6/12/09

múa và dấu ấn Việt (I)




Khi được đặt vấn đề thực hiện một bài viết nằm trong chuyên đề Dấu ấn Việt, tôi đã nghĩ ngay đến múa. Một đề tài khó nhằn. Khó là bởi, múa ở nước ta đến nay vẫn chưa được công chúng đón nhận, vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trong khi nhiều loại hình nghệ thuật khác đang xâm nhập và được đông đảo giới trẻ hào hứng tiếp cận. Càng khó hơn nữa khi người nghệ sĩ múa ít chịu nói về mình. Có lẽ, họ đã quen với việc đứng trong bóng tối, hoặc lùi về phía sau hỗ trợ các loại hình nghệ thuật khác. Và dường như, cứ mỗi lần múa được truyền thông nhắc đến là y như rằng kể khổ. Nghệ sĩ múa chẳng ai thích than vãn, kêu ca về cái nghề đôi khi đã là cái nghiệp nhiều vất vả nhưng ít vinh quang của họ. Biết là khó nhưng dư âm của đêm diễn 6/9 của vở kịch múa Chuyện kể Những chiếc giày vẫn còn chưa dứt thì niềm vui chương trình được tái diễn hai đêm 12 – 13/11/2009 đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi đề tài này. Dầu vậy, trong phạm vi của bài viết này, múa mới chỉ được tiếp cận ở một góc nhỏ thông qua một vài người trẻ, tài năng, ít nhiều tạo dựng được chỗ đứng trong lòng công chúng trong nước cũng như được bạn bè thế giới biết đến qua những cuộc thi, qua quá trình học tập và làm việc của họ.

Đặng Linh Nga: (Diễn viên múa Nhà hát Bông Sen, cựu học sinh Học viện múa Bắc Kinh)




Là diễn viên của nhà hát Bông Sen, đơn vị thường xuyên biểu diễn những chương trình phục vụ giao lưu văn hóa, tôi nghĩ, dấu ấn Việt trong múa là có, nhưng chưa rõ nét. Bởi muốn thực hiện được một chương trình múa thuần Việt đặc sắc cần phải có một ekip chuyên nghiệp mà ở đó có cố vấn phục trang, đạo diễn chương trình, đạo diễn sân khấu, có cả nhạc sĩ riêng thực hiện phần nhạc… thì diễn viên múa mới có thể toàn tâm toàn ý lo chuyên môn. Còn như bây giờ, diễn viên phải kiêm nhiệm nhiều thứ, ôm đồm quá nhiều việc và nhất là họ không nhận được hỗ trợ từ nhiều phía. Thêm nữa, múa dân gian không chỉ có động tác mà còn thể hiện qua trang phục, nhưng hầu hết chương trình mà chúng ta làm cho đến nay, thiếu sự đầu tư ở mảng này. Vì thế khó mà khắc họa rõ nét bản sắc Việt trong các tiết mục múa dân gian. Trong múa, âm nhạc chính là linh hồn, ấy vậy mà, chúng ta chưa có một nhạc sĩ nào chuyên viết nhạc cho múa. Bản thân tôi, khi dựng một tiết mục phải rất khó khăn mới tìm được phần nhạc ưng ý. Trong nước, tôi làm việc với nhạc sĩ Quốc Trung, còn lại, tôi phải đặt hàng các nhạc sĩ nước ngoài viết phần nhạc. Hiện tại, Nhà hát Bông Sen có dàn nhạc dân tộc và chúng tôi thường xuyên khai thác ưu thế này, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể tạo nên một đặc trưng riêng hay có được những tác phẩm đặc sắc dành cho múa mà phần đa là chơi lại những ca khúc có sẵn. Cá nhân tôi luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm mới nhằm phục vụ khán giả trẻ. Qua sự tinh tế, cái đẹp từ hoa văn trên trang phục cho tới âm nhạc, dĩ nhiên cả kĩ thuật của diễn viên để công chúng đến gần với múa hơn. Trong thời gian tới tôi rất muốn thực hiện một chương trình, xây dựng một nơi phục vụ khách du lịch như “Thế giới thu nhỏ” ở Thâm Quyến nhưng một mình tôi thì không thể, phải có một ekip chuyên nghiệp hỗ trợ tôi.

(còn tiếp)

(bản quyền của tạp chí Thể thao Văn hóa và Đàn ông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét