29/10/10

update [tình] hình


- đang cong đít chạy làm phim. mệt cha chả mà vui. chưa biết kết quả ra sao nhưng tinh thần riêng mình, sau 48 giờ mà không gục là thắng. =))

- hình thì đã update. cái đầu này chỉ có 1 người khen và mình thì thấy sướng. còn lại ai cũng kêu ca. :))

- hết ạ.



24/10/10

cám ơn


lại nhục. lần này thì quất 1 tiếng không ngừng dù chỉ vài chục giây. đời thật là bất ngờ đến thẫn thờ.

---

[lại trích dẫn]

Các bạn cứ quan sát sẽ thấy rằng khi người ta cám ơn, họ luôn nói thêm từ rất nhiều, mà không nói một ít: "Rất cám ơn", được. "Cám ơn một ít", không. "Cám ơn nhiều", có. "Cám ơn ít", không. Nó không nói lên điều gì. Trong tình yêu thì ngược lại, người ta có thể yêu một chút, yêu ít hơn, thậm chít rất ít, và nói ra: "Em (anh) quá ít yêu anh (em)", trừ các bên có liên quan thì điều này không làm tổn thương đến ai cả. Nhưng nói "cám ơn ít" thì không thể hình dung được. Người ta luôn nói quá lời cảm ơn. Vấn đề với lòng biết ơn là nó được dâng tặng một cách thái quá. Trái ngược với tình yêu, vốn có khuynh hướng chừng mực...

Nếu người ta để trong lòng lời cám ơn một người mà họ sẽ không cám ơn... Cách thức đạt được chỉ có thể bằng sự nhận thức ... và chắc chắn như vậy đối với đức tính thành thật!

(Cám ơn - Daniel Pennac)

---

mình vốn dĩ ít nói tiếng cảm ơn và xin lỗi với những người thân thiết và cũng chẳng thích nghe 2 từ ấy từ họ. với người xa lạ hoặc bạn bè bình thường thì dĩ nhiên dùng thường xuyên. ban đầu sẽ kêu ca là không thích nghe, nhưng họ cũng có những nguyên tắc sống riêng nên đành chấp nhận. thi thoảng, sẽ cáu um lên, em/tớ/ chị/ bạn thậm ghét nghe "cảm ơn/ cám ơn/ thanks".

PS: đang thích cái váy này tỉ tả, thích tất từ kiểu dáng cho đến màu sắc cả phụ kiện.


21/10/10

wedding flowers (for Mrs Binns. haha)














































hoa dại hoặc chọn những loại hoa có nhan sắc hương đồng cỏ nội nha. những bó hoa này do một người quen thực hiện. hem phải mình, nhưng mình cũng có thể xử được. hehe.

19/10/10

trích dẫn

- ...tôi vẫn không hết băn khoăn về sự mất mát vẫn xảy ra mỗi ngày trong tình yêu. Không phải là sự mất mát khi đam mê không được đáp lại hoặc bị bội phản, mà là sự mất mát lặng lẽ không tiếng động của một phần chúng ta khi sống những năm tháng đằm thắm gần gũi những người yêu mình. Tình yêu thích hòa nhập và san bằng, tình yêu không thích cái phần lưu lạc trong linh hồn chúng ta, những căn nhà ấm không thích những cơn gió ban đêm không tên tuổi. Chúng ta gài cửa nẻo, giữ những cơn gió ở bên ngoài.

(Và khi tro bụi)

- Gặp lại những người bạn cũ không phải là một chuyện rất vui vẻ. Không phải vì nhắc lại thời xa xưa tươi đẹp với họ thì không dễ chịu. Cả tôi, tôi cũng cảm thấy nuối tiếc khi gặp lại bạn bè hồi đó. Họ cũng rất mừng khi gặp lại tôi. Nhưng, xét cho cùng, không có chủ đề câu chuyện nào của họ làm tôi quan tâm. Biết được những gì đang xảy ra ở thành phố tỉnh lẻ thời niên thiếu của tôi, hay biết được bạn bè cùng lớp bây giờ thế nào hoàn toàn không phải là mối bận tâm của tôi. Quá nhiều thời gian và quá nhiều không gian từ nay đã chia cắt tôi với con người mà tôi đã từng là.

(Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời)

- Thời gian mà chúng ta để lại sau lưng càng rộng lớn, giọng nói mời gọi chúng ta quay trở lại càng trở nên khó cưỡng hơn. Câu châm ngôn này có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng thật ra nó lại sai. Con người già đi, kết cục đến gần, mỗi thời điểm ngày càng trở nên thân thiết hơn và không còn nhiều thời gian để mất với các kỷ niệm nữa. Cần phải hiểu cái nghịch lý toán học của sự hoài nhớ: nó mạnh mẽ nhất vào thời trẻ khi khối lượng cuộc đời đã đi qua vẫn còn vô cùng nhỏ bé.

(Vô tri)

(còn nữa)

15/10/10

phía Tây [không] có gì lạ [,chỉ là chút váng đầu]

1. có lạ không khi cứ phải dùng phương thức giao tiếp gián tiếp như blog, fb, tin nhắn... để nói một điều dù đơn giản nhất? mình ghét như vậy. không công bằng, không đẹp. mặt đối mặt đi. vì đối thoại kiểu gì cũng hiểu nhau hơn, nhanh giải quyết được vấn đề hơn. dĩ nhiên, đối thoại, không phải cãi vã.

ở cùng nhau ngót 7 năm, tự dưng tới khúc dọn đi, cái gì cũng nhắn tin dù lục đục cả tối có mặt mình. chi vậy? mình nhắn tin lại, chọc: vừa tốn tiền vừa mỏi tay, sao không nói? mình đã chuẩn bị tiệc chia tay, nhưng bạn bảo bận, hẹn lúc khác lôi nhau ra quán. ừ thôi cũng đành. mình đã làm hết những gì phải làm. nhận hay từ chối là chuyện của bạn, mình chẳng có gì phải áy náy. ngần đấy năm sống chung nhà, xài chung cái toilet, thở chung bầu không khí, coi chung cái tivi, dùng chung cái bóng điện, giờ sẽ hiếm hoi lắm mới gặp nhau. thấy có chút trống trải. bạn dọn đi đâu, nhà mới thế nào, mình không hỏi. chỉ mong là mọi việc tốt đẹp, suôn sẻ.

2. sắp chia tay người bạn 8 năm. cái xe charly còi cọc, cũ kỹ. không muốn bán. thương nó bao năm lăn lộn với mình. có nhiều lúc nó cõng trên mình bao nhiêu là thứ, chả khác gì xe thồ. rồi chạy vòng vèo khắp nơi, nắng cũng như mưa. mình vất vả với nó cũng nhiều. biết từng cái bệnh của nó. giờ bán đi, chỉ vài trăm bạc. xót và buồn.

ngày xưa, lúc ông già mua em nó, mình phải bán cái xe đạp đi từ năm lớp 9 đến năm 2 đại học. lúc đấy cũng có tâm trạng y hệt như lần này. giờ vẫn nhớ hình hài cái xe đạp đó. nhớ cái giỏ tự chế, nhớ cái yên sau bỏ trống thế mà vẫn đèo bạn được, lúc đứng phía sau, lúc ngồi trên yên cùng nhau. con xe đạp được bán với giá 50 ngàn đồng. ngần đấy tiền, thời đó, to với mình. nhưng lại mang đi mua sách để kỷ niệm. một trong số đó là cuốn Trên dấu chim di thê của Văn Cầm Hải.

đã hỏi ông già, con cho thằng cháu gọi ông già là chú rể có được không. nhà nó nghèo, không mua được xe cho nó. thay vì bán đi, cho nó thì nó có cái chân đi xa hơn, tiện hơn dù chắc cũng thi thoảng nó mới đi. hồi xưa lúc mình đi học, thi thoảng cũng được người này giúp người kia giúp. cảm thấy biết ơn lắm. mình đã nhận nay cho được thì cho. vả lại, thay vì người xa lạ gắn bó với em charly thì một người dù chẳng họ hàng gì đi vẫn hơn. người mua thì giục giã, ba mẹ thằng nhóc kia chưa thấy ỏ ê gì. chắc chẳng ai biết có đứa đang lăn tăn.

3. hôm qua, nói chuyện với thằng bạn cấp 3. nó nhắc: ta còn nhớ sinh nhật 18 tuổi mi tặng ta món quà có 5 vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. lúc chuẩn bị quà, chắc chả có thâm ý gì sâu xa, chỉ đơn giản lạ hóa quà cáp để nó nhớ lâu tí. kể ra thì cũng thành công. đúng là cái thuở hồn nhiên ngây thơ đó, có thể làm tất cả những gì mình nghĩ, mình muốn dù có thể bị cười cợt, thể hiện sự ngây ngô, cả sự nồng nàn tới mức nào. chẳng cần đắn đo sẽ bị hiểu lầm, sẽ bị đánh giá. muốn là làm. chấm hết. có khi cả người nhận cũng không hiểu được hoặc chẳng hề thích thú như mình nghĩ. cơ mà, cái sướng vẫn là sự cho đi, nhất là khi không cần nhận lại.


14/10/10

Cái gì khổ hơn?

Hôm nay bỗng nhiên nghĩ ngợi, tình yêu đơn phương và tình yêu được đáp trả nhưng không được đến với nhau, cái nào làm cho người ta đau khổ hơn

Lý do là trong lúc ngồi trên xe taxi hôm nay, khi anh yêu còn đang ngủ gật, mình đã được nghe 1 bài hát, trong đó cô gái hát đại loại thế này “Ngay từ khi yêu anh em đã biết là sẽ không bao giờ có sự đáp trả.. Vậy mà em vẫn cứ yêu để rồi bây giờ trái tim em tan nát..” v.v. rất chi là đau khổ!!!

Lúc đó mình bật cười, vì đã xác định là “yêu đơn phương” thì làm gì phải đau khổ thế, yêu ĐÔI PHƯƠNG mà không được đến với nhau, mới gọi là đau chứ!

Mình cũng đã có đôi lần đứng từ xa và “ngưỡng mộ” ai đó. Trong đầu cũng nghĩ “sẽ không bao giờ có sự đáp trả”. Không có sự đáp trả nhưng không có nghĩa là mình phải che dấu tình cảm của bản thân. Nhiều khi sự sỹ diện bảo mình phải giả vờ vô tư nhưng rồi chỉ sau 1 thời gian, lại có tiếng nói vang lên trong đầu “Chả nhẽ ngày mai lăn ra chết cũng không làm được cái việc đơn giản nhất là để cho người khác biết mình yêu họ à???”. Và thế là thổ lộ.

Mình còn nhớ đã có lần viết 1 bức thư đại loại như sau: “Em không cần biết anh có yêu em hay không, hay anh sẽ làm gì sau khi đọc được bức thư này. Nhưng em đã quyết định rằng anh xứng đáng được biết tình cảm của em dành cho anh. Và em cũng không việc gì phải giữ nó trong lòng cả. Này thì: Em yêu anh đấy! Xong rồi, em đã nói được nó ra. Anh không cần phải làm gì hết cả. Nói ra được là em mừng rồi!”

Một lần khác, năm 12 tuổi, con bé ngồi trầm ngâm trước máy điện thoại mà đấu tranh tư tưởng: thổ lộ hay không???

Cuối cùng rồi cũng nhấc máy, ấn số, trống ngực đập thình thịch. Sau đó cũng nói được câu cần nói, rồi thấy nhẹ hết cả người!

Vì một lý do gì đó, khi đã xác định yêu đơn phương, có lẽ cũng sẽ mất đi cái ham muốn “người đó phải là của mình”. Ngược lại, ta như người quan sát bên vệ đường, ngắm nhìn bông hoa đẹp được khách qua đường vờn, bẻ, làm cho dập nát, hoặc tôn vinh bông hoa đẹp đó. Trong lòng sỹ diện: mình thật là.. rộng lượng! Rồi lấy đó làm sự an ủi cho mình, lấy đó là cái cớ để mình mỉm cười rất ư là thánh thiện ..khi thấy người đó đang gần gũi người khác.

Khi yêu đơn phương, mình muốn mình vô hình nhất có thể, để người ta cứ là bông hoa khoe sắc theo cái cách mà những người bẻ hoa mong muốn. Nếu chẳng may mình bị phát hiện đang nhìn người ta đắm đuối, thì lúc đấy chỉ muốn chui nhanh xuống đất hoặc sẽ tự trách mình: giời ơi thế này thì còn gì là “yêu đơn phương” nữa!!! Đúng, mình hèn nhát để người ta bắt gặp được cảm xúc thật của mình. Nhưng chắc chắn kiểu gì cũng phải thông báo chính thức về tình cảm của mình dành cho hắn, thà nhầm còn hơn bỏ sót.. !!!!

Mình không phải là người cố gắng hoặc chạy đua để bằng mọi cách phải có được cảm tình của người khác. Nếu đã không yêu thì cũng chả ép. Tình cảm phải tự đến, do cảm nhận được nét đẹp của nhau mà có. Vì thế, sẽ không bao giờ có chuyện mình tranh đấu để có được tình yêu, từ một người không yêu mình. Và cũng vì không có chiến lược yêu như vậy, nên khi yêu đơn phương cũng không có gì làm đau khổ như cái bài hát kia thể hiện.

Ngược lại, nếu mình yêu hắn, và biết hắn yêu mình, ngay lập tức, sự đau khổ đã tràn trề. Làm gì cho hết được hai cái yêu này chập lại!!!!

Lúc này, nếu vì một lý do nào đó, 2 tình yêu không thể đến được với nhau, cơn đau mới gọi là tột đỉnh!!!!!

Vì lúc này yếu tố cấu thành sự thăng hoa đã quá đầy đủ: anh yêu em, và em yêu anh. Vậy mà còn lý do gì đó để lăn tăn, lúc này người ta mới cần viết bài hát gào thét thảm thiết, lúc đó mình mới thấy bài hát này thật là cảm động.

Hãy thử tưởng tượng, hai người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau. Họ phải “quên” nhau đi, “coi nhau như người xa lạ”, hoặc “chưa từng tồn tại trên cõi đời”.. Hãy thử tưởng tượng xem, một trái tim thổn thức, hàng ngày hướng về một người, có thể ngay cạnh mình đây thôi, nhưng phải coi như chưa hề tồn tại. Người yêu với mình là thiên thần, là những gì ấm áp nhất, nhưng hàng ngày mình phải tự bảo “người này không có trên cõi đời, người này không có thật”, trong khi từng ánh mắt, cử chỉ, những kỷ niệm.. đều dấy lên trong mình những cảm xúc quá thật.

Thế thì cái gì đau khổ hơn cái gì?

Kết luận của bài này là, yêu đơn phương vẫn còn sướng chán!

(Stranger's blog)

12/10/10

Đi, đi, phải đi!

ĐI LÀ CHẾT MỘT ÍT

Sinh ra ở xứ ngày xưa là thương cảng, tôi thường lên cơn “cuồng đi”. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình, căn cớ của sự khủng hoảng này là gì? Phải chăng tôi cũng như nhiều người, chỉ có đi/trôi dạt/xê dịch mới đem lại ý nghĩa cuộc đời? Liệu trôi dạt có là một nhu cầu tự thân như nhà thơ Pháp Paul Morgand từng viết trong Những cuộc du hành: “Đi là chết một ít, nhưng ở lại là vỡ tan thành trăm mảnh”? Câu trả lời cho bản thân, tôi chưa có. Và nhiều người dường như vẫn còn mãi loay hoay đi tìm lời giải đáp bản chất thật sự việc tồn tại của chính mình qua những chuyến đi.

Đi, khi ta không thể ở

Bạn từng có ý định quan sát cuộc hành trình trôi dạt của những người vô gia cư bạn gặp trên đường không? Có lẽ, với một người bình thường, suy nghĩ đó cũng thoáng hiện trong một chốc nhưng chắc chẳng ai đủ tò mò để dấn thân vào một cuộc khám phá như thế. Nhà làm phim, nghệ sĩ thị giác người Brazil, Cao Guimarães lại khác. Ông đã lần theo dấu chân ba người lang thang trên con đường cao tốc liên bang và bộ phim tài liệu Andarilho chính là kết quả của cuộc khám phá diễn ra ở bang Minas Gerais, Đông Bắc Brazil. Trong những thước phim giàu mỹ cảm thể hiện ngón nghề lão luyện của Guimarães, bạn – người xem, cảm xúc của bạn trôi dạt theo hành trình của nhân vật. Ba người vô gia cư Paulão, Valdemar và Nercino hầu như không nói gì song đôi lúc cũng phá vỡ sự lặng im, khi chỉ trích những giá trị cố hữu của nhau, những trải nghiệm lặt vặt trong quá khứ, đức tin tinh thần duy linh và nhiều chủ đề hoàn toàn khác nhau khác. Họ khước từ quyền công dân, lang thang vô định, không mục đích. Với cả ba, trôi dạt là định mệnh. Họ cứ thế chấp nhận cuộc sống không mái nhà, chẳng có định hướng tương lai.

