21/11/10

bi kịch của Liz


tôi không nhớ cái kiểu viết blog thì không viết hoa bắt đầu từ khi nào nữa. có vài bạn góp ý, khó chịu. tôi toàn cười. vì tôi muốn thế. khi viết blog, tôi thường để những thứ linh tinh trong đầu mình chòi ra, rơi xuống bàn phím và phải ghi nhận chúng một cách nhanh nhất. tuy nhiên, tôi tuyệt đối không để xảy ra lỗi khoảng cách giữa các từ và luôn muốn các dòng thẳng tắp. đó là một nghịch lý giữa việc: muốn thoát khỏi công việc và bị ám ảnh bởi công việc. đó chỉ là một ví dụ để thấy, tôi là người đầy mâu thuẫn.



hẳn bạn sẽ đồng ý với điều vừa đọc nếu biết, tôi từng ghét cay ghét đắng mùi thuốc lá. giờ vẫn ghét. tôi thể hiện điều đó rõ ràng đến mức, từng có một bạn không dám thổ lộ mình hút thuốc vì sợ tôi ghét. nhưng giờ, thi thoảng, lúc ở xứ lạnh, nhất là ở đó mà uống rượu thì tôi thèm rít một vài hơi thuốc. hôm qua, trời SG sau cơn mưa to, dai dẳng, về khuya, lạnh chẳng khác gì Đà Lạt, tôi rên rỉ, thèm thuốc lá quá. qua thời điểm đó, tôi chẳng thèm thuồng, cũng chả thích thú cái mùi hôi hám bám dai như đỉa đói kia. tôi thích ngửi tóc mình, thích cái mùi dầu gội của mình, thích cảm thấy mùi sữa tắm hay loại nước hoa hay dùng. tôi không thích chúng bị át bởi mùi thuốc lá, tệ hơn là tạo ra thứ mùi không chịu nổi khi trộn tất cả các thứ mùi đấy lại với nhau.

xem Eat, Pray, Love, tôi khóc rấm rứt.
bạn tôi hỏi vì sao. đơn giản, vì tôi đồng cảm, vì ký ức như một cuốn phim âm bản chạy qua đầu tôi. Liz cần tự tha thứ cho bản thân vì đã làm chồng cũ tổn thương. tôi cũng cần được tha thứ và tự tha thứ vì những điều tôi trực tiếp gây ra lẫn vô tình mang tới cho vài người. họ có thể vẫn còn hận tôi. nhưng có thể, họ có thể đã quên tôi, tôi chẳng còn nghĩa lý gì với họ. nếu thế thì may quá. vì ít ra, mọi việc cũng đã trở thành quá vãng.


tôi thèm được thế này, ngay lúc này. hít thở khí trời, đạp xe thong dong và có một cái blazer. :))



bạn tôi bảo, nhìn cô này ăn pizza, pasta thì nhớ tôi. tôi thì nhớ pasta và pizza.




tôi thích hầu hết trang phục của nhân vật Liz. chúng làm cơn khát shopping trong tôi bừng dậy. :))

đến đoạn này, tôi nhớ người từng bảo, yêu cái kiểu cười sằng sặc, yêu cái tiếng cười giòn giã dù âm thanh nghe chẳng hay ho chút nào. thật tiếc, tôi làm họ tổn thương và ngược lại. :(

tôi nghĩ, kẻ gây ra tội, bao giờ cũng bị dằn vặt nhiều hơn. và như những cú nhói sườn, tội lỗi sẵn sàng làm bạn phải gục xuống, ôm ngực trong đau đớn. để tha thứ cho mình, tôi nghĩ khó dù về cơ bản, tôi luôn tự nhủ, nỗi đau cũng là cảm xúc tích cực và là kinh nghiệm quý. nhưng đó chỉ để ngụy biện thôi, đâu phải ai cũng cho như thế là hay! điều đáng sợ là hành động vô tình của mình tạo ra những bức tranh toàn gam màu tối. tôi hoàn toàn không muốn thế.

tôi thấy mình trong bi kịch của Liz. chạy khỏi người quá yêu mình, làm mình đánh mất bản thân và lại quá yêu, đến mức bị lệ thuộc cảm xúc vào một người khác. sự yêu thương, nếu quá nhiều, tôi cho là sẽ làm đối phương ngạt thở, hoảng sợ vì không còn không gian riêng, vì sợ làm tổn thương người khác nên phải gồng. gồng lâu sẽ mỏi và quỵ, thế là đứt. tìm được cách cân bằng giữa thả và kéo mới là thành công.


