23/1/11

buông và... thả


Một buổi chiều cuối tuần giữa tháng 12, bên tách cà phê, cùng bánh mỳ, bơ và pa-tê, tôi và bạn mình mơ đến một kỳ nghỉ. Bạn hồ hởi lên kế hoạch khám phá thế giới từ mồng ba Tết; còn tôi, tôi nhẩm tính trong đầu những dự định với gia đình.

Mệt thì có mệt nhưng mà vui

“Tết nhất làm chi?

Ai bày tết nhất làm chi?

Lo quần lo áo lo đi chạy tiền

Người người vui tết liên miên

Riêng tôi nghĩ tết mà điên cái đầu

Lo nhiều đến nỗi mọc râu…”

Những cái Tết của tôi đi cùng giai điệu ca từ của khúc Du xuân (tác giả Lữ Liên). Tết đến, bao nhiêu là việc phải lo, khối thứ phải mua sắm, tiền ra như nước, chuẩn bị cho ba ngày xuất đến vỡ mật. Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại, nếu nước mình cũng như Congo, không có Tết thì chán lắm, bản sắc văn hóa mất đặc sắc đi ít nhiều. Trẻ con làm sao có được ký ức đẹp về giao thừa, chúc Tết ông bà, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ…? Không có Tết, liệu bao giờ mới có được một bữa cơm có đủ các thành viên? Đúng là ở thế kỷ 21, Tết nhất đã được phiên phiến đi, không còn được xem trọng như trước nữa nhưng cái hồn của ngày lễ lớn của dân tộc vẫn được lưu giữ lại để rồi, chỉ cần tiết trời se se lạnh, một cơn gió se sắt mang theo mùi nhang thơm cũng đủ làm những người xa quê nhớ quay quắt góc bếp có nồi bánh chưng của mẹ.

Gạt sang một bên quả núi việc đè lên lưng, cứ tầm này, khi nắng dịu, gió heo may, lòng tôi lại nao nao. Nói thật là ngày còn ở nhà, tôi sợ mấy chuyện dọn dẹp lau chùi, bày biện nọ kia dịp giáp Tết. Nhưng khi đi xa, tôi lại thèm và mong được sớm hòa vào không khí náo nhiệt, rộn rã của những ngày cuối tháng Chạp ở quê. Trở về mái nhà xưa, tôi bón phân, tỉa cành cho mấy chậu kiểng, quét dọn và bày biện ban thờ. Là con gái, nhưng năm nào tôi cũng tự tay sơn phết nhà cửa. Loay hoay mất mấy ngày, cả người ê ẩm, tay chân, mặt mũi dính sơn tèm lem, nhưng trong lòng chỉ khấp khởi niềm vui vì thêm một cái Tết nữa được ở nhà, được chăm sóc gia đình. Rồi tôi đi chợ hoa, mua thì ít nhưng tận hưởng không khí bán buôn nhộn nhịp thì nhiều. Tôi trao cho người bán vài lời hỏi han, họ tặng lại tôi nụ cười bên cạnh những chậu hoa đang chờ ngày khoe sắc. Thuận mua vừa bán, chẳng ai ép uổng ai.

Và dù không đi cùng mẹ, tôi cũng ra chợ vài lần. Chợ Tết thật thích, người ta ngồi tràn ra đường lớn, chia theo lô, bán đủ loại vật phẩm. Chợ chật như nêm, ồn ã như lũ sâm cầm tắm rỉa bên hồ nhưng phải thế mới ra chợ Tết. Các bà các chị, tay xách nách mang để có đủ nguyên liệu làm mâm cơm cúng gia tiên. Dẫu ngày nay người ta mua bánh mứt làm sẵn, bánh chưng bánh tét đặt trước nhưng không vì thế mà hàng dừa, hàng gừng tươi… bị dẹp. Vẫn còn đó những người muốn cả nhà ngồi quanh đống lửa, bố mẹ con cái, anh chị em kể chuyện công việc cho nhau nghe vào dịp cuối năm, lũ trẻ con cùng nhau vui đùa. Sắm sửa dường như không còn là nhu cầu về vật chất nữa mà nó là điều kiện để tình thân xích lại gần nhau, để lũ trẻ con được tận hưởng cái không khí đặc biệt của Tết, để tâm hồn chúng được nuôi dưỡng. Và khi mọi thứ đâu vào đó, giao thừa đến, thắp một nén nhang tiễn đưa năm cũ, chào đón một năm mới trong làn khói nhẹ, ta lầm rầm khấn nguyện một năm mới tốt đẹp hơn.

Cơ hội buông xả thanh thản

Tôi sẽ trở về và có một cái Tết như vừa chia sẻ. Còn bạn tôi, sau hai ngày ở cùng gia đình, nàng sẽ làm một chuyến sang Lào, rẽ qua Thái bắt đầu từ mồng 3 Tết. Thoáng chút trăn trở, nàng lo ba mẹ sẽ cảm thấy buồn vì cả năm, ông bà chỉ mong đến dịp này để gia đình sum vầy. Người lớn hẳn sẽ không hiểu tại sao đi gần hết 356 ngày rồi mà nó vẫn không thỏa mãn. Liệu ba mẹ có thông cảm khi nghe con gái chia sẻ: Tết là dịp để tâm trí được buông xả thanh thản?

Tôi cũng từng như bạn mình, giáp Tết ở nhà, hết ba ngày Xuân là lên đường. Dường như thế hệ 8X trở đi đều mang trong mình đôi cánh khao khát được nhìn ngắm những khung trời khác. Với nhịp sống được điều khiển bởi vòng quay công việc, chúng tôi khó lòng có được những ngày phép đủ dài để xê dịch như ý. Đi để được hít thở một bầu không khí khác, được trò chuyện với những người nói thứ ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được khám phá nền văn hóa mới là khát vọng của tuổi trẻ. Giờ đây, không chỉ có bạn tôi, những người độc thân trẻ tuổi muốn du Xuân mà có rất nhiều gia đình muốn ra ngoài, tận hưởng ngày phép dài nhất năm. Thảnh thơi ngủ nghỉ, thư thả đi dạo, thoải mái vùng vẫy trong làn nước mát của biển khơi, Tết của thời nay là dịp để trí óc được xả hơi ngoài khuôn viên ngôi nhà quen thuộc.

Tôi không biết việc hưởng thụ này được xếp vào ngăn vật chất hay tinh thần, cái đó tùy bạn. Nhưng tôi biết, có được một dịp ta nằm dài đọc sách, nghe một bản nhạc hay, nhấm nháp hương vị tuyệt vời của một món ăn mà không màn đến ngày mai phải trả nợ bài vở hay đợi điện thoại của khách hàng thì đó là cơ hội cả năm chỉ có một dịp, đó là Tết. Dù rằng, nói thật, trước khi được buông xả, tôi cũng như bao người, chạy long tóc gáy. Cơ mà, cái gì cũng có cái giá của nó, lao động vất vả xong, ta sẽ quý những giờ phút thư giãn. Và tôi mong, kỳ nghỉ dài tới đây, các bạn, những người đủ kiên nhẫn để đọc đến dòng cuối này, sẽ có được cảm giác thư thả, yên bình bên gia đình hay là một mình ở một nơi nào đó xinh đẹp mà bạn từng muốn tới.

17/1/11

Hạnh phúc trong gian bếp


Góc bếp của mẹ

Ngày còn bé, hình ảnh ấn tượng nhất với tôi là mẹ mặc áo dài đứng trong bếp buổi trưa. Với hai đứa con nhỏ và người chồng đều cậy vào tài bếp núc của mẹ, bà luôn tất tả từ trường về nhà lao ngay vào bếp, không có nổi một phút để thay bộ trang phục đứng lớp. Tôi là đứa trẻ xấu đói, mẹ biết thế nên cứ nghe bước chân tôi về là mẹ càng cuống quýt. Nhiều lúc tôi khóc òa vì đói làm mẹ phải vừa nấu vừa xoa dịu nhóc con. Những lúc đấy, đừng bảo bà phải nấu ngon, mục tiêu duy nhất là có cơm cho cái tàu há mõm kia nuốt. Qua cơn đói, tôi nũng nịu xin lỗi mẹ nhưng mẹ chỉ cười và bảo, hạnh phúc của mẹ là có đứa đòi ăn cơm mẹ nấu. Ngẫm lại, dẫu tóc bết vào trán, người nhễ nhại mồ hôi, thậm chí có lúc vừa nấu vừa khóc, mẹ tôi chưa bao giờ bảo ghét việc bếp núc. Bà bảo, bà hạnh phúc khi nhìn người khác ăn ngon miệng, có điều, khi vui nấu nướng sẽ tạo ra được những món ăn có mùi vị đặc biệt hơn. Và tôi đã lớn lên trong khẩu vị và tình yêu dành cho góc bếp của mẹ.

Tôi đoán rằng, với những đứa trẻ sinh ra tầm 30 năm trước như tôi, những ngày giáp Tết là cả một kho kỷ niệm. Nhà neo người ăn chả bao nhiêu, song mẹ thích làm hết cái này cái nọ, mang đi biếu họ hàng, lối xóm. Ngày còn bé, tôi chả phụ mẹ được bao nhiêu vì trẻ con, quẩn quanh tí là chán hoặc mệt lại lăn ra ngủ nên tôi không biết để có được cái bánh đậu xanh giòn tan, hay lọ dưa món đậm đà mẹ đã phải vất vả thế nào khi làm một mình. Sau này, lớn hơn, tôi và em gái phụ mẹ làm bánh, rim mứt, vắt rượu. Dẫu biết bây giờ cái gì cũng có, chuẩn bị đầy đủ như xưa sẽ làm mẹ mệt nhưng nhìn mẹ hân hoan chuẩn bị lạt, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét, cắt tỉa củ hành củ kiệu tôi không nỡ ngăn. Vì với bà, Xuân chỉ có ba ngày, chớp mắt một cái đã hết veo, nhưng cái không khí chộn rộn chuẩn bị mới thực sự là Tết, đành phải nhắc khéo mẹ, đợi khi nào nhà có thêm con cháu hẵng làm nhiều, bây giờ in ít thôi. Tranh thủ thời cơ, mẹ thường nhướng mày ra điều nhắc khéo hai đứa con gái chưa chồng, còn chị em tôi nhìn nhau cười trừ.

Chốn nương nhờ lúc thở than

Ảnh hưởng từ mẹ, sống tự lập 10 năm nay và niềm vui của tôi chính là những lúc làm cho mũi người khác phải động đậy còn mình thì toát mồ hôi hột vì lửa bếp. Bạn sẽ không cho là tôi ngoa khi nói, tôi cảm thấy giống Liz trong tác phẩm Ăn, Cầu nguyện, Yêu của Elizabeth Gilbert, thưởng thức một bữa ăn “xinh tươi” khiến tôi cảm thấy phấn chấn tinh thần đến độ có thể thốt lên “hạnh phúc đang ở trong từng phân tử”. Nếu Liz chuyện trò vui vẻ với người phụ nữ bán rau quả ở Ý về bó măng tây thì tôi cũng thoải mái khi ra chợ, cùng người bán hàng cười đùa về bông cải xanh. Liz hạnh phúc khi được thưởng thức món mỳ spaghetti hảo hạng hay bị vị ngon của pizza ở Pizzeria de Michele (Naples) làm cho quẫn trí; còn tôi cũng có thể gào to lên khi nếm món salsa hay cao lầu do mình nấu.