Ngược với hành định bất định ở trên, thủy thủ Juan Fernández trên tàu đi từ Liverpool cập một bến cảng đầy tuyết ở cực Nam lạnh giá của Argentina đã quyết định về ngôi làng nơi mình từng sống để xem người mẹ của mình còn sống hay không. Anh đã trăn trở, do dự cho lần quay về này. Trường đoạn Juan ngồi sắp xếp hành lý khoảng 10 phút như thể anh biết chắc mình khó mà tìm được cảm giác yên bình trong một chốn từng gọi là nhà, nơi có những người ruột rà của mình đang sống. Và quả thật, người thủy thủ, tuy hiện diện ở đó nhưng anh không thể tiếp xúc được với bất kỳ ai trong gia đình mà anh ta đã bỏ rơi từ lâu. Anh biến mất. Cuộc sống trôi dạt trên tàu lâu nay khiến anh là kẻ đứng ngoài cộng đồng xiêu vẹo, gia đình anh - người con gái dường như bị thiểu năng, người mẹ đau yếu liệt gường... – dựa vào nhau, chăm sóc lẫn nhau. Anh cô đơn, anh không thể giao tiếp và trôi dạt lại là một giải pháp. Có lẽ, không chỉ có Juan Fernández của Lisandro Alonso trong Livepool không tìm được sự kết nối với phần còn lại của thế giới, thậm chí là những người gần gũi về mặt huyết thống. Nhiều người vì thiếu đi niềm hi vọng về sự thay đổi, về cuộc sống có thể khác biệt và phải chịu trách nhiệm khi không thể khiến người khác tin tưởng đã chọn cho mình giải pháp ra đi.

Đi, khi ta có cơ hội

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nước Mỹ phải trải qua một loạt sự kiện, biến động chính trị xã hội dữ dội. Tổng thống John F. Kennedy và Luật sư Martin Luther King bị ám sát. Chiến tranh Việt Nam leo thang với sự tăng cường can thiệp của chính quyền Mỹ. Phong trào nữ quyền, hippie hoạt động đầy sôi nổi, và tệ nạn sử dụng ma tuý như một thứ bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Và ở chính trong bối cảnh xã hội như vậy, một thế hệ thanh niên mới, những người vỡ tan tành ảo tưởng về những giá trị Mỹ và về thế giới, đã xuất hiện. Những chàng trai, cô gái mới lớn này phản kháng mạnh mẽ trước những định kiến lầm lạc của số đông, những mặt trái của xã hội công nghiệp hiện đại, một cách rất ngây thơ bằng cách sử dụng ma túy, bằng lối sống hippie buông thả, vô trách nhiệm. Nói cách khác, họ sẵn sàng lên đường tìm kiếm “Tự do” ngay khi có cơ hội, bất chấp mọi hậu quả, dù là thảm khốc nhất.

Chuyến chu du đến New Orleans trên chiếc mô tô của hai gã hippie là Wyatt “Captain America” – Billy và tay luật sư nghiện rượu George Hanson trong bộ phim Easy Rider đã được nhiều nhà phê binh ghi nhận là “hình ảnh phỏng chiếu của nước Mỹ” khi đó. Là biểu tượng phản-văn hoá, là “chuẩn mực của cả một thế hệ”, Billy (Hopper), Wyatt (Peter Honda), George (Jack Nicholson) đã vẽ nên hình ảnh của những người hoài nghi, đầy ảo tưởng, đắm mình trong nghiện ngập, dục vọng, và u buồn, muốn lên đường tìm kiếm tự do, một hướng đi khác cho bản thân. Với vẻ ngoài ngổ ngáo, cả ba nhân vật của chúng ta đã phải nhận những lời miệt thị đầy ác ý của những người dân quê. George cay đắng nhận ra, người Mỹ nói rất nhiều về giá trị của Tự do, song thực chất lại e sợ bất cứ ai thực sự thể hiện nó. Có lẽ, với nhiều người, những đối tượng như vậy không bình thường, bởi đơn thuần là những người đó sống “khác”, suy nghĩ “khác” họ. Phần đông cho rằng những người này sống trái với tự nhiên, trái ngược quy luật. Vì lẽ đó, George đã chết khi lĩnh trọn một nhát rìu vào cổ trong trận tập kích lúc nửa đêm của đám dân quê. Và số phận của Wyatt và Billy cũng không hơn gì. Cả hai cũng bị bắn chết trên đường tới Florida, chỉ đơn giản là bởi một người dân ngứa mắt với mái tóc dài của Billy. Rốt cuộc, Wyatt nhận ra hành trình tìm kiếm tự do của mình là một thất bại thảm hại về mặt tinh thần. Bộ phim kết thúc bằng cảnh quay chiếc xe được tô vẽ quốc kỳ Mỹ của Wyatt nổ tung và cháy rừng rực trước khi máy quay chuyển hướng lên bầu trời, báo hiệu chuyến du hành của Wyatt và Billy đã thật sự chấm dứt.

Easy Rider của Dennis Hopper được xem là đòn tấn công trực diện vào chủ nghĩa bảo thủ và phân biệt chủng tộc vốn ăn sâu trong xã hội nước Mỹ. Ngay sau khi ra mắt, 1969, Easy Rider đã thành công rực rỡ, được trình chiếu tại LHP Cannes và nhận đề cử giải thưởng Oscar kịch bản hay nhất cho Hopper, Fonda và Terry Southern. Tổng cộng, bộ phim đã thu về 40 triệu USD trên toàn thế giới (ở Mỹ là 19 triệu USD, một con số lớn ở thời điểm đó) cũng như được thế hệ Woodstock khi đó đón nhận nồng nhiệt. Đơn giản, họ cảm nhận được suy tư của các nhân vật trong phim. Họ thấy một phần nào đó con người mình trong đó. Và dù cuộc hành trình của những Billy và Wyatt có thất bại, song ít nhất, họ, và những người như thế, đã dám “Tự do” và trải nghiệm sự trôi dạt của mình.

Đi, hành trình xác lập bản thân

Nếu như Easy Rider là sự phỏng chiếu một nước Mỹ thời công nghiệp hiện đại, với những rắc rối và vấn đề riêng của nó, thì ở bộ phim Vibrator (2003), đạo diễn người Nhật Bản Ryuichi Hiroki lại khám phá một trong những vấn đề xã hội cơ bản nhất trong xã hội hậu công nghiệp hiện nay. Một vấn đề mang tính phổ quát chứ không chỉ riêng có ở Nhật Bản. Đó là sự xuất hiện của một thế hệ lạc lối trong sự phát triển kinh tế vũ bão phải đối mặt với một niềm tin bị xáo trộn và cảm thức về một tương lai bất định.

Nhân vật Rei (Shinobu Terajima) là một phụ nữ 31 tuổi mất sạch cảm giác đến mức chỉ còn kết nối được thế giới vật chất thông qua sự rung động của chiếc điện thoại di động trong túi. Là nhà báo tự do chuyên viết bài cho tạp chí (một thứ nghề không có sự bảo đảm ổn định), Rei bị ám ảnh thường trực bởi tiếng nói và hình ảnh mà cô tưởng tượng ra trong đầu đến mức trở nên nghiện rượu và e ngại trong việc tiếp xúc với người khác. Trong một đêm đông lạnh giá ở Tokyo, lang thang tìm mua một chai rượu Đức ở siêu thị, Rei bị cuốn hút trước một nam tài xế xe tải đưòng dài phong trần tóc vàng hoe Takatoshi (Nao Omori). Giờ đây thứ rung động thật sự là trái tim của Rei. Sau thoáng e ngại, cô quyết định rút khỏi vỏ ốc theo Takatoshi lên lên xe tải và làm tình.

