6/12/09

múa và dấu ấn Việt (II)

>Nguyễn Phúc Hùng (solist của HBSO, cựu học viên của The Fontys Dance Academy – Hà Lan, hiện đang làm việc tại công ty Gotraballet)


Hai năm học ở Fontys Dance Academy tôi thay đổi toàn bộ quan điểm làm việc của mình với tư cách là biên đạo cũng như diễn viên. Ở Fontys tôi học được, biên đạo là người đưa ra ý tưởng, chất liệu chính và diễn viên tự sáng tạo dựa trên cái nền đó. Sự sáng tạo của diễn viên cho biên đạo thêm nhiều chất liệu mới, lạ tiết mục làm trở nên độc đáo hơn. Với cách làm việc này, biên đạo sẽ mệt hơn nhưng lại có được nhiều chất liệu để chắt lọc. Còn diễn viên, không bị bắt ép phải nhất nhất tuân theo biên đạo, và khi trình diễn họ sẽ hưng phấn hơn vì có một phần sáng tạo của bản thân trong đó. Khi biên đạo và diễn viên lắng nghe nhau thì sẽ tạo nên một tác phẩm hoàn hảo. Tuy nhiên, diễn viên của mình chưa quen với cách làm việc này nên cần có sự thay đổi cách làm việc từ từ, bắt đầu bằng việc trao đổi trong công việc, tập cho diễn viên thói quen tự do sáng tạo.



Ở châu Âu, rất nhiều biên đạo nổi tiếng không xuất thân từ dân múa mà họ là người có hiểu biết rộng nên đã cộng tác với những người biết về múa và xây dựng được các chương trình múa vô cùng đặc sắc. Điều tôi học được trong hai năm ở Hà Lan chính là hãy đọc sách mọi lúc mọi nơi có thể, dù chỉ có 5 – 10 phút; phải có ý thức nghiên cứu các vấn đề khác chứ không chỉ quan tâm đến múa để bổ trợ vốn kiến thức, vốn sống nhằm xây dựng nền tảng, phát triển nghề là vô cùng quan trọng; và nếu có điều kiện, có cơ hội được xem, được thưởng thức các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là múa thì nên nắm bắt, tranh thủ để rèn luyện kỹ năng và phát triển tư duy sáng tạo.

Vả lại, ở châu Âu, những người làm nghệ thuật nói chung cũng như trong múa nói riêng đều mở cửa đón nhận nhiều luồng tư tưởng khác nhau, vui sướng khi được khán giả đặt câu hỏi và sẽ tìm mọi cách để có được câu trả lời. Người trong nghề không ngại chia sẻ quan điểm, ý tưởng với nhau và nhờ đó họ học hỏi được ở nhau nhiều thứ. Còn ở ta, khi mình làm một chương trình nào đó, thường đóng chặt cửa vì sợ bị phân tâm, chưa có thói quen kết nối lại với nhau. Trong quá trình học, làm việc ở Hà Lan, tôi thấy, các đồng nghiệp của mình dù bị truyền thông hay khán giả phê bình nhưng họ vẫn kiên định đi theo con đường mình đã chọn, họ tỉnh táo đón nhận những thông tin trái chiều, bản lĩnh trước những phản ứng gay gắt và tự lập. Trong khi đó, chúng ta cố gắng cân bằng, dung hòa giữa cái tôi cá nhân với cái chung nên không còn là cuộc chơi hết mình nữa. Nếu chỉ sống với nghề múa một cách đơn thuần thì chẳng ai giàu có dù là ở đâu, tuy nhiên, ở các nước phát triển, người nghệ sĩ múa có một khoản để tham gia các chương trình bổ trợ kỹ năng cần thiết. Vì thế, tâm trí của họ chỉ dồn cho việc sáng tạo và họ có thời gian, động lực để nỗ lực không ngừng, tập luyện nghiêm túc. Nếu lương không đảm bảo cuộc sống của người diễn viên thì buộc lòng họ phải chạy ngoài và lâu dần lâu dần sẽ bị ỳ và cùn đi. Thật đáng tiếc, lãng phí tài năng biết bao.


(còn nữa)

2 nhận xét: