28/9/09

9 và 10


9.

tính tới CN vừa rồi là 4 cuối tuần không được nếm mùi cuối tuần. nghĩa là không có xả hơi gì hết ráo. mần liên tục. việc ra tấm ra món, việc không tên, việc trời ơi đất hỡi, việc bá láp bá xàm... đủ hết. bực mềnh không? có chớ. nhứt là cái việc không phải của riêng ai tự nhiên vài người ta rung đùi rong ruổi còn mình và mấy bạn nữa còng lưng làm. làm muốn ná thở, làm mệt tới mức đói sắp xỉu mà nhòm cơm thôi chớ nuốt hem có nổi. rồi mấy bạn kia dọa là mình mệt quá, xỉu mang vô cấp cứu nằm ngắm bác sĩ mí y tá chơi. cái này mấy tháng trước dám lắm nha. may là dạo này sức khỏe được nâng cấp rồi á, không thì bữa ni mấy bợn kia hem có nhòm được mặt mình mà cười giả lả đâu nghen.

hồi nhỏ, cái xóm nhỏ có 3 nhà, lâu lâu hò nhau ra dọn
con đường chung. nhưng hò hét chi cho mệt, đâu có mấy khi tụ tập đủ 3 nhà đâu. mình cũng ứ muốn giang nắng nhưng ba mà biểu dọn là phải dọn thôi, cấm có cãi. em mình hồi đó còn nhỏ xíu, con nít mà, làm được bi nhiêu đâu, lu xu bu là chính, mấy đứa trộng trộng như mình mới đau cái điền. rác rến thì xóm bên kia vứt sang, mắc kẹt tùm lum, phải dùng tay mà moi chớ chổi có xi nhê gì đâu. rồi cỏ nhen, phải nhổ hay lấy dao cắt á. trong khi con nhà người ta nằm rung đùi coi tivi với ngồi trong hiên nhòm ra, tay phe phẩy quạt. mặc dù làm xong, nhìn cái đường gọn gàng, sạch sẽ, ta nói, lòng cũng vui lắm. nhưng vẫn ấm ức vì ba má mình chưa bao giờ khen động viên hay nói cho mình hiểu cái chuyện lao động đó không phải cho người ta mà là cho mình, hay đó là việc tốt và vì sao nó tốt. đại loại thế. cái chuyện khen thưởng không quan trọng ở vật chất là khích lệ tinh thần, để tâm hồn non trẻ [hay già cỗi thì vẫn] cảm thấy phấn khởi. hồi xưa mình đi dạy, học trò mà ngoan hoặc có tiến bộ là không tiếc chi lời khen, còn ngược lại, cũng mắng. tới chừ đi làm, chuyện này tùy ở mỗi sếp. có sếp làm mình ức chế muốn đau cái điền luôn.

10.
bão đang lù lù tiến vào cái eo của chữ S. má nói vừa chằng chống cái chái sau nhà. bão còn ở tít mù khơi mà gió đã lên tới cấp 5, vô tới nơi dám trên cấp 10 lắm.
coi như kế hoạch nâng nền nhà vừa được gia hạn. thời tiết mà như dzầy là mình bị lên ruột.

đầu tuần mà toàn thứ chi chi không. chán hen. thôi kệ, ráng cười vậy. còn tới 5 ngày nữa lận.

mà ai đi ăn bánh ở Paris Deli với mình hem?

----

tin mới nhận hồi 16h 29/9/09:

bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thay vì trải rộng từ Quảng Bình tới Phú Yên. chưa thấy thông báo giảm độ nguy hiểm. bão chưa vào nhưng má báo, mái tôn ở nhà sau đang thoi thóp. kiểu này phải vĩnh biệt em í thiệt rồi! may mà làm kiên cố cái nhà trên chớ không thì giờ lại chạy quắn đít. mà thiệt ra, bão thì chạy đi đâu bây chừ?
thiệt...

-----
22h 29/9, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng nước lũ đang lên. nhà đã ngập 1m nước. và mực nước sẽ không dừng lại ở đó.

----
30/9, 1/2 mái nhà ra đi, cả nhà vẫn ổn cho đến 11h trưa nay. nước đang ngập sâu, trên 2m, còn 50 cm thì tới gác lửng. haizz

25/9/09

5, 6, 7 và 8


5. đây, bác Quang Hưng tình yêu một thời của em đây. bác đứng lấp ló bên cạnh đang vi vu ở Anh làm con em ở nhà có mấy việc cần nhờ dài cổ ngóng trông. giọng hai bác này ta nói thiệt là thuốc gái chết ngay tắp lự. ấm, nhẹ nhàng, tỉnh cảm tràn trề. mắt bác Hưng thì thôi, đừng nên nhìn kẻo chết chìm trong đó như Paolo Maldini á! hồi kỉ niệm 10 năm RFC ở K & K mình cương quyết ở nhà. cốt để giữ nguyên cảm giác về một thời máu lửa đó. thỉnh thoảng với người nào đó mình cũng thấy không nên gặp lại để giữ nguyên vẹn tình cảm.

6. mấy bữa ni phải nhận mấy cuộc điện thoại rất chi vô duyên. người mình hình như không có kỹ năng về giao tiếp, đặc biệt qua điện thoại. gọi tới mà éo cần biết đầu dây là ai, cứ bắn súng liên thanh. trúng thì thôi cũng đành, nhưng trật thì cũng chẳng một lời xin lỗi. có người còn tỏ ra khó chịu khi biết lộn số nữa chớ. bữa nào mình mát tính thì thôi, cho qua, còn quạu đeo là quạt cho một trận. hai ngày trước, một cô bạn hồi cấp 2 gọi tới và bắt đoán là ai. đang ngủ nha, bị dựng đầu dậy giọng điệu nặng trịch mà còn giỡn chơi, nổi khùng à nha. rồi bạn í khai họ tên, rồi hỏi chuyện, trách bấy lâu nay trốn đi đâu mà về HA không thèm ghé tới bạn, không thèm hỏi han bạn như nào? rồi bạn lên lớp dạy dỗ mình. trời ơi, mình có hiền khô lúc khác thì lúc nớ cũng phải bỏ áo cà sa ra mà mặc áo khác vào. chi lạ rứa hè, vừa đẻ con xong, ra tháng tự nhiên nhớ tới con bạn mà 4 năm trước mình đã không thèm lui tới nữa bèn gọi điện thoại? sao không nghỉ ngơi lấy sức cho con bú, canh con ngủ chớ? thiệt tình hà.

7. nhận và trả lời email mỗi ngày. tự nhiên nó đã trở thành thói quen dù mới chỉ 1 tuần. chuyện vui chuyện buồn, chuyện ăn chuyện ngủ, chuyện công việc chuyện học hành... đều kể cho nhau nghe. bây giờ giọng điệu không có mượt mà và lắm trò như hồi xưa. xa xôi gì đâu chừng 5 - 7 năm chớ mấy. haizz. bạn í kêu chắc bữa nào viết cái thư tay hay đại loại gửi cái gì đó qua bưu điện cho mình bất ngờ chơi nhưng không nói khi nào. thôi kệ, bất ngờ cũng thú vị.

8. tin mừng là tình hình sức khỏe đã khởi sắc. đã chính thức không đụng tới thuốc nữa từ ngày mai. thiệt tình là nghe tới chữ thuốc đã thấy rùng mình.

PS: hình của bác Rat

1, 2, 3 và 4

1. tổ sư cái nhà FPT. mạng mẽo như cứt mèo. chán ơi là chán, làm việc không được. lấy hình từ image.net mà tốn cả tiếng. báo hại cái mông ê ẩm, chân thì tê. email gửi mấy bận mới đi. chat thì như hụt hơi, đang nói tắt phụt. mình là mình cáu lắm rồi đấy nhé! mai mà còn thế nữa là mình gọi điện thoại mình mắng í. các bạn thu tiền thì rất chi là đều đặn và không nộp tiền sẽ bị cắt đúng ngày đúng giờ mà chất lượng thì ôi thôi... mình đang lắc mông ngao ngán đây các bạn FPT ợ.

2. thời với tiết, thất thường kinh lên được. nắng đó rồi lại mưa rào rào. mới rút quần áo vào lại phải lóc cóc mang ra phơi. người ta cũng thế. mới ngon ngọt thơn thớt, thoắt cái quay lại lấy dao đâm mình. tổ sư. yên với bình khó thế chứ lị.

3. vì mấy con mực một nắng mà cái chày dùng để giã các loại thuốc đã dính ớt cả hai đầu. phải công nhận, mực một nắng ướp muối ớt nướng ngon. giá mà nướng bằng than củi thay vì cồn 90 độ thì còn ngon hơn và nhà thì không ám mùi cồn cả đêm.

4. hẹn với hò, mãi cứ là hò hẹn. thế là đổ tất cho chữ Duyên. hehe. vầng, thì thôi, duyên chưa tới thì tình gì thì cũng cứ đợi đấy!

21/9/09

ngày đầu tuần


là chủ nhật hay thứ 2 nhỉ?

- nếu là chủ nhật thì sáng làm việc, trưa nấu nướng, chiều vác thân đi... siêu thị. lại lon ton sang tận Lotte Mart để có thể tha hồ khuân vác rau củ quả. trĩu trịt cả 4 tay nhưng mà túi thì mỏng dính luôn. hix. về đến nhà, làm è cổ từ 18h30 đến tận 20h30 mới xong xuôi, sạch sẽ và ăn tối. định bụng nằm đọc tiếp Nam tước trên cây thì mất điện. đến lúc có điện thì mắt ríu lại rồi. thế là ngủ luôn dù việc vẫn còn và sách thì vẫn dang dở.

- nếu là thứ 2 thì, bắt đầu bằng 1 ly nước cam do chính tay mình vắt sau khi tắm gội sạch sẽ. tuần này hứa hẹn chạy lung ta lung tung và phơi mặt trên Nhà thi đấu Phú Thọ ít nhất 6 tiếng nữa. giờ thì mình phải chạy đi họp. haizz, họp những 2 cuộc cơ.

chúc các bạn tuần mới suôn sẻ, tốt lành.

19/9/09

linh tinh cuối tuần


1. một bạn đang nghĩ cách làm sao để níu kéo tình yêu của mình sau khi nhận lời chia tay chừng 1 tháng. bạn alo cho mình hỏi nên làm gì. bạn kể mình nghe chuyện của hai bạn, kể những xung đột và giọt nước làm tràn ly. mình hỏi bạn tặng hoa cho người yêu lần nào chưa, bạn nói rằng chưa. mình hỏi bạn người yêu thích hoa gì, bạn nói rằng có đưa em í đi mua 1 lần nhưng không nhớ. bạn kêu, nào cứ phải yêu nhau là tặng hoa hay làm những chuyện sến rện như thế. mình đồng ý, không phải cứ yêu nhau nhất thiết phải tặng hoa, nhưng mà những sự quan tâm và thể hiện tình cảm là cần thiết trong tất cả các mối quan hệ, không chỉ có trai gái. bạn nói bạn tính về quê giải quyết hiểu lầm với ba mẹ người yêu, mình khuyên đừng giải quyết phần ngọn, xử lý cái gốc trước cái đã. làm sao để người yêu chịu bắt máy, nhận tin nhắn và chấp nhận gặp bạn trước, nghe bạn nói rồi giải tỏa hiểu lầm rồi mới tính chuyện "ông bà già" sau. hôm nay, bạn và người yêu đã ngồi lại với nhau, nói và nghe trực tiếp từ nhau. người yêu nhận hoa tỏ vẻ rất vui nhưng không dám mang hoa về vì sợ ông cậu, nơi em í ở, sẽ biết là em í gặp bạn rồi mắng mỏ, rồi gọi điện thoại về cho ba mẹ em í. chuyện sẽ to thêm vì ông bà đã cấm em í gặp lại bạn. bạn đang không biết nên làm gì tiếp.

(mình kiểm duyệt đoạn này nha!)

2. cafe với anh T, chị Tr, anh L ở Hi - end (Nguyễn Văn Thủ). nhạc hay nhưng tâm trạng thì mỗi đứa mỗi kiểu. bá láp bá xàm với nhau sau nhiều ngày tháng không gặp cũng tạm quên chuyện của mỗi người. anh T rủ mình và chị Tr ra Hoa Viên (Mạc Đỉnh Chi) làm vài vại bia đen với bạn anh í. mấy đồng chí này đã gặp nhau hồi anh T cưới. hai chị em không có cảm tình với các đồng chí này vì cách ăn nói, cách họ dọn bàn tiệc vào hộp xốp mang về khi mọi người trong bàn chưa ăn xong. nhậu mà, nói chuyện gì bây giờ? trên trời dưới biển thôi. chính ch[tr]ị chính em, mình dẹp. chuyện hôn nhân, mình cũng đề nghị không đề cập vì biết chắc sẽ không đồng quan điểm hoặc tệ hơn là không tôn trọng quan điểm của mình và chị Tr. thôi thì nói chuyện sống đi. cũng cãi nhau xơi xơi.

anh T kêu, nghĩ cho cùng, trên đời này không ai yêu thương mình bằng mình. thế là bị 4 bác (3 có vợ con, 1 độc thân) kia vây vào đánh. nào là ích kỉ, nào là lệch lạc tư tưởng, nào là chưa có con nên mới nghĩ như thế... sau đó là chấn chỉnh tư tưởng lệch lạc của anh T và mình, chị Tr. khổ hông? quá khổ chớ! 4 đồng chí đều nhất trí với nhau: mọi người đều sống như này, mình sống khác đi là mình ích kỷ, lạc loài và chống lại cái chung. mình uống bia mà không đi tiểu được luôn!

trong bàn có cái anh kia, cứ bắt mình và chị Tr uống liên tục với lý do công việc của hai chị em là phải giao tế nhiều cần nâng cao tửu lượng. mình hỏi, nãy giờ ngồi vào bàn em có hỏi anh và các bạn anh làm gì hay không? em không quan tâm các anh làm gì và cũng chẳng lấy đó làm thước đo để đánh giá các anh. vậy tại sao anh cứ lôi công việc, nghề nghiệp của bọn em ra để mặc định, cần phải thế này, nên như thế nọ?

không biết mình đúng hay sai nhưng nếu chiếu theo những gì mình thấy thì, đừng có nghĩ người ta có thể đi nhậu với nhau thì đó là bạn [tâm giao]. bởi anh T không hề giống 4 người bạn của mình. vì thế, mình rất hạn chế việc ngồi nhậu với những người mình không quý, không tôn trọng quan điểm sống của nhau. đỡ phải rách ruột.

3. chương trình của HBSO vào tối nay, 19/9/2009. brochure ở trên và thông tin thêm ở đây.

16/9/09

say [sushi]

sushi ngon nhưng mà quái, mù tạt có làm người ta say không nhỉ? bởi thế quái nào mình lại nói lắm thế!? tới mức về nhà đầu óc trống rỗng, người mụ mị đi? hix. trong khi đó, mình phải làm cho xong việc vào lúc 16h hôm nay.

15/9/09

so sexy

đây nữa



và đây nữa


i love her.

năm 2007, mình và một số đồng nghiệp gặp chị í trong Sofitel Plaza (SG). rất xinh đẹp nhưng kiệm lời vô cùng. cũng chẳng mấy ai được dành nhiều hơn 20 phút.

[ở] thành phố buổi chiều cơn mưa đuổi nắng


có người vừa trải qua ngày đầu tuần tất tả chạy đi làm dù dậy khá sớm. chờ email, tin vào những lời hứa thành ra bị động. rất bực nhưng không thể cáu. có những lúc, muốn nói những lời chẳng hay ho nhưng rồi phải kiềm lại, có những lúc tức muốn khóc vẫn phải cười. đấy, làm người lớn có sướng đâu. trẻ con có sao nói vậy.

PS: tiêu đề lấy từ bài Có nụ hoa hồng bỗng gọi tên anh - Bảo Phúc

12/9/09

giỗ quảy

vừa trở về từ đó. mệt vì phải đi xa, lúi húi trong bếp chuẩn bị khá nhiều thức ăn cho khách cộng với người nhà chừng 40 người. vài điều nhìn, nghe thấy ở đó.

- trong nhà, số phụ nam và phụ nữ bằng nhau nhưng chỉ có phụ nữ vào bếp, dọn bàn, còn phụ nam, người chơi game người xem ti vi, người đọc báo, người nói chuyện với nhau. lúc ngồi vào bàn, phụ nữ trong nhà ở dưới nhà bếp hết. lâu lâu chạy lên châm thức ăn, lấy thêm bia, đá. mọi người ở trên ăn gần xong thì ở dưới, mỗi người lấy cái chén, múc thức ăn ngồi xổm, ngồi ghế đẩu ăn. hầu như giỗ ở đâu cũng thế trên cái nước Việt Nam này!

- trong bàn mình ngồi, mọi người hỏi món xôi bắp nhà nấu hay mua. chú 3 trả lời: hình như nhà nấu, mà em đâu có vô bếp nên không biết nữa. chú ngồi bên, là hàng xóm, nói: bếp núc là chuyện của đàn bà. ở dưới quê, đàn bà còn không được ngồi trên mâm như dzầy í chớ (ý là nói mình, vì mâm đó mỗi mình là gái, mấy mâm khác thì có gái nhưng gái già (vai vế trên) là chính). rồi mọi người lôi tiếp chuyện gia phả ra nói làm mình nhớ chuyện hồi Tết. chú và ông nội cãi nhau cũng vì chuyện gia phả với cúng giỗ. ông bảo chú đi cùng nhà ông trẻ (nhà hôm nay có giỗ) về quê tảo mộ, chú không chịu vì con chú còn chưa đầy năm, lúc đấy đang ốm cùng với chị của nó. ông quát, Vì mày là con trai nên tao mới kêu mày về quê cho biết mồ mả ông bà chớ mấy đứa con gái tao có thèm nhắc tới đâu! rồi ông dẫn chứng thêm: trong gia phả họ nhà này, chỉ toàn bọn bây - mấy đứa con trai được ghi vào chớ con gái thì làm gì có, mà mày không biết quý trọng cái gốc gác của mình. chú mình cãi nhau to với ông rồi bỏ đi ngay trưa 30 tháng Chạp, vừa đi vừa khóc.

- những bà mẹ có con nhỏ, tới giờ cơm, sẽ bới cơm, đút cho con ăn, có nơi sẽ dọn cái bàn riêng cho tụi con nít phá thoải mái, không phiền người khác. nhưng đấy là tụi trẻ con từ 6 tuổi trở lên, còn dưới tuổi đó, toàn phải đút cơm trước. thảo nào chúng nó không biết tự làm gì. vẫn còn ị đùn, tè dầm rồi kêu mẹ, ba rửa đít, lấy quần và mặc vào cho nó dù đã 3 tuổi hơn. trẻ con những gia đình mình gặp thường không được ngồi vào bàn chỉnh tề mỗi khi tới giờ cơm, toàn bạ đâu ngồi đó, có khi lôi ra đường để bé ham chuyện mà ăn nhanh, người đút cũng đỡ cực hơn.

- các bà mẹ nói chuyện với nhau:
A: mai phải ra tiệm sách mua cuốn bài văn mẫu cho con N nó coi chớ môn đó tệ quá rồi. điểm gì mà toàn 3, 4 không.
B: thôi đi, làm dzậy không có được. phải tập cho nó tưởng tượng (làm như đụng tới Văn có mỗi việc đó á!) chớ!
C: tập bằng cách nào?
B: (đứng hình)
C: tại sao không tập cho chúng nó có thói quen đọc sách?
A: tụi nó có thèm đọc đâu.
B: mà ép cũng không có được, tới ăn còn không ép được nữa là. cứ có con đi rồi biết!
C: vấn đề không phải là ép mà phải tập thói quen đó cho con từ nhỏ bằng chính hành động đọc sách của bố mẹ, đọc sách cho con nghe, nói với chúng về những cuốn sách, việc đọc sách kiểu rủ rỉ với bạn, không phải ra lệnh.
A, B: (im re và tản lờ sang chuyện khác)

tạm thế đã.


11/9/09

tri túc và những thứ khác


- hôm bữa, ông anh lâu không nói chuyện nhảy vào chat. hỏi han mình chuyện công việc, tình cảm, cuộc sống (bao quát hết rồi còn gì?). mình luôn thẳng thắn trước các câu hỏi của anh í, nhưng dừng lại ở câu hỏi về thu nhập, cũng nói thẳng luôn quan điểm về chuyện đó. anh hỏi mình sống sao, mình đáp: em thấy thoải mái, không bí bức gì dù khối lượng công việc ít hơn trước - đồng nghĩa với thu nhập kém hơn. anh nói, tri túc à? vầng. thế là không tốt à?

chuyện tiền bạc với mình cũng quan trọng vì mình phải giúp gia đình nhưng không phải là mục tiêu hàng đầu, không phải lúc nào cũng tính toán chi li hay cân nhắc rất kỹ trước khi làm chuyện gì đó. tiền bạc hay những thứ như xe cộ, quần áo, điện thoại... đều là vật ngoài thân với mình, chỉ là phương tiện, không phải mục đích. không để chúng ràng buộc mình, làm mình không thấy thoải mái.

- hôm thứ 4 (thêm hôm nay nữa, tổng cộng ngồi ở đó ngót 10 tiếng, dù lẽ ra, mỗi người chỉ phải trực 3 tiếng một ca), đi trực hội chợ Việt Build ở NTD Phú Thọ. chị kia vừa mới vào làm đi hội chợ, ghé qua gian hàng rồi ngồi nói chuyện với mình hơn 1 tiếng. tựu trung lại, mình rút ra, chị này cũng giống như nhiều người Việt, dứt khoát phải lập gia đình, sinh con đẻ cái dù chưa tìm thấy tình yêu. rồi sự thành công của một người là phải mua được cái nhà, có một chỗ làm ổn định, đi một cái xe bằng anh bằng bạn. sâu trong đáy mắt chị, mình là đứa không thuộc về xã hội này.

- cũng chuyện ở hội chợ Việt Build. mình không biết, mọi người đi hội chợ như nào chứ mình thì mình rất ngại ôm hết mọi thứ giấy tờ gì gỉ gì gi mà các gian hàng phát/nhét vào tay khách. mình chỉ lấy thứ mình thực sự quan tâm, còn lại từ chối thẳng bằng lắc đầu, xua tay ngay từ chỗ gửi xe. vì cái thói quen, đụng cái gì cũng vơ nên mình thấy, khi phải móc túi dù chỉ có 3.000 đồng - bằng tiền gửi xe (tối thiểu) ở hầu hết mọi nơi ở SG và các thành phố trong cả nước - họ cũng cảm thấy nuối tiếc và luôn miệng đòi hỏi, tại sao không cho không một tập tài liệu có giá trị ít nhất vài năm như các tờ rơi, brochure (?) mà mình đồ rằng, về đến nhà họ sẽ vứt toẹt vào sọt rác.

mình chấp nhận móc tiền túi bù vào 3.000 đồng nếu người mua thật sự muốn có (thông qua việc người ta lật từng trang giấy, lướt sơ qua bằng thái độ trân trọng) nhưng còn băn khoăn hoặc không có tiền mua thêm. còn với những người có cái suy nghĩ, "cho đi chớ, hội chợ mà./ cho đi chớ, giảm giá đi chớ, số cũ rồi, ngoài chợ họ bán rẻ thúi!" thì dẹp nhé. chẳng thế mà hồi tổ chức Toàn cảnh điện ảnh Pháp lần 1 (năm 2007 thì phải), bác phụ trách văn hóa của Lãnh sự quán Pháp đã nói: "dù có là 20.000 đồng 1 vé, 10.000 đồng/ vé cho sinh viên thì cũng phải bán vé, không có phát vé miễn phí vì của cho là của ôi (đối với dân Việt)".

- đã quyết định nâng nền nhà thêm 5 tấc để những trận lụt con con, má khỏi phải lội nước bì bõm mà không có ủng. SG hôm nay trời đã nắng, nóng trở lại. không biết ở quê như nào. má nói, để tìm thợ và chờ trời nắng ráo. thế là thôi, không về Hội An ăn Trung Thu nữa. gửi bánh về cho má và em trước, tới rằm, ngồi nhà nhìn đèn sáng rực thành phố mà thèm thứ ánh sáng bàng bạc lẻn vào khung cửa sổ trên gác xếp hay tiếng trống lân giòn giã văng vẳng xa xa. bạn bè dường như ai cũng muốn đến Hội An vào dịp Trung thu thì phải. bây giờ đã có đôi ba người hỏi khách sạn, hỏi nơi nào ăn ngon dù chẳng phải lần đầu đến Hội An. mình hứa, lúc đó mình ở đâu điện thoại sẽ ở đó để các bạn cần là giải đáp ngay.

- chiều, thèm cao lầu quá nên nấu. ăn mà thèm rau Hội An. trong ảnh ở trên, du khách thử làm người dân Trà Quế, cuốc đất, tưới rau, cắt rau. tour này được nhiều người thích. dĩ nhiên, khách nước ngoài nhiều hơn khách trong nước. cũng như tour đi tham quan Mỹ Sơn bằng đường sông. hôm qua, đọc số 2 của Nhịp sống Sài Gòn, thấy có nhắc đến món mít hấp mà lục lọi mãi không thấy loạt hình mình làm rồi chụp 2 năm trước. món này độc nhất vô nhị của quê ngoại mình đấy.

8/9/09

chuyện một ngày mưa


ở quê, nước tràn vô nửa nhà rồi. mưa to liên tục mấy ngày và còn đang mưa tiếp. chân má nhạy cảm lắm, lội thứ nước bẩn đấy một lúc là đã ngứa và bị nước ăn ngay. mình hay mua mấy loại thuốc làm mềm chân để má bôi cho và cứ phải gọi về nhắc nhở vì tính má hay quên. hồi mình còn ở nhà, tới mùa nước lũ là mình bắt má lên gác nhận đồ mình chuyển lên, cơm nước chợ búa mình làm hết, không dám cho má nhúng chân xuống nước. da mình trâu hơn, ngâm độ 3, 4 giờ vẫn chưa suy suyễn gì. giờ còn mỗi má với con em nên má vẫn phải nhúng chân xuống dọn dẹp hay như đợt này cho gà ăn.

ngoài trồng mấy thứ linh tinh ngoài vườn, má thích nuôi gà, vịt thì phải thả xuống nước mà má cũng không thích thịt vịt, trứng vịt. dì cho mấy con gà con mang từ quê xuống, má nuôi tới lớn, đợi gà đẻ trứng mỗi ngày. giờ nước vào nhà, gà vẫn để ngoài vườn, chắc có kê lên cái gì cao cao vì nước ngoài đấy cao hơn trong nhà. nước mà cao quá má đang lo không biết để ở đâu vì nhà không có lồng mà. má đang lo cho mấy con gà. nhiều lúc, con người ta tự mua dây buộc mình.

như mình í, giờ muốn bỏ SG đi nơi khác sống chừng 1 năm lại không dám. vì công việc, vì cuộc sống không chỉ mỗi mình mình, vì đống sách không quá nhiều nhưng cũng đủ để không gửi ai được. mình có một anh bạn, cũng sở hữu nhiều sách nhưng sau nhiều lần di chuyển, anh í tặng cho bạn bè hết. giờ muốn đi đâu là đi, ung dung tự tại. tới bao giờ mình buông bỏ được để muốn đi đâu thì đi, đến nơi nào muốn đến, sống ở đó vài năm rồi lại đi?

mình cảm thấy buồn.

ảnh: nguồn Nhã Nam

6/9/09

bất lực


Hình: Tạ Thùy Chi do ML chụp trong Giai điệu mùa thu 2008

"có những điều không thể diễn tả bằng lời nói mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim" - Ngô Thụy Tố Như. đây là một trong những ngôn từ ít ỏi xuất hiện trong vở múa Chuyện kể Những chiếc giày .

câu nói này đúng với tâm trạng của mình sau khi xem xong chương trình. mình đã khóc. khóc khi xem Chi múa trên nền nhạc do anh trai - Tạ Tôn đàn; khóc khi Chi và Bảo Trung múa cùng nhau; khóc khi Trung kể chuyện của mình. (ngay sau đêm diễn này, ngày mai Trung lên đường đi Thụy Sỹ học, hiện anh chỉ xin được học bổng 1 năm.); mình cũng khóc khi nhìn các bạn khóc khi kết thúc đêm diễn trong tiếng vỗ tay hoan hô không dứt của khán giả.

SG mưa không to không nhỏ từ trước đêm diễn nhưng khán phòng vẫn kín. sành Nhà hát TP vẫn kín người sau khi màn khép lại đã 30 phút, có lẽ, không phải vì trời vẫn mưa lất phất.

"Được sống và làm cái nghề mà mình yêu thích là một điều may mắn và hạnh phúc." Tạ Thùy Chi

---
Review:

Viên kẹo ngọt của mồ hôi, nước mắt của Võ Tiến

4/9/09

to blossom blue




tối nay buồn.

3/9/09

Story of the shoes


Vào lúc 20 giờ ngày 6/9/2009, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, những cái tên quen thuộc đối với những ai yêu thích múa như Tạ Thùy Chi, Tố Như, Bảo Trung, Hà Phương, Thanh Phong, Phi Điệp, Đức Nhuận… sẽ cùng nhau góp mặt trong vở múa “Chuyện kể Những Chiếc Giày” để chia sẻ với công chúng về cuộc đời và tình yêu dành cho nghề của diễn viên múa.


Đối với hầu hết công chúng Việt, múa là một môn nghệ thuật tuy dễ bắt gặp nhưng khó tìm được chỗ đứng. Bởi nếu so với âm nhạc hay điện ảnh, múa khó hiểu và khó cảm hơn. Để trở thành một diễn viên múa thực thụ, ngoài đam mê, khát khao, ước mơ họ còn phải phải kiên trì, nhẫn nại và chấp nhận đổ mồ hôi lẫn nước mắt và gánh chịu những chấn thương trên sàn tập. Và trên sân khấu, diễn viên múa đã, đang phải chấp nhận là một “vai phụ”. Tuy nhiên, với mong muốn bước tiếp trên đôi giày múa, tiếp tục nuôi dưỡng khát khao cháy bỏng được trình diễn những vũ điệu tuyệt đẹp cho công chúng, nghệ sĩ múa vẫn miệt mài luyện tập và cống hiến một cách thầm lặng, nuôi mãi tình yêu dành cho nghệ thuật múa.

“Chuyên kể Những Chiếc Giày” kể về một ngày thường nhật của một người diễn viên múa. Trong 24 giờ đó, họ tập luyện, chọn trang phục, vất vả với những lo toan của cuộc sống thường nhật… nhưng không lúc nào họ thôi mong ước được tham gia vào một chương trình thật sự dành riêng cho múa. Với những ngôn ngữ hình thể của các thể loại múa như: ballet, jazz, đương đại kết hợp với những chọn lọc tinh tế từ hip hop, dân gian, khiêu vũ… kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh từ video clip trên sân khấu được thiết kế đơn giản như chính cuộc đời của nghệ sĩ múa, “Chuyện kể Những chiếc giày” hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả góc nhìn mới về nghệ thuật múa.

Đến với “Chuyện kể Những Chiếc Giày”, khán giả còn được tận mắt nhìn ngắm những đôi giày múa, những chiếc gióng múa đã sờn theo thời gian và dưới từng bàn tay múa – nhân chứng cho những thăng trầm mà người diễn viên đã trải qua - ngay từ lối ra vào của Nhà hát Thành phố. Tại đây, lần đầu tiên, công chúng được nhìn ngắm tất cả giày của các thể loại múa như ballet, jazz, hiphop… Không chỉ kể câu chuyện của người diễn viên múa, thông qua vở diễn, vũ đoàn Arabesque mà còn muốn lắng nghe khán giả, để từ đó, họ có thể kể tiếp những câu chuyện múa trong thời gian tới, như là một sân chơi thường xuyên tạo động lực để thế hệ trẻ nỗ lực và gắn bó với nghề hơn.

chương trình không có nhà tài trợ, hoàn toàn của Arabesque. giá vé có ba loại: 500.000, 300.000 và 200.000 đồng.

----

mình mới ở rạp Lệ Thanh xem mọi người chạy chương trình về. mọi người đói mềm vì tập từ sáng. mình chạy đi mua nước suối và bánh mì để mọi người ăn tạm. nhìn anh chị em người mướt mồ hôi, cầm bánh mì trên tay, nhai ngấu nghiến thấy thương ghê. nhìn cái Chi múa, rất thích, thần thái toát ra trong từ động tác, nét mặt. mà con bé, lúc nào cũng như chim, hót líu lo. yêu lắm í. còn chưa được nửa tháng là em đi rồi. lúc nhận giấy báo, em đã báo: chị chuẩn bị tinh thần đi, 1 tháng nữa em đi đấy. nghe xong là thấy buồn rồi. cả tháng nay hai chị em có đi đâu được đâu, vì em phải chạy khắp nơi, xong chương trình này là đi. hix. sẽ trống vắng đây.

1/9/09

mãng cầu đê!


- trời mưa to, kèm gió to. rồi dai dẳng. mấy bữa ni nhớ nhà nghe. mà má không có gọi. ấm ức. không biết tại răng, tự dưng đầu óc, tinh thần như bị ức chế. lõng bõng, thõng thượt. cái gì cũng dở dở ương ương. nằm một đống, rồi lật qua lật lại tài liệu, rồi ghi rồi chép, rồi lại ngủ. thức dậy thì ngồi vô máy, nhòm tới nhòm lui, gõ, sửa. có bữa, nửa đêm gà gáy muốn đập đồ hay hét toáng lên cho đỡ. nhưng mà rồi chỉ có la làng trên YM thôi. hix.

- hôm qua, nấu cơm. phỏng một đường dài ở cánh tay phải. do lo gắp cái bông cải xanh rớt xuống chẹt bếp ga đụng cái quai của nồi nước đang sôi trên bếp. sợ không làm liền, quên rồi dơ hầy ra. nóng, la ai ái. dội nước lạnh liền mà vẫn nóng, rát, đỏ lòm thấy ghê. nhớ trong nhà còn bình dầu mù u mà không thấy trong túi thuốc. mãi sau, dọn cơm ra mới tìm được. cả tối bôi dầu vô. tới rạng sáng thì đỡ rát và hết đỏ.

- tay phải nhiều dấu tích ra phết. ngoài cái bớp, sẹo chích ngừa hồi nhỏ thì còn có vầng trăng khuyết - hậu quả của trận uống rhum ở RFC cafe (giờ đã dẹp) mà không ăn vào một ngày đầu tuần hồi 5 năm trước. nhưng vụ án này thì không có để lại dấu vết được. mù u và nghệ tươi sẽ sát cánh với bạn này cho tới khi nào bạn í biến mất khỏi tay mình.

- trời mưa thì mát, mà mưa dai thì mệt. đi đâu cũng bất tiện. không phải sợ ướt mà sợ kẹt xe với ngập nước. tính chui vô spa, xông hơi với massage đá nóng cho phẻ người mà chịu chết. ngồi nhòm trời đất vần vũ bóc mãng cầu bỏ vô miệng nhai. hix, từ tối hôm qua tới giờ, quất gần 2kg mãng cầu dai òi nha.

hôm qua đi siêu thị. nhòm quanh không thấy mãng cầu đâu, tới lúc quyết định về mới thấy. xưa giờ, mình thấy trong siêu thị bán mãng cầu Vũng Tàu không hà, giá đâu chừng trên 25k/kg. bữa đó, mãng cầu Biên Hòa, giá có 15k/kg. không biết chất lượng như nào chớ trực quan cũng ổn ra phết nên quất luôn 3kg. ăn rồi mới thấy, tiền nào của đó nha. loại của VT cơm dày hơn, ngọt hơn, thơm hơn. mình mua mãng cầu thường chọn loại vỏ mềm, vì đó là mãng cầu dai, còn vỏ cứng là mãng cầu bở. mãng cầu dai có vị ngọt, ít hột hơn mãng cầu bở. trái có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống là trái chín cây, ăn ngọt và thơm. còn mãng cầu bở, chọn những trái tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, da xanh non, cuống nhỏ, chín mềm không nứt.

--
cập nhật: 20g15' dính thêm quả phỏng ở đầu gối khi tắm, đụng vào ấm nước. huhu. cũng bên phải luôn. huhu. sao dzị ta?