyện các cô gái” sẽ thấy giờ đây các cô gái đã quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường tìm đến nghệ thuật chân chính. Họ đã tìm thấy những gì mình khao khát và mơ ước và đây là lúc họ tập trung năng lượng cho mơ ước đó được chắp cánh bay cao hơn, xa hơn…
Ai đã lắng nghe câu chuyện “Xa quê” lên thành phố lập nghiệp của Bảo Trung (hiện đang học Biên đạo ở Thụy Sỹ) chắc hẳn sẽ lại bồi hồi khi biết câu chuyện đó không phải của riêng Trung mà đó cũng là cảnh ngộ của những đồng nghiệp khác.
Ai đã chứng kiến và cảm thông cùng Genta một mình trên sân thượng tối nghĩ đến chuyện mình, chuyện nghề, mệt mỏi đến mức ngã gục, đã đi cùng “Chuyện những chàng trai” nâng đỡ nhau bằng tình người, bằng những sẻ chia của người trong cuộc, thì hãy đến với “Chuyện kể Những Chiếc Giày” lần này để một lần lắng nghe góc khuất của chàng trai mang tên Mén…
“Chuyện kể Những Chiếc Giày” lần 2 (diễn ra lúc 20 giờ ngày 12 - 13/11/2009 tại Nhà hát Thành phố) có những tiết mục được dàn dựng táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn nhằm thể hiện hết năng lượng của người diễn viên một khi họ hòa mình vào múa. Qua đó, chúng tôi muốn khẳng định một niềm tin lớn lao có thể mang đến cho con người sức mạnh vượt lên tất cả để theo đuổi ước mơ của chính mình.
---
một số hình ảnh diễn viên tập ở rạp Lệ Thanh - nơi RFC tụ tập một thời gian.