Tôi thích ăn những món ăn lạ và thích biến tấu theo ý thích của mình. Tôi muốn nấu nướng sao cho đúng với con người mình nhất để khi lưỡi tiếp xúc với món ăn, chúng phải có một cái ôm chầm gần gũi. Nhưng tôi không thường nấu ăn cho nhiều người, chỉ có vài ba người bạn tôi muốn vào bếp vì họ và ăn cùng họ. Vì như bạn thấy đấy, tôi nấu nướng dựa trên sở thích cá nhân, họ chưa chắc thích những gì tôi bày lên bàn. Dẫu vậy, với một vài người bạn, tôi sẵn sàng thử cả hai, khẩu vị của bạn và khả năng đoán định vị giác của người khác của tôi. Lúc đó, lửa bếp nhà tôi sẽ reo to hơn bởi lúc vào bếp, tôi hẳn phải mang cả lòng hiếu khách lẫn tình cảm tôi dành cho người bạn đó. Việc tự tay chọn mua nguyên liệu như ý, rồi sơ chế, nấu nướng là liệu pháp giảm căng thẳng. Và dĩ nhiên, đón và thết đãi vài người bạn làm cho cuộc sống của tôi thêm sắc màu. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận, mẹ tôi đúng. Bạn vào bếp với tinh thần vui vẻ, món ăn chắc chắn sẽ khác lúc bạn giận dữ hay buồn bã. Vậy nên, hôm nào canh mặn, cá cháy là cầm chắc mình đang xáo trộn. Kể ra cũng hay đúng không? Ta có thể đo được cảm xúc của ai đó qua món ăn họ nấu, dĩ nhiên, bình thường tay nghề họ rất khá.

Tôi là phụ nữ, tôi hạnh phúc khi ở trong bếp, điều đó hẳn rồi. Tôi biết sẽ có nhiều chị em khác tôi. Cuộc sống mà, không hề gì. Nhưng tôi phản đối quan điểm bếp là cấm địa đối với cánh mày râu. Với tôi, xúc cảm mà người đàn ông cầm chảo mang lại mạnh hơn khi họ quai búa, gồng người để khoe cơ bắp cuồn cuộn. Chẳng phải Liz hạnh phúc đến mức cảm thấy mình là mặt trời của người đàn ông của cô, Felipe, khi anh chàng vừa làm bữa tối vừa gọi với lên lầu đó sao? Tôi thích hình ảnh hai người chuyện trò vui vẻ trong bếp, món ăn được chia ra cho từng người đảm trách. Kể cũng hơi khó nếu không đủ không gian cho hai người nhưng việc đôi tình nhân hay một cặp vợ chồng ở cùng nhau trong căn bếp với tiếng cười, điều đó khẳng định, họ đang hạnh phúc.

Tôi từng được vinh hạnh chứng kiến niềm hạnh phúc, mối liên hệ tình cảm bền chặt của vài người bạn trong gian bếp. Một cử chỉ dịu dàng trong bếp như là một cái hôn nhẹ, hay việc lăng xăng của các quý ông. Điều này thật sự mang lại cảm xúc mà tôi khó diễn đạt bằng lời. Có lẽ hạnh phúc thường tự tỏa sáng và có tính lan tỏa cao, hạnh phúc trong gian bếp càng khó giấu.

16/1/11

báo cáo báo cáo






bận quá. bận tơi tả. bận te tua. bận tan nát [thân xác]. huhu. thiếu ngủ trầm trọng. tủ lạnh trống trơn cả tuần. nghe cũng bình thường thôi nhưng mà bất bình thường với cái đứa như mình. bữa trước, đi ăn tiệc của công ty bạn, bạn xin cho ít cơm rang cá mặn đặng chống đói giữa khuya, nhưng hóa ra cứu đói được nguyên một ngày.

tối nay tranh thủ mua được mấy quả trứng, vài quả cà chua, ít rau dền, đặc biệt là mua được chè xanh để nấu nước uống. sắp té khỏi SG nhưng chắc không thở nổi cho tới sau khi xuống máy bay một vài hôm. số con chó sinh nhằm giờ khuya nó thế. phải chịu thôi.

chạy vào than vãn, kêu ca tí thôi ạ. :D

PS 1: cái hình trên không nhằm mục đích minh họa, chỉ mang tính báo cáo là em trông vẫn không quá còi đâu ạ. hí hí.

ảnh vừa chụp ở Tao Đàn, sáng thứ 7. 4 đứa đóng vai cô dâu nhưng hoa thì đã tan nát cả sau ba lần đập lộn. :))

PS 2: cái phòng vừa được decor lại để quay phim cho bạn thành ra giờ nhìn lung linh và đẹp đẽ dã man [con ngan đi lang thang trong sân bị bắt vào làm bún thang :D] sẽ post vài tấm lên khoe sau hen. :D