27/6/12

năn nỉ!

không biết mọi người sao chứ tui, cái gì, ai tui yêu quá, thương quý quá, tui lại càng không dám tới quá gần, hoặc đã gần thì tui tạo ra một quãng ngưng. vì tui sợ như nắm cát trong tay, nắm càng chặt cát càng dễ chuồi khỏi tay. hehe, nghe mắc cười hen, chắc tui bị bịnh. :))

tui ưng mấy show truyền hình thực tế của mí bạn Mỹ, Úc, Anh... lắm! coi người ta nấu ăn, nhảy, hát, tui khóc vì sung sướng, xúc động, hay quá tới mức da gà không nổi mà nước mắt chảy ra. haha. bởi vậy, tui năn nỉ mấy công ty có tiền làm ơn đừng bỏ tiền ra mua bản quyền, rước mấy bạn này về! thiệt! tại như này nè:

- tình hình sản xuất chương trình truyền hình thực tế ở mình nó khó gấp trăm lần mấy nước có công nghệ sản xuất các sản phẩm giải trí rồi! mình chưa có công nghệ, nguyên dây chuyền sản xuất vị trí nào cũng yếu và thiếu, có đứa nào biết chút ít thì chạy chít cha, mà chưa biết có chia sẻ công nghệ cho người khác được/ hem nữa.

- chưa kể, ở mình, hiếm có công ty nào mà người đứng đầu nghĩ tới chuyện xây dựng nền móng, nhìn xa trông rộng. ngắn gọn là không chơi kiểu chụp giựt - sản xuất ít ngày, tiền kỳ phiên phiến nhưng dựng thả ga để phát sóng được nhiều số. tui có biết vài chương trình, từ lúc mua bản quyền cho tới lúc casting, chuẩn bị sản xuất cho tới quay, phát sóng gói gọn có 2-3 tháng. chạy như chạy lũ rứa thì... ê kip thực hiện chết lên chết xuống vì còn phải tính tới chi phí sao thấp nhất, thiếu chuẩn bị chu đáo thì phải đối diện với sự cố, toàn tuỳ cơ ứng biến, liệu cơm gắp mắm chứ khó mà làm được đúng điều mình muốn. quay xong tới dựng nha, thiếu source, source không tốt thì cũng chịu thôi, kêu ca sao được, chỉ có lén chửi thề vì khán giả (biết nghề) sẽ chửi thằng dựng phim không thương tiếc. làm ra mà quảng bá không tốt thì cũng tè le hột me.

nói đi thì cũng phải nói lại, ok, cơ hội tốt để có té ngã có trưởng thành, làm rồi sẽ quen, sẽ ngon cho những lần sau. mang về làm là vừa mò mẫm vừa làm chẳng khác gì vừa đái vừa run hết ráo, nhưng chả nhẽ tới lần thứ 3-4 cũng y chang vậy thì nín luôn cho nó xong. làm show truyền hình, mệt chết một cơ số cơ quan đoàn thể, áp lực trăm bề, nhất là lên sóng truyền hình, linh tinh là bị đập bể gáo! nhưng theo ý kiến của tui là nhà sản xuất ít tính đến độ ảnh hưởng của thông tin hay vụ sự mà chương trình tác động đến khán giả, chỉ nhăm nhăm sao có được rating cao.

- quan trọng nhứt nè, người chơi/ thí sinh là người VN của mình kiếm khó hơn Mỹ với Úc hay châu Âu nhiều lắm nhe! tại, người mình không được rèn kỹ năng ứng xử trước đám đông, thấy súng ống - à, máy quay, đèn đóm, boom... là ngất liền, chưa kể còn phải có ngôn ngữ cơ thể đẹp, thích hợp với tình huống cần dàn dựng để thu hút khán giả nha! đơ như cây cơ ngay, cười nói - đi lại... cái gì cũng giả hết ráo. đó là chưa kể, mình không có đa dạng chủng tộc người, không có sự phong phú về văn hoá, chưa kể cá tính - cái tôi cá nhân chưa bao giờ được khuyến khích nên nếu có bày trò khích bác, chửi nhau, nói xấu hay phê phán cũng không ra màu sắc của show. mấy show tìm kiếm tài năng (dù hiếm khi thấy tin người đoạt giải mần cái gì to lớn, ngon lành sau khi giành giải, hay là có mà truyền thông không bu vô rỉa như quạ rỉa xác thúi [như ở mình] nên hông có thông tin ta? :D) càng khó có được sự hấp dẫn đến từ bản thân người chơi.

rồi họ cũng chưa có tâm thế, chưa được chuẩn bị kỹ càng để bị phơi tênh hênh trên truyền hình với cả vài triệu - vài chục triệu người xem nên mới có chuyện kiện cáo, đập nhau um sùm. người Việt mình luôn thiếu cẩn trọng khi dấn thân vào mấy phi vụ có dính tới hình ảnh, thông tin cá nhân. ít coi kỹ hợp đồng - không biết thì phải kiếm luật sư mà hỏi trước khi ký, có khi không có hợp đồng cũng không buồn hỏi nên xảy ra chuyện thì chỉ biết kêu trời và khóc với truyền thông chứ không bắn 1 phát tới chỗ hiểm mấy người có trách nhiệm. cái gì cũng có luật chơi hết, tỉnh táo cân nhắc trước khi thò đầu vô rọ sẽ an toàn được đôi phần khi mà mười phần người ta luôn tìm cách giấu giếm hết 3-4 rồi. thời gian để chạy theo chương trình cũng khó khăn với nhiều người, ai mà can đảm bỏ nguyên 1 tháng trời để chơi thôi? bỏ việc rồi sau đó ai nuôi? haizz.

- quan trọng thứ nhì, khán giả. mọi người còn nhớ vụ um sùm, rần rần như quả bom tấn vụ mẹ con cô bé 16 tuổi tham gia VNGT 2012 Quỳnh Anh hem? khán giả cũng chưa được chuẩn bị để coi cho vui một show nào đó, chưa tạo rào chắn cho con cái của mình trước khi cùng nó chạy theo một show nào đó. nên có chuyện là sao không bảo vệ khán giả, sao nhẫn tâm với thí sinh bla bla... chĩa mũi dùi [cui, gậy gộc, mỹ từ...] cho nhà sản xuất, giám khảo. thiệt... khó nói lắm à nha! chuyện cắt cúp phần dự thi của em Quỳnh Anh và phát biểu của mẹ em í dĩ nhiên dựa trên thực tế diễn ra của nhà sản xuất theo tui là tất nhiên - vì lý do câu khách. tui không khuyến khích chuyện này vì lý do tui nêu ở phần sản xuất trên kia, nhưng làm show truyền hình thực tế, mà cái gì cũng êm êm chảy như sông thì đảm bảo tốn tiền cho truyền thông nhiều mà khán giả thì vẫn thờ ơ. phải xôn xao, xào xáo mới tò mò, mới thò tay bật ti vi, giữ nguyên kênh coi nó ra rằng, tiếp diễn thế nào. tâm lý thường tình mà! nhưng chuyện đài VTV3 cho phát tiểu phẩm hài giễu nhại Quỳnh Anh và mẹ em nó - 1 đứa trẻ 16 tuổi trong 1 chương trình rating cao thì tui thấy định hướng truyền thông của THVN có vấn đề! chuyện đã xảy ra, toàn người lớn đủ trí khôn, đủ trải nghiệm mà ợ chua, khạc lên nhai lại như vậy thì nó học được gì từ đó? ý kiến này của ThS Phan Ý Ly, tui đồng tình với chị, [dĩ nhiên có hành động chứ không chỉ nghĩ và bây giờ mới nói]. 


giám khảo, giờ là cái nghề hái ra tiền cho một số ngôi sao còn đương sáng cũng như những người cố giữ cho sáng mà chỉ leo lét, cả những người kéo quần khoe kiến thức ở chỗ mang tất trắng khi đi giày tây và mặc quần xanh đen, mồm miệng chua loét, mặt khinh khỉnh, miệng cười nhếch môi nhưng tay thì vẫn cho 9 - 10 liên hồi. dĩ nhiên, ghế nóng thì phải chịu nhiệt. chương trình nào mấy vị này cũng bị hỏi xoáy để rồi nhận lại đáp xoay. nhưng mà khổ, tài hoạt ngôn - khen chê đúng chỗ, có nghề đào đâu ra hở giời? còn khó hơn đi tìm trầm trong rừng U Minh á! với lại, chẳng phải vị nào cũng biết, chương trình nào thì thí sinh nên được nghe những câu góp ý xoáy thẳng vào vấn đề, chương trình nào thì chỉ cần: "bạn làm tôi mỉm cười". lão Dũng Khùng xem ra là vị giám khảo tỉnh táo, có nghề nhất VN.


khó đủ đường mà sao giờ Idol, Dancing with the Star, MasterChef, The Voice, Amazing Race..., sắp tới là So You Think You Can Dance [tui năn nỉ, nhất là cái show này với Junior MasterChef Australia, đừng có làm nha!!!] có mặt ở truyền hình VN đủ kênh, đủ giờ vậy? tại có nhu cầu, có sóng, làm ra ít gặp thua lỗ như phim hay mấy chương trình biểu diễn nên ngày càng nhiều người đổ xô đi làm chớ sao! 


Anyway, mấy cái này toàn là ý kiến cá nhân ha, ai có thông tin, kiến thức gì về vụ này, nhất là ở nước ngoài thì chia sẻ thêm nha! :) 

1 nhận xét: