12/4/16

Be yourself


Đã đọc hết Xuyên Mỹ sau nhiều ngày ngắt quãng. Muốn nói lời cảm ơn tác giả thật nhiều bởi chia sẻ những điều về cuộc đời mình không phải dễ mà bằng cách kể như rút ruột của loài chim yến của chị. Cách chị làm việc với một tác phẩm mang nhiều tính cá nhân vẫn rất đỗi văn học lại chỉnh chu trong tư cách một người viết làm tôi thêm quý mến với tư cách độc giả.

Nhờ chị, hành trình của chị, nước mắt tôi lại chảy sau nhiều ngày ráo hoảnh. Chúng chảy thành dòng khi tôi đọc đến lúc chị hoàn thành việc học kéo dài đằng đẵng 7 năm trời cho hai tấm bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ, kết thúc 26 năm học liên tục từ khi bước vào lớp 1.

Việc học, chả hiểu sao lại quá khó khăn khi vì bằng cấp. Đôi khi đó cũng là một động lực tốt nhưng áp lực của việc phải "hoàn thành" mang trong mình nội hàm như phải nuốt sạn trong miếng cơm đang nhai dở, có thể gây mẻ răng. Chiến đấu chật vật một mình trong quãng thời gian khó khăn về tinh thần dẫu có sự giúp đỡ của bạn bè chăng nữa vẫn chỉ là một động tác gãi ngứa ngoài ra khi bạn bị nội thương. Tôi thấm thía hành trình đấu tranh với lý trí và tình cảm nên đồng cảm tác giả.

Nỗi sợ của việc không biết bắt đầu lại từ đâu, từ bỏ những điều thân thuộc để đối diện với những thứ xa lạ là có thật. Chẳng phải vì không thể từ bỏ thói quen, chỉ là để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn cần làm nhiều hơn một cái bặm môi, khuỵu gối trước khi lấy đà bật nhảy. Tôi thấm thía nhưng cũng thường muốn được thử thách như thế.

Kat, bạn cùng nhà đã nói với tác giả rằng cô đã cho phép người khác đưa ra những nhận xét khiến cô cảm thấy mình bình thường, thậm chí tầm thường, điều đó làm cô tự ti. Việc nhìn nhận thực tế về năng lực, vóc dáng của bản thân khác với việc người khác thể hiện thái độ của họ với điều đó.

Tôi từng lớn lên với niềm tin mình không xinh đẹp, lẽ ra nên chết quách đi còn hơn là sống với vóc dáng, khuôn mặt này. Tôi đã nói với mẹ tôi sao bà không bóp mũi tôi chết đi không dưới 1 lần dù bà đã phải chiến đấu để tôi thắng được bệnh tật, sống sót và lớn lên không bị dị tật về trí não hay thân thể. Giờ nghĩ lại, hẳn tôi đã làm mẹ mình đau lòng biết bao nhiêu và lòng tràn đầy nỗi ân hận.

Nhưng hồi ấy, tôi chỉ bị chìm trong những nhận xét ác ý của người lớn, bạn bè đồng trang lứa thậm chí cả gia đình, họ hàng cũng khiến tôi mặc cảm, không biết yêu bản thân, trân quý những khả năng trời ban. Nữ hoàng Lee Hyori đã từng là con sâu rượu, làm việc như điên, không biết quý chính cô chỉ vì tuổi thơ không được nghe lời khuyến khích nào từ cha, không biết đến tình yêu của cha. Cô mặc định, đến người sinh ra mình còn không yêu thương mình nữa là. Nhưng rồi cô đã thay đổi, nhờ người bạn đời hiện tại, người không giàu, không đẹp, không có nhiều ham muốn từ vật chất đến vinh danh.

Tôi cũng dần ngộ ra điều ấy, nhưng bằng một con đường khác, tự tìm cách hiểu bản thân và chẳng còn cách nào khác ngoài là chính mình. Nghe thì đơn giản nhưng là cả một vấn đề lớn và phải trải qua nhiều chuyện đủ loại đớn đau tôi mới biết mình cần làm gì. Và cũng chẳng dễ gì để là chính bạn mà không khiến mọi việc bạn muốn xảy ra như dự trù. Cuộc sống vốn vậy mà, phải cố gắng để chinh phục thôi.

10/4/16

Hello again

Cỏ mọc xanh mướt, cao sắp lút đầu, ngôi nhà này bị bỏ hoang đã quá 1 năm. thôi thì nhân lúc rảnh rỗi lại có vài điều linh tinh muốn sẻ chia nên lại làm vườn, quét tước trước sau, sơn phết lại nhà. mời bạn bè, người lạ đến chơi. chơi vui thì làm chén trà với nhau.

---
Mấy nay tôi đọc lại cuốn Xuyên Mỹ của Phan Việt. Sách mua lúc nào tôi chịu, chả nhớ ra dù đã thử vì không ghi chú như thường lệ. Tôi chỉ nhớ đã đọc ít nhất 4 chương (đôi chỗ khi đọc lại nhớ mang máng đã từng nghĩ thế này thế kia) nhưng đến khi dọn dẹp mới nói “Hello again" như chính tác giả chào cái tượng người da đỏ cao to trên đường từ bờ Đông nước Mỹ về lại Chicago. 
Quả thật, lần đầu cách đây hơn 1 năm, tôi không tài nào nuốt trôi những tâm tư trĩu nặng của một phụ nữ đang trong quá trình đấu tranh với bản thân về việc “quyết định ly dị có đúng không?” Việc đọc ấy mà, chính cảm xúc, trạng thái tinh thần của tôi ngay thời điểm cầm sách sẽ tác động đến hành trình đồng hành, sẻ chia cùng tác giả. Có lẽ, ngay bây giờ tôi cũng có một câu hỏi lặp đi lặp lại từ vài tháng nay nên cũng muốn giải mã ẩn số. Lúc này tôi mới kết thúc chương 13, khi tác giả đã chịu đi gặp chuyên gia tâm lý để tìm giải pháp cho những ngổn ngang bộn bề trong lòng. 
Phụ nữ ấy mà, phần đa tự làm khổ mình bằng những dằn vặt, trăn trở, lật trở như nướng bánh tráng nhưng cũng kìm nén, dè sẻn sự chắt chiu yêu thương với chính mình, dành sức lực cho việc giang tay đón lấy những niềm vui nho nhỏ mà người khác vô tình hoặc hữu ý thi thoảng ban cho/ mang đến và cũng vì những điều tương tự mà trở nên buồn bã, tủi thân. 
Hôm rồi tình cờ tôi xem được một phân đoạn trong bộ phim truyền hình Reply 1994 cười đến sặc cả nước. Chuyện là một cậu bạn trong nhóm than phiền không hiểu nổi tại sao bạn gái ở xa lại giận khi anh ta xin lỗi việc không có mặt chúc mừng sinh nhật của cô ấy vì phải đi thi, thay vào đó, anh ta sẽ về trước hoặc sau ngày đó và cô trả lời: “Đó đâu phải sinh nhật của em nữa mà anh phải về?” Hai cô bạn giải thích, vấn đề chẳng phải ở đó, vấn đề ở chỗ thái độ thể hiện tình cảm của anh ta. Và rồi họ cho ví dụ khác cũng như chờ đợi câu trả lời của 5 tên con trai trong nhóm nhưng rồi đều bị họ làm cho thất vọng, chỉ có một người bổ sung sự quan tâm mà các cô gái muốn nghe sau khi cho đáp án. Cả đám con trai còn lại trố mắt nhìn tên duy nhất thốt ra câu: “Nhưng mà cậu không sao chứ?” kế sau lựa chọn “Dù sơn có mùi nhưng mở cửa không tốt cho mũi thì phải đóng cửa vào!”
Chuyện trong phim, chuyện trong sách làm tôi nhớ lại mấy lá thư mà hồi mười tám tuổi tôi và mấy đứa bạn cả trai lẫn gái viết cho nhau hồi chúng tôi chân ướt chân ráo vào đại học cả những xáo trộn của năm cuối cấp. Con gái, phụ nữ, đàn bà là loại động vật mà não và tim nối liền nhau, cứ bắt người khác phải đọc được những điều chẳng cần phải nói bằng lời mà vẫn phải hiểu và đáp ứng đúng nguyện vọng. Mà hỡi ôi, đời không như là mơ, đàn ông chả phải đàn bà, đàn bà cũng chẳng phải ai cũng như ai nên chị em cứ gọi là uất lên uất xuống vài trăm bận. 
Đừng có ngồi đó mà mong người khác hiểu được tâm tư của mình, chẳng có ai là con giun trong bụng của mình để hiểu được mọi mong ước đâu, đến người đẻ ra bạn còn không thể nào đoán đúng 100% nữa là. Muốn gì thì hãy hê lên dù có phải chai mặt một tí thì cũng nên nói những gì mình đang nghĩ thay vì đợi người ta nhận ra và đáp ứng, nghe! Nói vậy để giải thích cho một vài bạn đủ thân thiết khi nhận được tin nhắn có nội dung vòi vĩnh, đòi hỏi của mình trong 1 tuần qua. Từ nay ấy mà, các bạn ạ, mình muốn gì, từ ai, mình sẽ hét lên đấy! Mình chả nín thở chờ các bạn nghe thấy nữa đâu (kiểm tra lại, mình chờ đủ lâu rồi, có bạn 1, 2 năm, có bạn cả nửa thập kỉ cơ!) Và các bạn cũng có quyền tương tự, có điều, chúng ta sẽ đàm phán một tí nhé! À, nghe có vẻ hơi bất công nhỉ? Ờ, ai bảo là đời công bằng đâu! 


Chương 18, lại có tí liên tưởng đến bản thân. Hễ có vấn đề cần suy nghĩ hoặc đang trong giai đoạn vết thương mưng mủ, tôi thường ở nhà, quanh quẩn trong gần 30 mét vuông, cứ làm hết những việc linh tinh, ăn uống, nghe, đọc... ít nhất 2 ngày. Rồi tôi mở cửa, bước ra ngoài, đi bộ hoặc đạp xe, ghé sạp trái cây quen, siêu thị cạnh nhà, cũng có thể đi xa hơn gặp những người lạ thật sự. cười với họ trong những cuộc đối thoại ngắn, vô thưởng vô phạt. Và khi tôi quay trở về nhà, nấu những bữa đơn giản cho chính mình với cảm giác "yên ổn" - từ của Phan Việt.

Chương 19 và 20 có nhiều hơn một gạch đầu dòng.
- Một giấc ngủ ngon đáng giá thế nào sau chuỗi chỉ toàn "ác mộng", "trắng đêm", "thằn lằn tặc lưỡi mấy lần".
- Những tưởng đã tạm biệt buồn chán nhưng người người bạn không muốn trở thành thân thiết vẫn cứ gõ cửa một cách bất ngờ, tự kéo ghế, rót nước và ngồi xuống thật lâu.
- Trò chuyện với một người biết tên, nhớ mặt nhưng chưa một lần gần gũi bỗng trở thành một món quà với nhiều điều thú vị, gợi mở cực tốt giúp tháo vài cái gút càng ngày càng to.
- Cảm thấy là phụ nữ, hmm, được dạy từ bé "con gái phải thế này, phụ nữ là thế kia..." nhưng khác với Sam - người bạn của tác giả, chị chưa bao giờ thích làm đẹp, chưa bao giờ là cô gái nữ tính. Tôi hẳn đã trong tình trạng tương tự một thời gian dài. Nhưng xã hội gán cho mỗi người một cái nhãn giới tính và dùng nó đến xây dựng một loạt phạm trù từ nhìn nhận khả năng, tính cách, vai trò trong xã hội lẫn một mối quan hệ riêng tư. Sam chọn chỉ là chính Sam.
- Hôn nhân - các loại mô hình hôn nhân và liệu hạnh phúc có phải là mục tiêu duy nhất khi người ta đưa ra quyết định kết hôn? xác định liệu mình có thể phù hợp để đóng vai vợ/ chồng hay không và thừa nhận sự thật của khả năng đó.
- Phụ nữ sinh ra đã là phụ nữ hay trở thành phụ nữ? Bạn sinh ra đã thế hay trở thành theo quá trình sinh trưởng?
- Quan hệ nào/ (tôi suy rộng ra thành tình huống nào), dù xấu đến đâu cũng có mặt tốt của nó và nhờ thế chúng ta có thể đi tiếp.
- Điều cần có, chắc chắn phải có và không thể thoả hiệp trong một mối quan hệ là gì?
- Chấp nhận sự thật một người có thể thay đổi vì bản thân họ, vì người khác, với người khác nhưng không thay đổi với mình, vì mình. Tương tự, đó có thể là người yêu tuyệt vời, người chồng/ vợ tốt nhưng không phải với mình.
- Tìm lại chính mình sau đổ vỡ - cần có thời gian để đứng thẳng trở lại sau khi phải khom lưng quá lâu.
- Phải bước những bước thật nhỏ, chắc để lắng nghe chính mình, hiểu chính mình, tự chữa lành vết thương, hàn gắn những vụn vỡ.
- Không nên xây dựng một mối quan hệ khép kín chỉ với hai người mà thôi, chẳng khác nào bạn quây một cái ao và nuôi cá chẳng hề thay nước. nước tù, nước đọng sẽ giết chết không chỉ cá.
- Nếu muốn có con, nhất là phụ nữ cần phải nghĩ: anh ta có phải là người cha mà bạn tin tưởng giao con mình để nuôi - dạy chúng hay không; anh ta có phải là một hình mẫu tốt mà bạn muốn con trai mình trở thành, con gái chọn một người bạn trai/ chồng.
- "Không thể có một mối quan hệ bền chặt với bất cứ ai nếu ta không hiểu rõ về mình, để ta không chỉ tự tin mà phải sự tự tôn với bản thân."
- Yêu phải đi kèm với hiểu, (cả trong chuyện chăn gối) nếu không sẽ là bất hạnh cho cả hai.