Hãy công tâm mà nhìn


tôi nghĩ, hẳn nhiều người nghe, biết về Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1 diễn ra vào tháng 10 vừa qua. điều mọi người thấy ở VNIFF là gì? những bài báo phản ánh của báo chí? có ai cho rằng đó là chân dung toàn cảnh của VNIFF không? tôi tiếc vì mình không được dự sự kiện này. không phải với tư cách một người đưa tin, mà là người tham gia tổ chức. dẫu tôi biết sẽ có lúc đầu bù tóc rối, trầm cảm nặng nhưng đó là những trải nghiệm tôi tin mình cần và sẽ lớn lên nhờ chúng. dẫu ai nói gì đi chăng nữa, tôi tin, sự kiện này là một làn gió mát được những người dũng cảm mang đến.


tôi chia sẻ với các bạn, một góc nhìn của một bạn trẻ, là người đứng bên trong, bạn ấy có một góc nhìn khác về VNIFF.

---

VNIFF - TỪ MỘT GÓC NHÌN

Khi đèn pha đã ngừng sáng, khi sân khấu đã rơi vào màn đêm tĩnh mịch, khi những tiếng reo hò đã không còn ngự trị trên thảm đỏ và các bộ lễ phục lộng lẫy đã vội vàng bị xếp xó trên kệ tủ, cái còn đáng để đọng lại qua Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần 1 (VNIFF) này, tuyệt nhiên chẳng phải loạt lỗi lầm sờ sờ trong khâu tổ chức, mà là một tia hi vọng bất đắc dĩ mang tên: trẻ.

Chuyện về một thế hệ dám yêu vô tư

Ngôi sao điện ảnh và đạo diễn chưa từng là chủ nhân duy nhất của thảm đỏ danh giá. Thập diện mai phục xung quanh nó, bất kể sáng khuya hay mưa nắng là cơn khát thần tượng cháy bỏng của hàng nghìn fan hâm mộ cho dù nó chỉ phục vụ cho sự kiện ra mắt phim qui mô nhỏ tại một đất nước đang phát triển hay ngập tràn ánh hào quang ở một thành phố biển miền Nam nước Pháp. VNIFF cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất so với những gì trí óc ta tô hồng là đám đông ngùn ngụt khí thế ấy hầu hết đều khoác màu áo đen tình nguyện của ban tổ chức và luôn miệng hò hét bất kể là ai đang dạo bước trên thảm đỏ, nổi tiếng hay không nổi tiếng.

Chẳng cần tinh ý, người tham dự dễ dàng nhận ra đặc điểm của đối tượng "diễn viên quần chúng" luôn thừa nhiệt thành nhưng thiếu suy xét ở trên chính là các bạn trẻ thuộc thế hệ cuối 8x và 9x. Dẫu việc làm của họ có nhận được nhiều cái lắc đầu từ những người đã lỡ trao niềm tin về một kỳ liên hoan phim nghiêm trang, mẫu mực; hay bị so sánh như một công việc bán thời gian rẻ mạt, thì toàn bộ ý kiến phản ánh đã nêu cũng không thể làm lu mờ nét hân hoan chân thành mà chẳng một bản hợp đồng nào đủ sức khâu lên mặt họ - chỉ đơn giản là: Bọn em đến đây để được thấy chị Tăng Thanh Hà, anh Ngô Ngạn Tổ. Được như vậy là thỏa mãn rồi.

Ý tứ, như một cô gái chỉ dám mỉm cười quan sát thần tượng từ xa; hay ngông cuồng, như một chàng trai hùng hổ chen lấn để rồi cũng không đủ gan rửa sạch bàn tay còn lưu hơi ấm của người diễn viên; đáng khen và đáng trách, họa chăng đều xuất phát từ tình yêu mãnh liệt họ dành riêng cho điện ảnh. Nếu ai có dịp được vào xem các phim nước ngoài, hoặc kể cả các phim Việt Nam cũ, được trình chiếu trong khuôn khổ VNIFF, khán giả đó sẽ thấy gần như 90% người đến rạp là công chúng trẻ. Chính đạo diễn Phillip Noyce cũng phải tâm sự ở lễ bế mạc rằng ông thật sự bất ngờ trước hiện tượng này.

Chúng ta vẫn thường đắn đo rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới thật sự có cái gọi là siêu sao điện ảnh. Nhưng theo một cách thiếu chủ ý, chúng ta lại thường dùng nấc thang chuyên môn để đánh giá vấn đề đó mà bỏ quên phản ứng từ người hâm mộ. Nghệ thuật, dù ở thứ tự nào, muốn sống được đều phải có công chúng. Và khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu sản sinh ra một thế hệ khán giả có khả năng cuồng si vì nó, đấy đã là thành công. VNIFF dù muốn hay không, đã trở thành ví dụ chính thức cho đột phá này.

Và chủ nhân của giải thưởng là...

Về những giải thưởng quan quan trọng nhất cả VNIFF đã được xướng danh: Lâu Đài Cát - Phim truyện Singapore đoạt giải phim xuất sắc nhất; Boo Junfeng - Đạo diễn xuất sắc nhất – cũng là một nét “ lạ” của LHP này. Theo truyền thống đã ăn vào máu mủ của người Việt như "nhập gia tùy tục" và "phép vua thua lệ làng" thì kết quả của Liên Hoan Phim vừa rồi phải chăng là hơi phá cách? Do đó, tuy Marco Mueller, thành viên thuộc ban giám khảo VNIFF, đương kim Chủ tịch của LHP Venice, liên tục ca ngợi lựa chọn phim tranh cử của Việt Nam là đa dạng, tinh tế nhưng chưa hẳn mục tiêu sơ khởi của nó đã chia sẻ cùng một lập trường. Không phải là không có lý do khi người đại diện cho Việt Nam là lớp đạo diễn đàn anh Đào Bá Sơn, Hà Sơn, trong khi các ứng cử viên còn lại hầu hết đều rất trẻ nếu xét về tuổi đời lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tuy nhiên, có vẻ như trong một thế cờ giả định mà uy tín chủ nhà dễ dàng bị đánh đồng cùng sự thiên vị, các ban giám khảo đã có một chiến thuật lật ngược tình thế xứng đáng với uy tín tầm cỡ quốc tế cũng như tình cảm mà họ dành cho Việt Nam. Họ đã biến VNIFF thành một Liên Hoan Phim cho cái tươi trẻ, đồng thời ở cả hai khía cạnh con người và tinh thần. Ngoài hai giải thưởng cao nhất được trao cho Boo Junfeng và bộ phim đầu tay của anh, các chủ nhân ở hạng mục nam nữ diễn viên xuất sắc nhất đều thể hiện rõ tôn chỉ chấm giải trên. Ah Niu, người Malaysia, giành danh hiệu nam diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim Kem Kacang và Tình Yêu Trẻ Con, bộ phim truyện dài đầu tay do chính anh đạo diễn. Fiona Sit và Nhật Kim Anh lần lượt giành danh hiệu nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Câu Lạc Bộ Chia Tay và Long Thành Cầm Giả Ca. Riêng trường hợp đầy hiếu kỳ của Nhật Kim Anh, người viết mạo muội tin rằng cô đã được ban giám khảo ưu ái. Nhưng không phải vì họ muốn “ vuốt” mặt ban tổ chức VNIFF, mà vì họ thật sự cảm kích và muốn khuyến khích dòng phim cổ trang vốn vô cùng thiếuthốn ở Việt Nam. Qua Long Thành Cầm Giả Ca, chúng tôi đã được biết thêm nhiều điều mới lạ về xã hội Việt Nam ngày xưa mà chúng tôi chưa bao giờ có dịp được biết.Đó là những giá trị văn hóa đáng quý và cần được chia sẻ với thế giới. - Phillip Noyce trả lời nghi vấn của một phóng viên về quyết định chấm giải.

Sáu hạng mục chính đều thuộc về sáu nhà làm phim, diễn viên trẻ đang chập chững vào nghề. Ngay bộ phim Long Thành Cầm Giả Ca cũng là một thử nghiệm trẻ của điện ảnh Việt. Trẻ là yếu tố cần thiết để tạo ra những thay đổi ngoạn mục không chỉ cho nền nghệ thuật thứ 7 ở Việt Nam mà còn cho cả Đông Nam Á. Việc tổ chức một Liên Hoan Phim Quốc Tế lần đầu và vấp phải nhiều sai lầm là chuyện hiển nhiên. Nhưng cái quan trọng là khi một Liên Hoan Phim được tổ chức, nó cho ta thấy khao khát và nhu cầu hội nhập, phát triển điện ảnh của nước chủ nhà - Nếu Marco Mueller, một người gần như đã tham dự nhiều LHP quốc tế hơn bất kỳ cá nhân nào trên thế giới, chia sẻ với VNIFF suy nghĩ trên mà không chút nề hà về sự luộm thuộm trong khâu tổ chức thì cớ gì chúng ta phải giữ khư khư quan điểm về một sự kiện có qui mô nhưCannes hay Oscar?

Hãy để VNIFF trở nên nổi tiếng như một bến đỗ cho những tài năng trẻ trong khu vực thay vì chỉ là một vở tuồng chỉ có vỏ bọc hào nhoáng. Và trên thế giới, những LHP quốc tế thật sự dành riêng cho thế hệ làm phim mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay. VNIFF dù vô tình hay hữu ý, cũng đang nắm giữ một tinh thần đáng quý trong mắt bè bạn năm châu. Xin đừng phủi bỏ nó trong tương lai.

(Bành Quang Minh Nhật)


9/11/10

đường tới... chợ (*)

... khá gần nhưng lại hóa xa chừng hơn 1 tháng nay với tôi. không bước chân ra chợ được, siêu thị cũng không nốt. sẽ có người kêu lên, bận gì mà bận dữ ác. tôi cũng không biết nữa.:D

điều đó là tôi buồn hơn bạn tưởng bởi một trong những thú vui của tôi là đi chợ. cái chợ nhỏ xíu ở Chu Mạnh Trinh gắn với tôi chừng hơn 7 năm. tôi biết từng gương mặt người bán ở đó, dĩ nhiên, chỉ mua ở một vài người nhất định. tôi sẽ nói kỹ hơn về những người quen này vào một dịp khác. trước đó thì hay đi chợ Thị Nghè, chợ bà Hoa, chợ Hoàng Hoa Thám.

ở đâu thì đi chợ đấy. chỉ trừ khi bạn thèm những món mà chợ gần nhà chẳng có mới phải đánh một vòng xe thật xa để mua. tôi đi chợ hay mua bán gì khác thường hay trêu người bán. đồng ý là quan hệ mua - bán nhưng tôi vẫn muốn họ và tôi trao nhau nụ cười, vài câu chuyện nhỏ trong chỉ chừng mươi mười lăm phút. nếu phải chọn giữa người có hàng tốt nhưng cau có với người có hàng hơi tốt, niềm nở và hay cười thì tôi chọn người thứ hai. người nào bán buôn mà cau có là tôi ghét, có bán thứ ngon lành đến thế nào tôi cũng chả thèm mua. nói cho cùng, tôi là người muốn được thỏa mãn cái nhu cầu được rong chơi trong cả khi mua bán. tôi không đòi hỏi hàng quán phải sang trọng nhưng người chủ quán phải yêu cái quán của họ bằng chính sự đón tiếp niềm nở, bằng sự chăm chút đôi khi chỉ cần dừng lại ở mức độ dọn sạch cái bàn, chén bát bày ra sạch sẽ.

quay trở lại chuyện đi chợ. không đi chợ nhưng là người theo đạo cơm, tôi vẫn vào bếp mỗi ngày. để có rau, cá, gạo, tôi gọi cho người bán gạo, nhờ cô ấy điểm danh các mặt hàng hai hàng bên cạnh có và chọn. rồi người bán giúp tôi làm sạch, cho vào túi. khi thì chính cô bán gạo mang đến nhà cho tôi, khi thì chú xe ôm quen chạy ra lấy và mang lên tận cửa nhà. sự giúp đỡ đó dĩ nhiên được trả phí nhưng tôi cảm thấy vui khi người phụ nữ vừa qua tuổi năm mươi ấy, đứng dưới đường, chỉ cần thấy tôi là cười; hay gã đàn ông hầm hố leo năm tầng lầu, thở hồng hộc trao tay tôi cái túi thức ăn kèm theo lời dặn dò, "Cá hình như làm lâu rồi đó cháu". họ, chẳng thân thích, cũng chẳng biết gì về tôi. nhờ vả họ, tôi đỡ có cảm giác áy náy và dễ dàng nói hai chữ "cảm ơn". họ, chắc có lẽ cũng chẳng nghĩ ngợi gì. đấy là tôi đoán thế, chứ tôi chẳng phải là giun trong bụng họ để biết sự thật.

tôi cực đoan trong một số chuyện, tôi có những nguyên tắc riêng. nhưng đôi khi tôi phải chấp nhận nguyên tắc riêng ấy bị phá vỡ bởi các nguyên tắc riêng khác. dù thật lòng, nhiều lúc khó chịu đến phát cáu, ví dụ: khoảng 15h30 chiều nay, bạn Mèo lại nói "em cảm ơn chị rất nhiều".


