31/12/10

2010 của tui




chú thích: với chị Lún và Chú Ba Phúc Đoàn tại lễ trao giải YxineFF 2010 - 26/12/2010

- ngồi ăn bữa trưa cuối cùng của năm trước tivi, xem show American Chef. nước mắt chảy ra khi BGK cho 1 thí sinh cơ hội thứ 2, cơ hội được nấu món ăn không màu mè hoa sói để đi thi, món ăn gần gũi, thân thuộc với gốc gác, gia đình họ. hãy là chính mình - đó là điều BGK muốn. tui là ếch ngồi đáy giếng nên tui không biết ở VN mình có một ngoại lệ nào nhằm mục đích nhắc nhở - hãy là chính mình - trong các cuộc thi hay chưa? bạn nào đi nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều cho biết với hen.

- mấy hôm rồi định viết note, điểm danh những sự kiện xảy ra trong năm 2010 nhưng không có hứng hoặc nửa chừng thì tụt hứng nên thôi. sau khi ăn cơm chiên với món canh tự chế - kiểu thích ăn gì trong các thứ còn trong tủ lạnh thì vứt vào, tui quyết định, xử luôn rồi đi mần chuyện khác. tuy nhiên, tui có kiểu điểm danh không theo sự kiện mà theo các cá nhân dây dưa vào những sự kiện đó. thành ra nếu đọc tới chữ cuối cùng, các bạn sẽ thấy tui sến chảy nước. cảnh báo trước để khỏi bị chửi. ai lỳ đòn thì ráng chịu hỉ. tui không chịu trách nhiệm.

1. năm nay có lẽ là năm sụt cân nhiều nhứt trong các năm, kỷ lục là giờ còn 38,5kg trước khi ăn, ăn no được 39kg. ai cũng kêu ca, tui cũng có chút rầu, rầu vì sợ dzìa nhà, bà già sẽ rú lên. chắc tại mở màn bằng vụ sốt xuất huyết hồi tháng 2, vừa qua Tết. ngay bữa SN là sốt li bì sau khi nấu nướng cho hơn 20 người ăn. tình trạng sức khỏe không khả quan lắm nên đôi khi mình cũng mệt mà các đồng chí cũng bị phiền lây. xin lỗi hỉ.

2. tui làm được một điều mà tui chưa bao giờ chịu được - bị ràng buộc bởi cái điện thoại, bởi email, bởi trách nhiệm trong suốt 7 tháng với YxineFF. tui là người thích tự do, tui không có cánh nhưng tui muốn bay, dù dây điện ở xứ mình chằng chịt, nhưng tui tin tui giỏi lượn và luồn lách để không mắc kẹt. vậy nên tui phải nói, tui phục bản thân mình khi đã đi hết quãng đường dài hơn nửa năm đó. dĩ nhiên, có lúc tui muốn bỏ đi, muốn vứt đó, ai làm gì thì làm, tui mặc kệ, nhưng tui đã không làm. một phần tui một khi đã quyết định làm cái gì rồi thì tui làm tới cùng, dù có trầy vi tróc vảy. tui muốn bản thân tui không hối hận và không bao giờ nói chữ: giá mà. một phần, có một bạn, nói với tui hồi lâu thiệt lâu ở góc cafe ở Ân Nam gourmet: em không muốn người ta lại nói - đó cũng là một phút tự sướng của tụi con nít mà thôi. bạn đó chắc chắn quên rồi, vì có thể, bạn không chỉ nói với riêng tui điều đó. nhưng tui thì nhớ. cái khổ của tui là nhớ dai, nhớ lâu và phản xạ tốt với mấy cuộn phim âm bản trong đầu.

nhiều người nói với tui, YxineFF giúp không ít người biết tới tui, tui nên vui với điều đó. thiệt ra, tui chưa chắc vui với điều đó. tui chỉ vui khi trong quá trình làm việc, nhiều người cộng tác với tui trước đó sẵn sàng giúp tui, hoặc động viên tui vì tui họ có chút ấn tượng tốt với tui trong quá khứ mà nếu không có vụ này, tui không biết. tui vui vì đêm trao giải, nhiều người xoa đầu, vỗ vai tui nói: "thế này là tốt lắm rồi! mấy đứa ngon lành lắm!" tui cũng vui vì qua dự án này, tui biết được có vài người không ưa tui nhưng chỉ nói sau lưng. và hơn hết, YxineFF mang tới cho tui những trải nghiệm mà có lẽ khó có được lần 2 và những người bạn, có người tui rất quý, có người tui mến, có người tui cảm thấy nể. tui cảm ơn các bạn đã đồng hành với tui, tui cũng xin lỗi các bạn vì những lần tui nổi điên, tui to tiếng.

3. FFF, mặc dù tui lao vào nhóm vì chuyện cá nhân nhưng thật lòng, tui tuy có chút thiên vị nhưng vẫn đặt cái chung lên trên hết. có điều, chắc cá tính tui khác phần lớn, quan điểm của tui cũng chẳng giống, cách làm việc lại càng không và nhứt là mục tiêu dường như tách biệt nên tui quyết định ra đi. 2 dự án với các bạn là những trải nghiệm quý giá của tui. tui cảm ơn tất cả các bạn. những cãi vả, xung đột, những ngày thức trắng, chia nhau từng miếng xôi, tô mỳ, nửa cái mền, khoảnh đất - tui sẽ mang theo và cất giữ nó trong tim. mong các bạn tiếp tục làm được những bộ phim tốt và kiên định với con đường mình đã chọn.

4. em cảm ơn chị vì đã là người gần gũi nhất trong năm qua. những lần hai chị em đi dạo, ngồi ghế đá, uống nước, nhai kẹo, hút thuốc, tâm sự mặc kệ mấy con muỗi, vài cuộc đi hoang và những cái ôm siết - em đều nhớ. cảm ơn chị, dù đi đâu cũng nhớ đến em, cũng làm em cảm động bằng tình cảm chân thành. cả lúc hiếm hoi chị nổi giận cùng chân thành. đó là điều em cần ở một người bạn. năm tới, chị em mình còn đồng hành trên nhiều chặng đường, mong chị giữ mãi sự chân thành và thẳng thắn đó.

5. em muốn cảm ơn anh. đã chịu thẳng thắn khi bị buộc thẳng thắn và trở thành một người bạn đủ gần gũi để có lúc anh lỡ miệng nói đúng mà thành ra nói bậy em còn tức giận tới mức muốn đập anh một trận ra trò.

6. cảm ơn gái vì đã là bạn nhậu, lắm lúc bất đắc dĩ, chấp nhận nhảy vào một cuộc chơi mà biết trước sẽ có nhiều chuyện nặng đầu. cảm ơn gái thỉnh thoảng mua hoa tặng chị, cảm ơn những lời cảnh báo.

7. chị cảm ơn mày, lúc nào cũng là đứa hay bị quát nhiều nhất vì cái sự đơn giản và lỗi nghe hiểu có vấn đề. nhưng mày không giận chị, hoặc có nhưng rồi cho qua và vẫn quan tâm đến chị như không hề có cuộc chia ly. =)) mày không là ngôi sao sáng nhất nhưng mày là ngôi sao ngự đúng chỗ và chiếu sáng kịp lúc. có lẽ mày là đứa duy nhất được phép ôm cái máy tính của chị chừng nửa tháng.

8. em cảm ơn anh đã tin tưởng em, đã chịu không ít ức chế vì em. em biết anh đã phải nuốt giận khi em cáu. em cũng biết với anh, em cũng giống như bao nhiêu người đồng hành cùng anh trong dự án mà thôi. chúc anh vững bước trong những năm tới. em tin anh sẽ làm được điều đó.

9. cảm ơn các bà chị dù ở rất xa, có người còn chưa biết mặt mũi em ra sao nhưng luôn quan tâm tới sức khỏe và tâm trạng lẫn công việc của con nhỏ xấu cả trong lẫn ngoài này.

10. cảm ơn em đã xuất hiện trong đời chị. chị từng nói, chắc kiếp trước chị mắc nợ em. giờ vẫn nghĩ vậy. có nhiều thứ, chị nghĩ, trong tương lai, em sẽ hiểu tại sao chị hành động như vậy, tại sao chị nổi giận. chị tin là như vậy. có nhiều điều, em cho là chị vô lý, và chị cũng tự nhận như vậy. tuy nhiên, ít nhất có một lý do để chị làm điều đó nhưng em không bận tâm nhiều nên em không xâu chuỗi được. chị không trách em, chị chỉ trách mình đã đặt sự kỳ vọng, tình yêu của mình quá cao, quá nhiều. chị sẽ không yêu thương em như chị muốn nữa, chị cũng không thể hiện điều đó bởi với em, những chuyện đó không quan trọng và nếu có thì cũng chỉ trong một thời điểm và khi nó qua đi thì không còn nữa. sự quyết liệt, kiên định của chị sẽ làm em rối trí và mệt mỏi. vậy nên, chị sẽ đặt rào chắn cho mình. em có thể yên tâm duỗi thẳng chân mà ngủ. :D

11. cảm ơn tất cả mọi người đã đến và chia sẻ những giây phút tuyệt vời hoặc buồn khổ với tui. cảm ơn những cuộc nhậu nhẹt, cafe, phim ảnh. cảm ơn những lần các bạn nghe tui kêu ca hoặc kêu ca với tui. cảm ơn các bạn đã tin tưởng tui. cảm ơn các nhân vật, các bạn đã mang đến cho tui nhiều mảng màu khác nhau, nhờ vậy bức tranh năm 2010 của tui cực kỳ sinh động. cảm ơn tất cả.

9/12/10

thư gửi người bạn cũ

này bạn,

bọn mình lại gặp nhau nhỉ? tính từ lần gặp cuối, kể cũng chưa lâu lắm, nhưng từ nay mình sẽ sát cánh kề vai chứ không dăm ba tháng mới gặp một bận như trước nữa. nói thật nhé, tớ vui lắm í, vì tớ đợi cũng đủ lâu rồi. tớ chán cảnh phải lang thang với những bạn khác rồi. có bạn, cảm giác gần gũi, ấm áp hơn nhiều.

tớ tin, cái gì cũng có duyên số. bạn đến với tớ cũng vậy. dù rằng bạn không gặp tớ trước mà là mẹ tớ rồi gần gũi bà cùng em gái tớ nhiều hơn tớ, nhưng chúng ta vẫn là bạn, đúng không? tình cảm muốn vun đắp phải có thời gian và khoảng cách đủ gần để quan tâm cũng như bắt nạt nhau, vậy nên, nhiều lúc, tớ thấy bạn dỗi tớ ra mặt. lúc tớ muốn thế này bạn lại đòi thế khác. kể ra cũng mệt đấy, nhưng rồi chúng ta cũng hiểu nhau, nhỉ?

nếu xét về tử vi, tính theo mạng, bạn và tớ không hợp nhau đâu, bạn biết chứ? nhưng có hề gì, tớ thích bạn, và mong là bạn cũng thế. nếu mà cứ tuân theo sự tương hợp đó, tớ tin chắc, chẳng có người bạn nào ở cạnh tớ cả và điều này, lắm lúc dẫn đến những tình huống có thể gây thẹn cho người đối diện, dĩ nhiên, tớ thì hơi chai mặt rồi nên có thể không thấy gì. à mà tớ đùa đấy, ngượng lắm, không chơi vậy đâu.

bạn hẳn là biết tính tớ, đúng chứ? gàn dở, cứng đầu, nóng nảy. nói chung là xấu từ trong ra ngoài. theo trí nhớ suy tàn lúc được lúc mất thì dường như bạn chấp nhận cái đứa người ngợm chả ra làm sao này. bằng chứng à? nếu không cảm thấy chơi được thì chắc trong những chuyến du hành ngắn, bạn không cùng tớ lao đi và cười ha hả mặc kệ gió cát. bọn mình đã từng đạt đến mức 100km/ giờ. cảm giác đấy thật tuyệt vời. mình thích như thế lắm. bạn thì chắc có thời điểm phải gồng mình, đúng không? đừng lắc đầu nhé, tớ tin mình cảm nhận được. và từ nay, những lần mạo hiểm như thế sẽ còn nhiều hơn nữa, vì bạn đã ở gần tớ rồi mà. cùng chiến nhé!

nhưng mà bạn ạ, tớ nghĩ lại rồi, liệu có nên không? chuyện bạn chìu ý tớ í. nhất là những lúc tớ đang bực mình, stress, cả khi tâm trạng đang hưng phấn nữa. nhớ không, vừa nãy đây thôi, điều đó đã xảy ra rồi. cứ thế này thì có khi mẹ tớ không an tâm đâu đấy. bà sẽ cằn nhằn hai đứa cho xem, à, tớ sẽ là đứa bị mắng chính vì dù sao, tớ cũng là con bà mà. hay là những lúc thiếu cân bằng như vậy, mình tạm xa nhau nhỉ? mà không, ta tìm một giải pháp nào đó khả dĩ hơn đi, chẳng hạn bạn vờ như ốm, không đi cùng tớ được và thế là tớ đành tiu nghỉu về nhà ngủ. không biết có tác dụng không nhỉ? bạn thấy sao khi tớ nghiêm túc thừa nhận, lúc đó, tớ cần bạn hơn hết thảy, vì bạn sẽ không từ chối tớ, đến bên cạnh tớ ngay khi tớ yêu cầu. tớ đồ rằng, nhiều người sẽ mắng tớ hâm, điên. mà thây kệ, miễn là tớ muốn, cảm thấy ổn là được. tớ cũng nói luôn, dù hơi xấu hổ, lắm lúc bạn sẽ thấy tớ quát, tớ khóc, còn cười thì thường rồi. tớ cá, bạn sẽ có lúc chán tớ, chán đến mức chả buồn nói và tớ cũng sẽ có lúc chả nói gì, cứ lặng lẽ như cái bóng thôi. đừng cáu vô ích, vì tớ sẽ không trở lại thành người ngay đâu. chịu đựng chút đi, năn nỉ đấy! :D

tớ vốn dĩ tiêu cực và bi quan. vậy nên, dù ngày đoàn tụ mới diễn ra nhưng tớ cũng đã nghĩ đến chuyện rồi sẽ có lúc tớ phải chia tay bạn. mình thống nhất với nhau, thẳng thắn, trung thực để mối quan hệ này được dài hơn một chút. nếu bạn cảm thấy không ổn dù chỉ là hắt hơi hay đau bụng thì cũng nên báo để tớ biết. mấy chuyện cỏn con đôi khi dẫn đến hệ quả khôn lường í. tớ cũng hứa, tớ sẽ lắng nghe bạn, không viện lý do này kia để trì hoãn việc hỗ trợ bạn hoặc tìm giải pháp một cách nhanh nhất. thỏa thuận thế rồi nhé! tớ hi vọng, khi ta không còn ở cạnh nhau nữa, bạn và tớ vẫn còn nghĩ về nhau và cười tươi.

vậy thôi. thư dài lắm rồi. chậu nước ấm pha muối dưới chân tớ nguội cả rồi. ngừng đây.

tái ngầu: tớ xin lỗi vì hai hôm nay bận quá, thành ra hơi thờ ơ với bạn. tối nay mình mới gọi là chào nhau đúng nghĩa. bạn thông cảm, thời điểm này quay cuồng quá.

tái chín: yêu bạn.

Ima

---

mở ngoặc: "bạn" chính là chàng Sirius màu đỏ được dán tem Yamaha. đóng ngoặc

5/12/10

tháng 12 và khát vọng có cánh


- chăm chỉ tập yoga
- tẩy 2 chú nốt ruồi :))
- khám và chữa cho dứt các cơn đau ở chân và lưng
- đi Hà Nội
- cười nhiều hơn mỗi ngày, bao gồm cả việc cười trước khi ngủ và thức dậy, lẫn lúc thần kinh căng nhất
- đọc sách nhiều hơn (tối thiểu 50 trang/ ngày)
- gạt bỏ vị trí ai đó thật sự quan trọng

là mục tiêu tạm thời nhưng có những điều sẽ duy trì đến tận năm sau. để sống nhẹ nhàng hơn.

gạch đầu dòng cuối cùng sẽ được thực hiện triệt để nhằm tránh tình trạng "ăn mày tình cảm". thiết nghĩ, sống mà không quá yêu thương một ai đó sẽ dễ chịu hơn, hoặc chí ít cũng kiểm soát được cái gọi là yêu thương kia.

sau một khoảng thời gian giao thiệp rộng rãi hơn trước, đi ra ngoài, trở thành một phần của đám đông nhiều hơn, tôi cảm thấy vô nghĩa và mệt mỏi. tôi thích một căn phòng nhỏ, có thể nghe, đọc, xem hơn là sự nhộn nhạo, đông đúc. hơn nửa năm qua đã như thế nhưng nay lại không muốn nữa. bây giờ hễ mở miệng, chắc chỉ có cười, vẫn sẽ giữ điệu cười giòn giã không mấy duyên dáng. xưa nay tôi không nhìn ngắm mình, giờ cũng chẳng yêu giọng nói hay điệu cười của mình. song tôi cảm thấy dễ chịu với chúng. không ghét chẳng yêu, dễ chịu. vậy thôi.


tôi thật sự muốn sống ở một nơi không ai quen biết mình, muốn hít thở một bầu không khí khác, sự mới mẻ cùng với sức ép phải hòa nhập để sống còn chắc sẽ cho tôi một sức mạnh. tôi muốn biết mình có thể làm gì khác ngoài những thứ bây giờ gần như trở thành phản xạ, muốn tư duy khác, muốn nói một thứ ngôn ngữ khác mà nếu không lao vào học hay vận dụng tất cả giác quan, tôi sẽ chết vì cô độc. tôi không muốn gặp những gương mặt quen thuộc, không muốn nghe những giọng nói mà cả khi đang ngủ tôi vẫn nhận ra. tôi muốn sống một cuộc sống khác. biết là khó khăn bội phần và sẽ có lúc tôi gào lên vì thèm sự thân thuộc nhưng thế còn hơn là cảm giác chán ngán đến tận cổ. tôi không vui với những cảm xúc đã cũ, chúng lặp đi lặp lại. tôi bị cho là tự làm khổ mình. âu cũng đúng. đã quá già để thay đổi chưa? tôi nghĩ là chưa, có điều, tôi chưa biết làm thế nào để thay đổi. vậy nên tôi muốn tránh xa những thứ mang đến cho tôi cảm xúc tiêu cực.

tôi muốn được bay. cùng với gió, mây, chim chóc ở trên cao, hẳn sẽ tuyệt vời và dễ chịu. giá mà mọc cánh và chỉ cần vỗ vài cái thật mạnh là đã không còn đứng trên mặt đất. giá mà có cái nút, chỉ cần bấm một cái là ký ức xóa sạch. thế là có thể làm lại từ đầu mà chẳng phải khổ sở tìm một nơi để sống khác đi khi tiền không có, trách nhiệm này nọ lủng lẳng trên lưng.

2/12/10

yêu

tôi yêu khoảnh khắc này. và chị yêu em, gái ạ!






21/11/10

bi kịch của Liz


tôi không nhớ cái kiểu viết blog thì không viết hoa bắt đầu từ khi nào nữa. có vài bạn góp ý, khó chịu. tôi toàn cười. vì tôi muốn thế. khi viết blog, tôi thường để những thứ linh tinh trong đầu mình chòi ra, rơi xuống bàn phím và phải ghi nhận chúng một cách nhanh nhất. tuy nhiên, tôi tuyệt đối không để xảy ra lỗi khoảng cách giữa các từ và luôn muốn các dòng thẳng tắp. đó là một nghịch lý giữa việc: muốn thoát khỏi công việc và bị ám ảnh bởi công việc. đó chỉ là một ví dụ để thấy, tôi là người đầy mâu thuẫn.



hẳn bạn sẽ đồng ý với điều vừa đọc nếu biết, tôi từng ghét cay ghét đắng mùi thuốc lá. giờ vẫn ghét. tôi thể hiện điều đó rõ ràng đến mức, từng có một bạn không dám thổ lộ mình hút thuốc vì sợ tôi ghét. nhưng giờ, thi thoảng, lúc ở xứ lạnh, nhất là ở đó mà uống rượu thì tôi thèm rít một vài hơi thuốc. hôm qua, trời SG sau cơn mưa to, dai dẳng, về khuya, lạnh chẳng khác gì Đà Lạt, tôi rên rỉ, thèm thuốc lá quá. qua thời điểm đó, tôi chẳng thèm thuồng, cũng chả thích thú cái mùi hôi hám bám dai như đỉa đói kia. tôi thích ngửi tóc mình, thích cái mùi dầu gội của mình, thích cảm thấy mùi sữa tắm hay loại nước hoa hay dùng. tôi không thích chúng bị át bởi mùi thuốc lá, tệ hơn là tạo ra thứ mùi không chịu nổi khi trộn tất cả các thứ mùi đấy lại với nhau.

xem Eat, Pray, Love, tôi khóc rấm rứt.
bạn tôi hỏi vì sao. đơn giản, vì tôi đồng cảm, vì ký ức như một cuốn phim âm bản chạy qua đầu tôi. Liz cần tự tha thứ cho bản thân vì đã làm chồng cũ tổn thương. tôi cũng cần được tha thứ và tự tha thứ vì những điều tôi trực tiếp gây ra lẫn vô tình mang tới cho vài người. họ có thể vẫn còn hận tôi. nhưng có thể, họ có thể đã quên tôi, tôi chẳng còn nghĩa lý gì với họ. nếu thế thì may quá. vì ít ra, mọi việc cũng đã trở thành quá vãng.


tôi thèm được thế này, ngay lúc này. hít thở khí trời, đạp xe thong dong và có một cái blazer. :))



bạn tôi bảo, nhìn cô này ăn pizza, pasta thì nhớ tôi. tôi thì nhớ pasta và pizza.




tôi thích hầu hết trang phục của nhân vật Liz. chúng làm cơn khát shopping trong tôi bừng dậy. :))

đến đoạn này, tôi nhớ người từng bảo, yêu cái kiểu cười sằng sặc, yêu cái tiếng cười giòn giã dù âm thanh nghe chẳng hay ho chút nào. thật tiếc, tôi làm họ tổn thương và ngược lại. :(

tôi nghĩ, kẻ gây ra tội, bao giờ cũng bị dằn vặt nhiều hơn. và như những cú nhói sườn, tội lỗi sẵn sàng làm bạn phải gục xuống, ôm ngực trong đau đớn. để tha thứ cho mình, tôi nghĩ khó dù về cơ bản, tôi luôn tự nhủ, nỗi đau cũng là cảm xúc tích cực và là kinh nghiệm quý. nhưng đó chỉ để ngụy biện thôi, đâu phải ai cũng cho như thế là hay! điều đáng sợ là hành động vô tình của mình tạo ra những bức tranh toàn gam màu tối. tôi hoàn toàn không muốn thế.

tôi thấy mình trong bi kịch của Liz. chạy khỏi người quá yêu mình, làm mình đánh mất bản thân và lại quá yêu, đến mức bị lệ thuộc cảm xúc vào một người khác. sự yêu thương, nếu quá nhiều, tôi cho là sẽ làm đối phương ngạt thở, hoảng sợ vì không còn không gian riêng, vì sợ làm tổn thương người khác nên phải gồng. gồng lâu sẽ mỏi và quỵ, thế là đứt. tìm được cách cân bằng giữa thả và kéo mới là thành công.


Hãy công tâm mà nhìn


tôi nghĩ, hẳn nhiều người nghe, biết về Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1 diễn ra vào tháng 10 vừa qua. điều mọi người thấy ở VNIFF là gì? những bài báo phản ánh của báo chí? có ai cho rằng đó là chân dung toàn cảnh của VNIFF không? tôi tiếc vì mình không được dự sự kiện này. không phải với tư cách một người đưa tin, mà là người tham gia tổ chức. dẫu tôi biết sẽ có lúc đầu bù tóc rối, trầm cảm nặng nhưng đó là những trải nghiệm tôi tin mình cần và sẽ lớn lên nhờ chúng. dẫu ai nói gì đi chăng nữa, tôi tin, sự kiện này là một làn gió mát được những người dũng cảm mang đến.


tôi chia sẻ với các bạn, một góc nhìn của một bạn trẻ, là người đứng bên trong, bạn ấy có một góc nhìn khác về VNIFF.

---

VNIFF - TỪ MỘT GÓC NHÌN

Khi đèn pha đã ngừng sáng, khi sân khấu đã rơi vào màn đêm tĩnh mịch, khi những tiếng reo hò đã không còn ngự trị trên thảm đỏ và các bộ lễ phục lộng lẫy đã vội vàng bị xếp xó trên kệ tủ, cái còn đáng để đọng lại qua Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần 1 (VNIFF) này, tuyệt nhiên chẳng phải loạt lỗi lầm sờ sờ trong khâu tổ chức, mà là một tia hi vọng bất đắc dĩ mang tên: trẻ.

Chuyện về một thế hệ dám yêu vô tư

Ngôi sao điện ảnh và đạo diễn chưa từng là chủ nhân duy nhất của thảm đỏ danh giá. Thập diện mai phục xung quanh nó, bất kể sáng khuya hay mưa nắng là cơn khát thần tượng cháy bỏng của hàng nghìn fan hâm mộ cho dù nó chỉ phục vụ cho sự kiện ra mắt phim qui mô nhỏ tại một đất nước đang phát triển hay ngập tràn ánh hào quang ở một thành phố biển miền Nam nước Pháp. VNIFF cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất so với những gì trí óc ta tô hồng là đám đông ngùn ngụt khí thế ấy hầu hết đều khoác màu áo đen tình nguyện của ban tổ chức và luôn miệng hò hét bất kể là ai đang dạo bước trên thảm đỏ, nổi tiếng hay không nổi tiếng.

Chẳng cần tinh ý, người tham dự dễ dàng nhận ra đặc điểm của đối tượng "diễn viên quần chúng" luôn thừa nhiệt thành nhưng thiếu suy xét ở trên chính là các bạn trẻ thuộc thế hệ cuối 8x và 9x. Dẫu việc làm của họ có nhận được nhiều cái lắc đầu từ những người đã lỡ trao niềm tin về một kỳ liên hoan phim nghiêm trang, mẫu mực; hay bị so sánh như một công việc bán thời gian rẻ mạt, thì toàn bộ ý kiến phản ánh đã nêu cũng không thể làm lu mờ nét hân hoan chân thành mà chẳng một bản hợp đồng nào đủ sức khâu lên mặt họ - chỉ đơn giản là: Bọn em đến đây để được thấy chị Tăng Thanh Hà, anh Ngô Ngạn Tổ. Được như vậy là thỏa mãn rồi.

Ý tứ, như một cô gái chỉ dám mỉm cười quan sát thần tượng từ xa; hay ngông cuồng, như một chàng trai hùng hổ chen lấn để rồi cũng không đủ gan rửa sạch bàn tay còn lưu hơi ấm của người diễn viên; đáng khen và đáng trách, họa chăng đều xuất phát từ tình yêu mãnh liệt họ dành riêng cho điện ảnh. Nếu ai có dịp được vào xem các phim nước ngoài, hoặc kể cả các phim Việt Nam cũ, được trình chiếu trong khuôn khổ VNIFF, khán giả đó sẽ thấy gần như 90% người đến rạp là công chúng trẻ. Chính đạo diễn Phillip Noyce cũng phải tâm sự ở lễ bế mạc rằng ông thật sự bất ngờ trước hiện tượng này.

Chúng ta vẫn thường đắn đo rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới thật sự có cái gọi là siêu sao điện ảnh. Nhưng theo một cách thiếu chủ ý, chúng ta lại thường dùng nấc thang chuyên môn để đánh giá vấn đề đó mà bỏ quên phản ứng từ người hâm mộ. Nghệ thuật, dù ở thứ tự nào, muốn sống được đều phải có công chúng. Và khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu sản sinh ra một thế hệ khán giả có khả năng cuồng si vì nó, đấy đã là thành công. VNIFF dù muốn hay không, đã trở thành ví dụ chính thức cho đột phá này.

Và chủ nhân của giải thưởng là...

Về những giải thưởng quan quan trọng nhất cả VNIFF đã được xướng danh: Lâu Đài Cát - Phim truyện Singapore đoạt giải phim xuất sắc nhất; Boo Junfeng - Đạo diễn xuất sắc nhất – cũng là một nét “ lạ” của LHP này. Theo truyền thống đã ăn vào máu mủ của người Việt như "nhập gia tùy tục" và "phép vua thua lệ làng" thì kết quả của Liên Hoan Phim vừa rồi phải chăng là hơi phá cách? Do đó, tuy Marco Mueller, thành viên thuộc ban giám khảo VNIFF, đương kim Chủ tịch của LHP Venice, liên tục ca ngợi lựa chọn phim tranh cử của Việt Nam là đa dạng, tinh tế nhưng chưa hẳn mục tiêu sơ khởi của nó đã chia sẻ cùng một lập trường. Không phải là không có lý do khi người đại diện cho Việt Nam là lớp đạo diễn đàn anh Đào Bá Sơn, Hà Sơn, trong khi các ứng cử viên còn lại hầu hết đều rất trẻ nếu xét về tuổi đời lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tuy nhiên, có vẻ như trong một thế cờ giả định mà uy tín chủ nhà dễ dàng bị đánh đồng cùng sự thiên vị, các ban giám khảo đã có một chiến thuật lật ngược tình thế xứng đáng với uy tín tầm cỡ quốc tế cũng như tình cảm mà họ dành cho Việt Nam. Họ đã biến VNIFF thành một Liên Hoan Phim cho cái tươi trẻ, đồng thời ở cả hai khía cạnh con người và tinh thần. Ngoài hai giải thưởng cao nhất được trao cho Boo Junfeng và bộ phim đầu tay của anh, các chủ nhân ở hạng mục nam nữ diễn viên xuất sắc nhất đều thể hiện rõ tôn chỉ chấm giải trên. Ah Niu, người Malaysia, giành danh hiệu nam diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim Kem Kacang và Tình Yêu Trẻ Con, bộ phim truyện dài đầu tay do chính anh đạo diễn. Fiona Sit và Nhật Kim Anh lần lượt giành danh hiệu nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Câu Lạc Bộ Chia Tay và Long Thành Cầm Giả Ca. Riêng trường hợp đầy hiếu kỳ của Nhật Kim Anh, người viết mạo muội tin rằng cô đã được ban giám khảo ưu ái. Nhưng không phải vì họ muốn “ vuốt” mặt ban tổ chức VNIFF, mà vì họ thật sự cảm kích và muốn khuyến khích dòng phim cổ trang vốn vô cùng thiếuthốn ở Việt Nam. Qua Long Thành Cầm Giả Ca, chúng tôi đã được biết thêm nhiều điều mới lạ về xã hội Việt Nam ngày xưa mà chúng tôi chưa bao giờ có dịp được biết.Đó là những giá trị văn hóa đáng quý và cần được chia sẻ với thế giới. - Phillip Noyce trả lời nghi vấn của một phóng viên về quyết định chấm giải.

Sáu hạng mục chính đều thuộc về sáu nhà làm phim, diễn viên trẻ đang chập chững vào nghề. Ngay bộ phim Long Thành Cầm Giả Ca cũng là một thử nghiệm trẻ của điện ảnh Việt. Trẻ là yếu tố cần thiết để tạo ra những thay đổi ngoạn mục không chỉ cho nền nghệ thuật thứ 7 ở Việt Nam mà còn cho cả Đông Nam Á. Việc tổ chức một Liên Hoan Phim Quốc Tế lần đầu và vấp phải nhiều sai lầm là chuyện hiển nhiên. Nhưng cái quan trọng là khi một Liên Hoan Phim được tổ chức, nó cho ta thấy khao khát và nhu cầu hội nhập, phát triển điện ảnh của nước chủ nhà - Nếu Marco Mueller, một người gần như đã tham dự nhiều LHP quốc tế hơn bất kỳ cá nhân nào trên thế giới, chia sẻ với VNIFF suy nghĩ trên mà không chút nề hà về sự luộm thuộm trong khâu tổ chức thì cớ gì chúng ta phải giữ khư khư quan điểm về một sự kiện có qui mô nhưCannes hay Oscar?

Hãy để VNIFF trở nên nổi tiếng như một bến đỗ cho những tài năng trẻ trong khu vực thay vì chỉ là một vở tuồng chỉ có vỏ bọc hào nhoáng. Và trên thế giới, những LHP quốc tế thật sự dành riêng cho thế hệ làm phim mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay. VNIFF dù vô tình hay hữu ý, cũng đang nắm giữ một tinh thần đáng quý trong mắt bè bạn năm châu. Xin đừng phủi bỏ nó trong tương lai.

(Bành Quang Minh Nhật)


9/11/10

đường tới... chợ (*)

... khá gần nhưng lại hóa xa chừng hơn 1 tháng nay với tôi. không bước chân ra chợ được, siêu thị cũng không nốt. sẽ có người kêu lên, bận gì mà bận dữ ác. tôi cũng không biết nữa.:D

điều đó là tôi buồn hơn bạn tưởng bởi một trong những thú vui của tôi là đi chợ. cái chợ nhỏ xíu ở Chu Mạnh Trinh gắn với tôi chừng hơn 7 năm. tôi biết từng gương mặt người bán ở đó, dĩ nhiên, chỉ mua ở một vài người nhất định. tôi sẽ nói kỹ hơn về những người quen này vào một dịp khác. trước đó thì hay đi chợ Thị Nghè, chợ bà Hoa, chợ Hoàng Hoa Thám.

ở đâu thì đi chợ đấy. chỉ trừ khi bạn thèm những món mà chợ gần nhà chẳng có mới phải đánh một vòng xe thật xa để mua. tôi đi chợ hay mua bán gì khác thường hay trêu người bán. đồng ý là quan hệ mua - bán nhưng tôi vẫn muốn họ và tôi trao nhau nụ cười, vài câu chuyện nhỏ trong chỉ chừng mươi mười lăm phút. nếu phải chọn giữa người có hàng tốt nhưng cau có với người có hàng hơi tốt, niềm nở và hay cười thì tôi chọn người thứ hai. người nào bán buôn mà cau có là tôi ghét, có bán thứ ngon lành đến thế nào tôi cũng chả thèm mua. nói cho cùng, tôi là người muốn được thỏa mãn cái nhu cầu được rong chơi trong cả khi mua bán. tôi không đòi hỏi hàng quán phải sang trọng nhưng người chủ quán phải yêu cái quán của họ bằng chính sự đón tiếp niềm nở, bằng sự chăm chút đôi khi chỉ cần dừng lại ở mức độ dọn sạch cái bàn, chén bát bày ra sạch sẽ.

quay trở lại chuyện đi chợ. không đi chợ nhưng là người theo đạo cơm, tôi vẫn vào bếp mỗi ngày. để có rau, cá, gạo, tôi gọi cho người bán gạo, nhờ cô ấy điểm danh các mặt hàng hai hàng bên cạnh có và chọn. rồi người bán giúp tôi làm sạch, cho vào túi. khi thì chính cô bán gạo mang đến nhà cho tôi, khi thì chú xe ôm quen chạy ra lấy và mang lên tận cửa nhà. sự giúp đỡ đó dĩ nhiên được trả phí nhưng tôi cảm thấy vui khi người phụ nữ vừa qua tuổi năm mươi ấy, đứng dưới đường, chỉ cần thấy tôi là cười; hay gã đàn ông hầm hố leo năm tầng lầu, thở hồng hộc trao tay tôi cái túi thức ăn kèm theo lời dặn dò, "Cá hình như làm lâu rồi đó cháu". họ, chẳng thân thích, cũng chẳng biết gì về tôi. nhờ vả họ, tôi đỡ có cảm giác áy náy và dễ dàng nói hai chữ "cảm ơn". họ, chắc có lẽ cũng chẳng nghĩ ngợi gì. đấy là tôi đoán thế, chứ tôi chẳng phải là giun trong bụng họ để biết sự thật.

tôi cực đoan trong một số chuyện, tôi có những nguyên tắc riêng. nhưng đôi khi tôi phải chấp nhận nguyên tắc riêng ấy bị phá vỡ bởi các nguyên tắc riêng khác. dù thật lòng, nhiều lúc khó chịu đến phát cáu, ví dụ: khoảng 15h30 chiều nay, bạn Mèo lại nói "em cảm ơn chị rất nhiều".


(*) phỏng theo tựa cuốn Đường tới Bờ Rạ

8/11/10

[ngày] chân không chạm đất

từ chối cơ hội được xem Nửa đời ngơ ngác (1), tối hôm qua, cốt để trả nợ đúng hạn và bởi sáng ra phải dậy sớm để lên Bình Chánh nhìn ngắm các em chân dài [nay lại càng dài bởi ai cũng diện một đôi guốc cao ít nhất 10 cm].


mang gương mặt người khác (2) vào giấc ngủ cùng phố những cửa hiệu u tối (3) mà đèn đường thì vàng vọt, mờ ảo hắt từ tít bên dưới lên đến tận cửa sổ tầng năm, len lỏi qua rèm cửa làm bằng vải bố màu rượu chát LaViña [sẽ được chén trong vài ngày tới]. và rồi khi gió trêu rèm, một điệu valse giã từ (4) diễn ra trên tường. cố dỗ dành bản thân, nguyệt đài (5) đẹp lắm, đến được đấy, ta sẽ thoát khỏi hoàn cảnh [hậu] hiện [đ]tại (6) chán chê, mỏi mệt. nhưng âu đó cũng là chuyện thường ngày ở huyện (7). ai mà không có những lúc nợ thì ngập đầu mà tâm trí thì như một cuốn tiểu thuyết (8) được viết bởi một người chân không chạm đất?


trên chuyến xe sáng nay, có những chuyện mà Nhóc Nicolas chưa kể và sẽ không kể [công khai] bởi có lúc nhóc nhắm hờ mắt thèm được nằm nghiêng (9) cho đỡ mỏi cổ và thầm hỏi, chuyện xưa kết đi, được chưa? (10). còn lúc này đây, nó tự hỏi mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình (11) rồi tự trào xin lỗi chịu hổng nổi (12). vậy nên, ngừng tại đây hỉ. :))


nghe như thể nghệ thuật hoành tráng (13), thật ra chỉ là xáo chộn chong [những] ngày [thèm ăn(14)] (15) mà thôi.


---

(1) Kịch được chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư. nghe đồn, cháy vé đến hết tháng 12.


(2) ---> (12), (14), (15): tên một số tác phẩm văn học, một vài trong số đó không được công nhận là văn học, nhưng kệ.


(13) một trong 4 tác giả của cuốn này là nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ Nguyễn Quân - người vừa có buổi cafe sáng thứ 7 [thơm lừng các thể loại mùi khác, có thể không có cái thứ đăng đắng màu đen, khi pha thêm sữa thì nhờ nhờ] tuần rồi nhân dịp cuốn "Mỹ thuật Việt Nam thế kỳ XX" ra mắt.

mình không đi ,để dành thời gian chiều nghe xí xàm về phim tài liệu [cũng tại cái góc ngã tư Phùng Khắc Khoan với Nguyễn Đình Chiểu, vì lời hứa với bạn Light] trong cơn mưa xối xả [quên cả lối rẽ vào nhà tình nhân một thuở]. rồi lôi nhau ra Trương Định ăn bánh xèo, bánh căn, gỏi cá mai, uống trà đá [trên đường đi hết tranh [cãi]/ xe rồi thì xoa dịu cơn khó chịu [chẳng biết đến từ đâu] của bạn Mèo khi mình chỉ sai hướng hoặc nhớ nhầm đường. nối tiếp là sự tiếc nuối 60k để xem những clip được trá hình dưới cái mác phim ngắn của Future Shorts và như cái khăn - nhớ ai khăn vắt trên vai - mình gật gà gật gù trong cái ghế nhựa giả mây, nếu không có miếng đệm lót e rằng đít sẽ đau, lườn sẽ nhói. và nốt màn cuối, bánh Tiramisu xem các bạn trẻ chơi bài Uno, rú rít từng hồi và thi thoảng hoa tay múa chân. thế đấy, hết ngày thứ 7.

29/10/10

update [tình] hình


- đang cong đít chạy làm phim. mệt cha chả mà vui. chưa biết kết quả ra sao nhưng tinh thần riêng mình, sau 48 giờ mà không gục là thắng. =))

- hình thì đã update. cái đầu này chỉ có 1 người khen và mình thì thấy sướng. còn lại ai cũng kêu ca. :))

- hết ạ.



24/10/10

cám ơn


lại nhục. lần này thì quất 1 tiếng không ngừng dù chỉ vài chục giây. đời thật là bất ngờ đến thẫn thờ.

---

[lại trích dẫn]

Các bạn cứ quan sát sẽ thấy rằng khi người ta cám ơn, họ luôn nói thêm từ rất nhiều, mà không nói một ít: "Rất cám ơn", được. "Cám ơn một ít", không. "Cám ơn nhiều", có. "Cám ơn ít", không. Nó không nói lên điều gì. Trong tình yêu thì ngược lại, người ta có thể yêu một chút, yêu ít hơn, thậm chít rất ít, và nói ra: "Em (anh) quá ít yêu anh (em)", trừ các bên có liên quan thì điều này không làm tổn thương đến ai cả. Nhưng nói "cám ơn ít" thì không thể hình dung được. Người ta luôn nói quá lời cảm ơn. Vấn đề với lòng biết ơn là nó được dâng tặng một cách thái quá. Trái ngược với tình yêu, vốn có khuynh hướng chừng mực...

Nếu người ta để trong lòng lời cám ơn một người mà họ sẽ không cám ơn... Cách thức đạt được chỉ có thể bằng sự nhận thức ... và chắc chắn như vậy đối với đức tính thành thật!

(Cám ơn - Daniel Pennac)

---

mình vốn dĩ ít nói tiếng cảm ơn và xin lỗi với những người thân thiết và cũng chẳng thích nghe 2 từ ấy từ họ. với người xa lạ hoặc bạn bè bình thường thì dĩ nhiên dùng thường xuyên. ban đầu sẽ kêu ca là không thích nghe, nhưng họ cũng có những nguyên tắc sống riêng nên đành chấp nhận. thi thoảng, sẽ cáu um lên, em/tớ/ chị/ bạn thậm ghét nghe "cảm ơn/ cám ơn/ thanks".

PS: đang thích cái váy này tỉ tả, thích tất từ kiểu dáng cho đến màu sắc cả phụ kiện.


21/10/10

wedding flowers (for Mrs Binns. haha)














































hoa dại hoặc chọn những loại hoa có nhan sắc hương đồng cỏ nội nha. những bó hoa này do một người quen thực hiện. hem phải mình, nhưng mình cũng có thể xử được. hehe.

19/10/10

trích dẫn

- ...tôi vẫn không hết băn khoăn về sự mất mát vẫn xảy ra mỗi ngày trong tình yêu. Không phải là sự mất mát khi đam mê không được đáp lại hoặc bị bội phản, mà là sự mất mát lặng lẽ không tiếng động của một phần chúng ta khi sống những năm tháng đằm thắm gần gũi những người yêu mình. Tình yêu thích hòa nhập và san bằng, tình yêu không thích cái phần lưu lạc trong linh hồn chúng ta, những căn nhà ấm không thích những cơn gió ban đêm không tên tuổi. Chúng ta gài cửa nẻo, giữ những cơn gió ở bên ngoài.

(Và khi tro bụi)

- Gặp lại những người bạn cũ không phải là một chuyện rất vui vẻ. Không phải vì nhắc lại thời xa xưa tươi đẹp với họ thì không dễ chịu. Cả tôi, tôi cũng cảm thấy nuối tiếc khi gặp lại bạn bè hồi đó. Họ cũng rất mừng khi gặp lại tôi. Nhưng, xét cho cùng, không có chủ đề câu chuyện nào của họ làm tôi quan tâm. Biết được những gì đang xảy ra ở thành phố tỉnh lẻ thời niên thiếu của tôi, hay biết được bạn bè cùng lớp bây giờ thế nào hoàn toàn không phải là mối bận tâm của tôi. Quá nhiều thời gian và quá nhiều không gian từ nay đã chia cắt tôi với con người mà tôi đã từng là.

(Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời)

- Thời gian mà chúng ta để lại sau lưng càng rộng lớn, giọng nói mời gọi chúng ta quay trở lại càng trở nên khó cưỡng hơn. Câu châm ngôn này có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng thật ra nó lại sai. Con người già đi, kết cục đến gần, mỗi thời điểm ngày càng trở nên thân thiết hơn và không còn nhiều thời gian để mất với các kỷ niệm nữa. Cần phải hiểu cái nghịch lý toán học của sự hoài nhớ: nó mạnh mẽ nhất vào thời trẻ khi khối lượng cuộc đời đã đi qua vẫn còn vô cùng nhỏ bé.

(Vô tri)

(còn nữa)

15/10/10

phía Tây [không] có gì lạ [,chỉ là chút váng đầu]

1. có lạ không khi cứ phải dùng phương thức giao tiếp gián tiếp như blog, fb, tin nhắn... để nói một điều dù đơn giản nhất? mình ghét như vậy. không công bằng, không đẹp. mặt đối mặt đi. vì đối thoại kiểu gì cũng hiểu nhau hơn, nhanh giải quyết được vấn đề hơn. dĩ nhiên, đối thoại, không phải cãi vã.

ở cùng nhau ngót 7 năm, tự dưng tới khúc dọn đi, cái gì cũng nhắn tin dù lục đục cả tối có mặt mình. chi vậy? mình nhắn tin lại, chọc: vừa tốn tiền vừa mỏi tay, sao không nói? mình đã chuẩn bị tiệc chia tay, nhưng bạn bảo bận, hẹn lúc khác lôi nhau ra quán. ừ thôi cũng đành. mình đã làm hết những gì phải làm. nhận hay từ chối là chuyện của bạn, mình chẳng có gì phải áy náy. ngần đấy năm sống chung nhà, xài chung cái toilet, thở chung bầu không khí, coi chung cái tivi, dùng chung cái bóng điện, giờ sẽ hiếm hoi lắm mới gặp nhau. thấy có chút trống trải. bạn dọn đi đâu, nhà mới thế nào, mình không hỏi. chỉ mong là mọi việc tốt đẹp, suôn sẻ.

2. sắp chia tay người bạn 8 năm. cái xe charly còi cọc, cũ kỹ. không muốn bán. thương nó bao năm lăn lộn với mình. có nhiều lúc nó cõng trên mình bao nhiêu là thứ, chả khác gì xe thồ. rồi chạy vòng vèo khắp nơi, nắng cũng như mưa. mình vất vả với nó cũng nhiều. biết từng cái bệnh của nó. giờ bán đi, chỉ vài trăm bạc. xót và buồn.

ngày xưa, lúc ông già mua em nó, mình phải bán cái xe đạp đi từ năm lớp 9 đến năm 2 đại học. lúc đấy cũng có tâm trạng y hệt như lần này. giờ vẫn nhớ hình hài cái xe đạp đó. nhớ cái giỏ tự chế, nhớ cái yên sau bỏ trống thế mà vẫn đèo bạn được, lúc đứng phía sau, lúc ngồi trên yên cùng nhau. con xe đạp được bán với giá 50 ngàn đồng. ngần đấy tiền, thời đó, to với mình. nhưng lại mang đi mua sách để kỷ niệm. một trong số đó là cuốn Trên dấu chim di thê của Văn Cầm Hải.

đã hỏi ông già, con cho thằng cháu gọi ông già là chú rể có được không. nhà nó nghèo, không mua được xe cho nó. thay vì bán đi, cho nó thì nó có cái chân đi xa hơn, tiện hơn dù chắc cũng thi thoảng nó mới đi. hồi xưa lúc mình đi học, thi thoảng cũng được người này giúp người kia giúp. cảm thấy biết ơn lắm. mình đã nhận nay cho được thì cho. vả lại, thay vì người xa lạ gắn bó với em charly thì một người dù chẳng họ hàng gì đi vẫn hơn. người mua thì giục giã, ba mẹ thằng nhóc kia chưa thấy ỏ ê gì. chắc chẳng ai biết có đứa đang lăn tăn.

3. hôm qua, nói chuyện với thằng bạn cấp 3. nó nhắc: ta còn nhớ sinh nhật 18 tuổi mi tặng ta món quà có 5 vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. lúc chuẩn bị quà, chắc chả có thâm ý gì sâu xa, chỉ đơn giản lạ hóa quà cáp để nó nhớ lâu tí. kể ra thì cũng thành công. đúng là cái thuở hồn nhiên ngây thơ đó, có thể làm tất cả những gì mình nghĩ, mình muốn dù có thể bị cười cợt, thể hiện sự ngây ngô, cả sự nồng nàn tới mức nào. chẳng cần đắn đo sẽ bị hiểu lầm, sẽ bị đánh giá. muốn là làm. chấm hết. có khi cả người nhận cũng không hiểu được hoặc chẳng hề thích thú như mình nghĩ. cơ mà, cái sướng vẫn là sự cho đi, nhất là khi không cần nhận lại.


14/10/10

Cái gì khổ hơn?

Hôm nay bỗng nhiên nghĩ ngợi, tình yêu đơn phương và tình yêu được đáp trả nhưng không được đến với nhau, cái nào làm cho người ta đau khổ hơn

Lý do là trong lúc ngồi trên xe taxi hôm nay, khi anh yêu còn đang ngủ gật, mình đã được nghe 1 bài hát, trong đó cô gái hát đại loại thế này “Ngay từ khi yêu anh em đã biết là sẽ không bao giờ có sự đáp trả.. Vậy mà em vẫn cứ yêu để rồi bây giờ trái tim em tan nát..” v.v. rất chi là đau khổ!!!

Lúc đó mình bật cười, vì đã xác định là “yêu đơn phương” thì làm gì phải đau khổ thế, yêu ĐÔI PHƯƠNG mà không được đến với nhau, mới gọi là đau chứ!

Mình cũng đã có đôi lần đứng từ xa và “ngưỡng mộ” ai đó. Trong đầu cũng nghĩ “sẽ không bao giờ có sự đáp trả”. Không có sự đáp trả nhưng không có nghĩa là mình phải che dấu tình cảm của bản thân. Nhiều khi sự sỹ diện bảo mình phải giả vờ vô tư nhưng rồi chỉ sau 1 thời gian, lại có tiếng nói vang lên trong đầu “Chả nhẽ ngày mai lăn ra chết cũng không làm được cái việc đơn giản nhất là để cho người khác biết mình yêu họ à???”. Và thế là thổ lộ.

Mình còn nhớ đã có lần viết 1 bức thư đại loại như sau: “Em không cần biết anh có yêu em hay không, hay anh sẽ làm gì sau khi đọc được bức thư này. Nhưng em đã quyết định rằng anh xứng đáng được biết tình cảm của em dành cho anh. Và em cũng không việc gì phải giữ nó trong lòng cả. Này thì: Em yêu anh đấy! Xong rồi, em đã nói được nó ra. Anh không cần phải làm gì hết cả. Nói ra được là em mừng rồi!”

Một lần khác, năm 12 tuổi, con bé ngồi trầm ngâm trước máy điện thoại mà đấu tranh tư tưởng: thổ lộ hay không???

Cuối cùng rồi cũng nhấc máy, ấn số, trống ngực đập thình thịch. Sau đó cũng nói được câu cần nói, rồi thấy nhẹ hết cả người!

Vì một lý do gì đó, khi đã xác định yêu đơn phương, có lẽ cũng sẽ mất đi cái ham muốn “người đó phải là của mình”. Ngược lại, ta như người quan sát bên vệ đường, ngắm nhìn bông hoa đẹp được khách qua đường vờn, bẻ, làm cho dập nát, hoặc tôn vinh bông hoa đẹp đó. Trong lòng sỹ diện: mình thật là.. rộng lượng! Rồi lấy đó làm sự an ủi cho mình, lấy đó là cái cớ để mình mỉm cười rất ư là thánh thiện ..khi thấy người đó đang gần gũi người khác.

Khi yêu đơn phương, mình muốn mình vô hình nhất có thể, để người ta cứ là bông hoa khoe sắc theo cái cách mà những người bẻ hoa mong muốn. Nếu chẳng may mình bị phát hiện đang nhìn người ta đắm đuối, thì lúc đấy chỉ muốn chui nhanh xuống đất hoặc sẽ tự trách mình: giời ơi thế này thì còn gì là “yêu đơn phương” nữa!!! Đúng, mình hèn nhát để người ta bắt gặp được cảm xúc thật của mình. Nhưng chắc chắn kiểu gì cũng phải thông báo chính thức về tình cảm của mình dành cho hắn, thà nhầm còn hơn bỏ sót.. !!!!

Mình không phải là người cố gắng hoặc chạy đua để bằng mọi cách phải có được cảm tình của người khác. Nếu đã không yêu thì cũng chả ép. Tình cảm phải tự đến, do cảm nhận được nét đẹp của nhau mà có. Vì thế, sẽ không bao giờ có chuyện mình tranh đấu để có được tình yêu, từ một người không yêu mình. Và cũng vì không có chiến lược yêu như vậy, nên khi yêu đơn phương cũng không có gì làm đau khổ như cái bài hát kia thể hiện.

Ngược lại, nếu mình yêu hắn, và biết hắn yêu mình, ngay lập tức, sự đau khổ đã tràn trề. Làm gì cho hết được hai cái yêu này chập lại!!!!

Lúc này, nếu vì một lý do nào đó, 2 tình yêu không thể đến được với nhau, cơn đau mới gọi là tột đỉnh!!!!!

Vì lúc này yếu tố cấu thành sự thăng hoa đã quá đầy đủ: anh yêu em, và em yêu anh. Vậy mà còn lý do gì đó để lăn tăn, lúc này người ta mới cần viết bài hát gào thét thảm thiết, lúc đó mình mới thấy bài hát này thật là cảm động.

Hãy thử tưởng tượng, hai người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau. Họ phải “quên” nhau đi, “coi nhau như người xa lạ”, hoặc “chưa từng tồn tại trên cõi đời”.. Hãy thử tưởng tượng xem, một trái tim thổn thức, hàng ngày hướng về một người, có thể ngay cạnh mình đây thôi, nhưng phải coi như chưa hề tồn tại. Người yêu với mình là thiên thần, là những gì ấm áp nhất, nhưng hàng ngày mình phải tự bảo “người này không có trên cõi đời, người này không có thật”, trong khi từng ánh mắt, cử chỉ, những kỷ niệm.. đều dấy lên trong mình những cảm xúc quá thật.

Thế thì cái gì đau khổ hơn cái gì?

Kết luận của bài này là, yêu đơn phương vẫn còn sướng chán!

(Stranger's blog)

12/10/10

Đi, đi, phải đi!

ĐI LÀ CHẾT MỘT ÍT

Sinh ra ở xứ ngày xưa là thương cảng, tôi thường lên cơn “cuồng đi”. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình, căn cớ của sự khủng hoảng này là gì? Phải chăng tôi cũng như nhiều người, chỉ có đi/trôi dạt/xê dịch mới đem lại ý nghĩa cuộc đời? Liệu trôi dạt có là một nhu cầu tự thân như nhà thơ Pháp Paul Morgand từng viết trong Những cuộc du hành: “Đi là chết một ít, nhưng ở lại là vỡ tan thành trăm mảnh”? Câu trả lời cho bản thân, tôi chưa có. Và nhiều người dường như vẫn còn mãi loay hoay đi tìm lời giải đáp bản chất thật sự việc tồn tại của chính mình qua những chuyến đi.

Đi, khi ta không thể ở

Bạn từng có ý định quan sát cuộc hành trình trôi dạt của những người vô gia cư bạn gặp trên đường không? Có lẽ, với một người bình thường, suy nghĩ đó cũng thoáng hiện trong một chốc nhưng chắc chẳng ai đủ tò mò để dấn thân vào một cuộc khám phá như thế. Nhà làm phim, nghệ sĩ thị giác người Brazil, Cao Guimarães lại khác. Ông đã lần theo dấu chân ba người lang thang trên con đường cao tốc liên bang và bộ phim tài liệu Andarilho chính là kết quả của cuộc khám phá diễn ra ở bang Minas Gerais, Đông Bắc Brazil. Trong những thước phim giàu mỹ cảm thể hiện ngón nghề lão luyện của Guimarães, bạn – người xem, cảm xúc của bạn trôi dạt theo hành trình của nhân vật. Ba người vô gia cư Paulão, Valdemar và Nercino hầu như không nói gì song đôi lúc cũng phá vỡ sự lặng im, khi chỉ trích những giá trị cố hữu của nhau, những trải nghiệm lặt vặt trong quá khứ, đức tin tinh thần duy linh và nhiều chủ đề hoàn toàn khác nhau khác. Họ khước từ quyền công dân, lang thang vô định, không mục đích. Với cả ba, trôi dạt là định mệnh. Họ cứ thế chấp nhận cuộc sống không mái nhà, chẳng có định hướng tương lai.

Ngược với hành định bất định ở trên, thủy thủ Juan Fernández trên tàu đi từ Liverpool cập một bến cảng đầy tuyết ở cực Nam lạnh giá của Argentina đã quyết định về ngôi làng nơi mình từng sống để xem người mẹ của mình còn sống hay không. Anh đã trăn trở, do dự cho lần quay về này. Trường đoạn Juan ngồi sắp xếp hành lý khoảng 10 phút như thể anh biết chắc mình khó mà tìm được cảm giác yên bình trong một chốn từng gọi là nhà, nơi có những người ruột rà của mình đang sống. Và quả thật, người thủy thủ, tuy hiện diện ở đó nhưng anh không thể tiếp xúc được với bất kỳ ai trong gia đình mà anh ta đã bỏ rơi từ lâu. Anh biến mất. Cuộc sống trôi dạt trên tàu lâu nay khiến anh là kẻ đứng ngoài cộng đồng xiêu vẹo, gia đình anh - người con gái dường như bị thiểu năng, người mẹ đau yếu liệt gường... – dựa vào nhau, chăm sóc lẫn nhau. Anh cô đơn, anh không thể giao tiếp và trôi dạt lại là một giải pháp. Có lẽ, không chỉ có Juan Fernández của Lisandro Alonso trong Livepool không tìm được sự kết nối với phần còn lại của thế giới, thậm chí là những người gần gũi về mặt huyết thống. Nhiều người vì thiếu đi niềm hi vọng về sự thay đổi, về cuộc sống có thể khác biệt và phải chịu trách nhiệm khi không thể khiến người khác tin tưởng đã chọn cho mình giải pháp ra đi.

Đi, khi ta có cơ hội

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nước Mỹ phải trải qua một loạt sự kiện, biến động chính trị xã hội dữ dội. Tổng thống John F. Kennedy và Luật sư Martin Luther King bị ám sát. Chiến tranh Việt Nam leo thang với sự tăng cường can thiệp của chính quyền Mỹ. Phong trào nữ quyền, hippie hoạt động đầy sôi nổi, và tệ nạn sử dụng ma tuý như một thứ bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Và ở chính trong bối cảnh xã hội như vậy, một thế hệ thanh niên mới, những người vỡ tan tành ảo tưởng về những giá trị Mỹ và về thế giới, đã xuất hiện. Những chàng trai, cô gái mới lớn này phản kháng mạnh mẽ trước những định kiến lầm lạc của số đông, những mặt trái của xã hội công nghiệp hiện đại, một cách rất ngây thơ bằng cách sử dụng ma túy, bằng lối sống hippie buông thả, vô trách nhiệm. Nói cách khác, họ sẵn sàng lên đường tìm kiếm “Tự do” ngay khi có cơ hội, bất chấp mọi hậu quả, dù là thảm khốc nhất.

Chuyến chu du đến New Orleans trên chiếc mô tô của hai gã hippie là Wyatt “Captain America” – Billy và tay luật sư nghiện rượu George Hanson trong bộ phim Easy Rider đã được nhiều nhà phê binh ghi nhận là “hình ảnh phỏng chiếu của nước Mỹ” khi đó. Là biểu tượng phản-văn hoá, là “chuẩn mực của cả một thế hệ”, Billy (Hopper), Wyatt (Peter Honda), George (Jack Nicholson) đã vẽ nên hình ảnh của những người hoài nghi, đầy ảo tưởng, đắm mình trong nghiện ngập, dục vọng, và u buồn, muốn lên đường tìm kiếm tự do, một hướng đi khác cho bản thân. Với vẻ ngoài ngổ ngáo, cả ba nhân vật của chúng ta đã phải nhận những lời miệt thị đầy ác ý của những người dân quê. George cay đắng nhận ra, người Mỹ nói rất nhiều về giá trị của Tự do, song thực chất lại e sợ bất cứ ai thực sự thể hiện nó. Có lẽ, với nhiều người, những đối tượng như vậy không bình thường, bởi đơn thuần là những người đó sống “khác”, suy nghĩ “khác” họ. Phần đông cho rằng những người này sống trái với tự nhiên, trái ngược quy luật. Vì lẽ đó, George đã chết khi lĩnh trọn một nhát rìu vào cổ trong trận tập kích lúc nửa đêm của đám dân quê. Và số phận của Wyatt và Billy cũng không hơn gì. Cả hai cũng bị bắn chết trên đường tới Florida, chỉ đơn giản là bởi một người dân ngứa mắt với mái tóc dài của Billy. Rốt cuộc, Wyatt nhận ra hành trình tìm kiếm tự do của mình là một thất bại thảm hại về mặt tinh thần. Bộ phim kết thúc bằng cảnh quay chiếc xe được tô vẽ quốc kỳ Mỹ của Wyatt nổ tung và cháy rừng rực trước khi máy quay chuyển hướng lên bầu trời, báo hiệu chuyến du hành của Wyatt và Billy đã thật sự chấm dứt.

Easy Rider của Dennis Hopper được xem là đòn tấn công trực diện vào chủ nghĩa bảo thủ và phân biệt chủng tộc vốn ăn sâu trong xã hội nước Mỹ. Ngay sau khi ra mắt, 1969, Easy Rider đã thành công rực rỡ, được trình chiếu tại LHP Cannes và nhận đề cử giải thưởng Oscar kịch bản hay nhất cho Hopper, Fonda và Terry Southern. Tổng cộng, bộ phim đã thu về 40 triệu USD trên toàn thế giới (ở Mỹ là 19 triệu USD, một con số lớn ở thời điểm đó) cũng như được thế hệ Woodstock khi đó đón nhận nồng nhiệt. Đơn giản, họ cảm nhận được suy tư của các nhân vật trong phim. Họ thấy một phần nào đó con người mình trong đó. Và dù cuộc hành trình của những Billy và Wyatt có thất bại, song ít nhất, họ, và những người như thế, đã dám “Tự do” và trải nghiệm sự trôi dạt của mình.

Đi, hành trình xác lập bản thân

Nếu như Easy Rider là sự phỏng chiếu một nước Mỹ thời công nghiệp hiện đại, với những rắc rối và vấn đề riêng của nó, thì ở bộ phim Vibrator (2003), đạo diễn người Nhật Bản Ryuichi Hiroki lại khám phá một trong những vấn đề xã hội cơ bản nhất trong xã hội hậu công nghiệp hiện nay. Một vấn đề mang tính phổ quát chứ không chỉ riêng có ở Nhật Bản. Đó là sự xuất hiện của một thế hệ lạc lối trong sự phát triển kinh tế vũ bão phải đối mặt với một niềm tin bị xáo trộn và cảm thức về một tương lai bất định.

Nhân vật Rei (Shinobu Terajima) là một phụ nữ 31 tuổi mất sạch cảm giác đến mức chỉ còn kết nối được thế giới vật chất thông qua sự rung động của chiếc điện thoại di động trong túi. Là nhà báo tự do chuyên viết bài cho tạp chí (một thứ nghề không có sự bảo đảm ổn định), Rei bị ám ảnh thường trực bởi tiếng nói và hình ảnh mà cô tưởng tượng ra trong đầu đến mức trở nên nghiện rượu và e ngại trong việc tiếp xúc với người khác. Trong một đêm đông lạnh giá ở Tokyo, lang thang tìm mua một chai rượu Đức ở siêu thị, Rei bị cuốn hút trước một nam tài xế xe tải đưòng dài phong trần tóc vàng hoe Takatoshi (Nao Omori). Giờ đây thứ rung động thật sự là trái tim của Rei. Sau thoáng e ngại, cô quyết định rút khỏi vỏ ốc theo Takatoshi lên lên xe tải và làm tình.

Sáng hôm sau, Rei bất ngờ muốn có một chuyến đi không điểm đích cùng người đàn ông xa lạ. Cả hai không lang thang khắp Nhật Bản, mà đơn thuần tận dụng cơ hội này để cảm nhận điều gì đó, bên trong chiếc xe tải tù túng, trong chuyến đi. Và chuyến đi với người tình một đêm nhanh chóng biến thành hành trình khám phá bản thân, của cả Rei và Takatoshi. Những cảnh sex trần trụi trong cabin xe nhanh chóng vượt qua sự biểu hiện của ham muốn xác thịt thông thường, mà thay vào đó, biểu đạt sự thèm muốn cảm giác được gần gũi lẫn nhau, xoá nhoà nỗi cô đơn dày vò cả hai.

Và khi trở về Tokyo, cũng vào ban đêm, ngay tại siêu thị nơi cô xuất phát cuộc hành trình, Rei thật sự xúc động và cảm nhận được rằng, ít nhất, vào lúc này, cô không còn nghe thấy những tiếng nói quấy rầy trong đầu mình nữa. Rei biết, cô không hề thay đổi về bệnh lí của mình, song chuyến đi, với sự trợ giúp của Takatoshi, là sự thức tỉnh của một con người khi muốn tiếp xúc với ai đó khác mà họ thật sự muốn, thông qua một sự trôi dạt, một chuyến đi ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cô.

Diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã biến Vibrator từ một câu chuyện không cốt chuyện này trở thành một bức tranh hoàn chỉnh về mối quan hệ tác động qua lại, ám ảnh và không thể quên. Vibrator là bức tranh về những con người cô đơn, có quá khứ đen tối và cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với những người họ muốn tiếp xúc, đã có những quyết định vượt qua chính mình để biến cuộc đời vốn tẻ nhạt và công thức trở nên vui vẻ và bớt cô đơn hơn. Và như nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, cũng là một người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch: “Tất cả chúng ta đều là những người hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một đích”. Sự trôi dạt về tinh thần và trạng thái, đầy bí hiểm và khó nắm bắt của Rei và Takatoshi, trong phim là hành trình xác lập bản thân, lựa chọn cho mình một con đường độc lập, trở thành người chủ của chính mình trong một xã hội mà hầu hết mọi người lựa chọn trở thành một phần của hệ thống quy ước, đầy an toàn và gia trưởng.

Phan Lương