Sáng hôm sau, Rei bất ngờ muốn có một chuyến đi không điểm đích cùng người đàn ông xa lạ. Cả hai không lang thang khắp Nhật Bản, mà đơn thuần tận dụng cơ hội này để cảm nhận điều gì đó, bên trong chiếc xe tải tù túng, trong chuyến đi. Và chuyến đi với người tình một đêm nhanh chóng biến thành hành trình khám phá bản thân, của cả Rei và Takatoshi. Những cảnh sex trần trụi trong cabin xe nhanh chóng vượt qua sự biểu hiện của ham muốn xác thịt thông thường, mà thay vào đó, biểu đạt sự thèm muốn cảm giác được gần gũi lẫn nhau, xoá nhoà nỗi cô đơn dày vò cả hai.

Và khi trở về Tokyo, cũng vào ban đêm, ngay tại siêu thị nơi cô xuất phát cuộc hành trình, Rei thật sự xúc động và cảm nhận được rằng, ít nhất, vào lúc này, cô không còn nghe thấy những tiếng nói quấy rầy trong đầu mình nữa. Rei biết, cô không hề thay đổi về bệnh lí của mình, song chuyến đi, với sự trợ giúp của Takatoshi, là sự thức tỉnh của một con người khi muốn tiếp xúc với ai đó khác mà họ thật sự muốn, thông qua một sự trôi dạt, một chuyến đi ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa lớn trong cuộc đời cô.

Diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã biến Vibrator từ một câu chuyện không cốt chuyện này trở thành một bức tranh hoàn chỉnh về mối quan hệ tác động qua lại, ám ảnh và không thể quên. Vibrator là bức tranh về những con người cô đơn, có quá khứ đen tối và cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với những người họ muốn tiếp xúc, đã có những quyết định vượt qua chính mình để biến cuộc đời vốn tẻ nhạt và công thức trở nên vui vẻ và bớt cô đơn hơn. Và như nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, cũng là một người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch: “Tất cả chúng ta đều là những người hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một đích”. Sự trôi dạt về tinh thần và trạng thái, đầy bí hiểm và khó nắm bắt của Rei và Takatoshi, trong phim là hành trình xác lập bản thân, lựa chọn cho mình một con đường độc lập, trở thành người chủ của chính mình trong một xã hội mà hầu hết mọi người lựa chọn trở thành một phần của hệ thống quy ước, đầy an toàn và gia trưởng.

Phan Lương

9/10/10

ở đây, có khói màu xanh!


1. tôi thật sự không hiểu. tại sao có quá nhiều người không chịu đọc thứ mà lẽ ra họ phải đọc thật kỹ trước khi gọi điện thoại cho tôi để hỏi về cái phòng chung cư sẽ chia sẻ với tôi. có người thậm chí khăng khăng không có địa chỉ. nếu lướt mắt chậm 1 chút thôi, họ hẳn phải biết nó nằm ở dòng đầu tiên. trong chừng 20 người liên lạc với tôi, chỉ có chừng 2 người đọc kỹ những gì tôi viết. còn đâu, gọi đến, hỏi rất ất ơ. tất cả họ, những người chỉ cần ghi số, dùng ngón tay cái, bấm rồi gọi cho tôi đều được tôi yêu cầu đọc kỹ lại những thông tin tôi cung cấp trên mạng; lần gọi sau chỉ hỏi những gì không có trong đó. cũng dễ hiểu số người gọi lại sau khi đọc kỹ hiếm hoi như chim hải âu chui vào động cơ máy bay làm nó phải quay lại chỗ xuất phát.

cũng hài hước là có không dưới 5 bạn nam gọi điện thoại, nhắn offline hỏi tôi về chuyện chia phòng. tôi hỏi ngược lại, làm thế nào để thân ai nấy sống việc ai nấy làm 1 cách thoải mái khi không có phòng riêng thì các bạn đều ngậm tịt mồm. tôi thật sự không hiểu lúc liên lạc với tôi, họ đã nghĩ gì. có lẽ họ là 1 trong số những người không chịu đọc (kỹ), và cũng có lẽ, họ chỉ thử xem liệu có được hay không. chẳng có ai có đủ lí lẽ để thuyết phục tôi rằng chuyện đó chẳng đáng gì, đàn ông và đàn bà thì cũng chỉ là con người. haha. dĩ nhiên ý tôi không phải thế. ý tôi là ít ra nếu họ định thử xem cái con dở hơi đăng cái tin kia là người như nào thì họ cũng phải đóng vai kẻ có khả năng biện luận hoặc hài hước. ít ra họ cũng khiến tôi cảm thấy, tôi đã gặp được những con người thú vị, rằng đàn ông Việt Nam [mà tôi gặp] thú vị, hiểu biết và hài hước. và điều đó chứng tỏ tôi may mắn. à không, nói thế thì hóa ra họ là hàng hiếm ư? khéo tôi sẽ bị ném đá vì nhận định này.

cũng buồn cười khi có người cố gắng thuyết phục tôi họ là một cá thể [vùng miền] đặc biệt, không giống những người khác [như trong suy nghĩ đã được thể hiện bằng yêu cầu về người ở của tôi]. và rồi ngay sau đó, họ cho tôi thấy, việc tôi cho họ một cơ hội để chứng minh với tôi là sai lầm. họ khiến tôi nghĩ, một khi bạn đã có quan điểm thì không nên du di bởi chỉ tổ làm bạn mất thời gian và bực mình.

2. có người hỏi rằng, có bộ phim nào làm tôi thay đổi suy nghĩ, quan điểm của mình về tình yêu không? chẳng có bộ phim nào đủ sức mạnh để làm chuyện đó. chỉ có sự va chạm trong cuộc sống mới đủ khả năng làm chuyện đó. phim ảnh chỉ mang đến sự đồng cảm và thỉnh thoảng, mở ra một góc mới mà tôi chưa trải qua.

với tất thảy mọi thứ, tôi tin, mỗi người bằng sự trải nghiệm của bản thân, cọng với tính cách và hiểu biết của mình sẽ cảm nhận nghệ thuật, cuộc sống theo một cách khác. do vậy, trong nghệ thuật, chẳng có cái gì đúng hay sai, chỉ có hay hoặc dở tùy mỗi người. những diễn viên múa, biên đạo tôi có cơ hội được xem họ tập, chiêm ngưỡng họ trình diễn và nghe họ chia sẻ đều nói: múa rất gần gũi với chúng ta. bất cứ một động tác nào cũng có thể là múa. ta đi, ta ngồi, ta hươ tay, hay đá chân đều có thể là 1 động tác. người biên đạo chỉ hơn ở chỗ biết chọn nhịp điệu cho những động tác đó. và vì lẽ đó, múa không khó hiểu như mọi người nghĩ.

3. con người cũng vậy. tôi tin không ai khó hiểu, khó gần hay dị biệt tới mức không thể đến gần được. có điều họ mở lòng với ai, tới đâu và ta, nếu muốn đến gần, phải biết cách để họ xích lại. nhưng tôi cũng băn khoăn, càng gần càng dễ mất mát. kiểu như nếu chỉ là những người quen biết, họ khó có thể làm bạn tổn thương một cách sâu sắc. không có ai gần gũi kể ra cũng đáng thương và đáng sợ, nhưng cái cảm giác bị tổn thương bởi chính người mình gần gũi nhất thật chẳng dễ dàng đối diện.

tôi nhớ anh N.A đã nói: mỗi người là một bức tranh mà những người họ gặp trong cuộc sống này là một mảng màu, một nét cọ tạo nên. vì câu nói đó của anh, tôi đã nguôi giận (khi tôi đang thật sự tức giận với một người bạn), đã nghĩ rằng việc mình quay lưng lại với người mình yêu thương có thể làm họ thay đổi theo hướng tiêu cực. thỉnh thoảng, lúc tức giận, tôi cũng nghĩ đến câu nói này của anh, kìm lòng lại, không tung hê hết lên, rồi sao đó ra sao thì ra. dù rằng, đối phương chẳng hề biết, nhưng bản thân tôi biết, nếu làm người mình yêu thương tổn thương, tôi cũng chẳng hạnh phúc gì. và rất có thể, với họ, tôi chẳng là gì. đối diện với suy nghĩ đó, khá chua xót nhưng tôi nghĩ, né tránh chẳng phải cách. và tôi không thích đi đường vòng.


8/10/10

blue

đến mức khóc nấc. nghĩ cũng ngượng, từng tuổi này rồi mà còn thế. nhưng biết làm sao được, mình là con người.


PS: thèm mấy cái này áo váy quá! thèm điên đảo.












(nguồn: Pooh'FB)