(*) phỏng theo tựa cuốn Đường tới Bờ Rạ

8/11/10

[ngày] chân không chạm đất

từ chối cơ hội được xem Nửa đời ngơ ngác (1), tối hôm qua, cốt để trả nợ đúng hạn và bởi sáng ra phải dậy sớm để lên Bình Chánh nhìn ngắm các em chân dài [nay lại càng dài bởi ai cũng diện một đôi guốc cao ít nhất 10 cm].


mang gương mặt người khác (2) vào giấc ngủ cùng phố những cửa hiệu u tối (3) mà đèn đường thì vàng vọt, mờ ảo hắt từ tít bên dưới lên đến tận cửa sổ tầng năm, len lỏi qua rèm cửa làm bằng vải bố màu rượu chát LaViña [sẽ được chén trong vài ngày tới]. và rồi khi gió trêu rèm, một điệu valse giã từ (4) diễn ra trên tường. cố dỗ dành bản thân, nguyệt đài (5) đẹp lắm, đến được đấy, ta sẽ thoát khỏi hoàn cảnh [hậu] hiện [đ]tại (6) chán chê, mỏi mệt. nhưng âu đó cũng là chuyện thường ngày ở huyện (7). ai mà không có những lúc nợ thì ngập đầu mà tâm trí thì như một cuốn tiểu thuyết (8) được viết bởi một người chân không chạm đất?


trên chuyến xe sáng nay, có những chuyện mà Nhóc Nicolas chưa kể và sẽ không kể [công khai] bởi có lúc nhóc nhắm hờ mắt thèm được nằm nghiêng (9) cho đỡ mỏi cổ và thầm hỏi, chuyện xưa kết đi, được chưa? (10). còn lúc này đây, nó tự hỏi mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình (11) rồi tự trào xin lỗi chịu hổng nổi (12). vậy nên, ngừng tại đây hỉ. :))


nghe như thể nghệ thuật hoành tráng (13), thật ra chỉ là xáo chộn chong [những] ngày [thèm ăn(14)] (15) mà thôi.


---

(1) Kịch được chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư. nghe đồn, cháy vé đến hết tháng 12.


(2) ---> (12), (14), (15): tên một số tác phẩm văn học, một vài trong số đó không được công nhận là văn học, nhưng kệ.


(13) một trong 4 tác giả của cuốn này là nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ Nguyễn Quân - người vừa có buổi cafe sáng thứ 7 [thơm lừng các thể loại mùi khác, có thể không có cái thứ đăng đắng màu đen, khi pha thêm sữa thì nhờ nhờ] tuần rồi nhân dịp cuốn "Mỹ thuật Việt Nam thế kỳ XX" ra mắt.

mình không đi ,để dành thời gian chiều nghe xí xàm về phim tài liệu [cũng tại cái góc ngã tư Phùng Khắc Khoan với Nguyễn Đình Chiểu, vì lời hứa với bạn Light] trong cơn mưa xối xả [quên cả lối rẽ vào nhà tình nhân một thuở]. rồi lôi nhau ra Trương Định ăn bánh xèo, bánh căn, gỏi cá mai, uống trà đá [trên đường đi hết tranh [cãi]/ xe rồi thì xoa dịu cơn khó chịu [chẳng biết đến từ đâu] của bạn Mèo khi mình chỉ sai hướng hoặc nhớ nhầm đường. nối tiếp là sự tiếc nuối 60k để xem những clip được trá hình dưới cái mác phim ngắn của Future Shorts và như cái khăn - nhớ ai khăn vắt trên vai - mình gật gà gật gù trong cái ghế nhựa giả mây, nếu không có miếng đệm lót e rằng đít sẽ đau, lườn sẽ nhói. và nốt màn cuối, bánh Tiramisu xem các bạn trẻ chơi bài Uno, rú rít từng hồi và thi thoảng hoa tay múa chân. thế đấy, hết ngày thứ 7.