5/10/07

Henry Miller

Tử cung vĩ đại 1- Henry Miller
254 magnify

Tử cung vĩ đại


Henry Miller




Nguyễn Phan Thịnh dịch

LND. The Enormous Womb là một luận văn trong tuyển tập The Wisdom of the Heart (Trí Khôn Của Trái Tim) nhà New Directions xuất bản năm 1941.

Henry Miller sinh năm 1891 ở New York City, mất 1980 ở California, nhà văn, dân Bô-hê-miên đúng nghĩa, với những tiểu thuyết tự thuật trung thực cực độ – đặc biệt về tình dục, gây ảnh hưởng giải phóng trong văn chương giữa thế kỷ 20. Ông cũng nổi tiếng vì văn phong Mỹ phóng dật và tài năng hài hước, tung hê ứơc muốn công nhận những cảm xúc mà người khác dấu kín và nhiệt tình chấp nhận cái xấu song hành với cái tốt. Vì tính chất miêu tả thẳng thắn về tình dục của những tác phẩm, chúng bị cấm ở Anh và Mỹ mãi đến thập niên 1960, nhưng đã được biết đến rộng rãi trước đó do những bản chuyển lậu vào từ nước Pháp.

Miller sinh trưởng ở khu phố Brooklyn và ông đã viết về thời thơ ấu tại đó trong Black Spring (1936, Mùa Xuân Đen Tối). Năm 1924, ông bỏ việc làm với Western Union ở New York để dành hết cho việc viết văn. Năm 1930, ông sang Pháp. Tropic of Cancer ( Hạ Chí Tuyến, in ở Pháp 1934, Mỹ 1961) dựa trên cảnh sống túng thiếu ở Paris điêu đứng vì Cuộc Đại Suy Thoái. Tropic of Capricorn ( Đông Chí Tuyến, Pháp 1939, Mỹ 1961) phác họa thời kỳ trước đó ở New York.

Chuyến đi Hy Lạp năm 1939 của Miller gợi cảm hứng cho The Colossus of Maroussi (1941, Ngừơi Khổng Lồ Ở Maroussi), một quán tưởng về quốc gia này. Năm 1940-41, ông đi khắp nơi trên nước Mỹ và viết một tài liệu phê phán sắc bén đất nứơc này, The Air-Conditioned Nightmare (1945, Ác Mộng Trong Phòng Máy Lạnh), vạch trần cái giá phải trả cho cơ khí hóa và thương mại hóa.

Ở Big Sur trên bờ biển California, Miller viết bộ ba tập Rosy Crucifixion ( Đóng Đinh Màu Hồng ) gồm Sexus, Plexus và Nexus ( xuất bản thành một tập đầy đủ ở Mỹ năm 1965 ). Tác phẩm này cũng viết về cùng một đoạn đời của Miller như Tropic of Capricorn và cùng với quyển đó, vẽ lại những chặng đường người kể-nhân vật chính trở thành một nhà văn. Lần xuất bản hai tác phẩm “ Tropics “ ở Mỹ châm ngòi cho một loạt vụ xét xử khiêu dâm và kết thúc mãi năm 1964 với quyết định của Tòa Án Tối Cao phản bác buộc tội của tòa án bang rằng tác phẩm này là khiêu dâm.

Những tác phẩm quan trọng khác của Miller là tuyển tập luận văn The Cosmological Eye ( 1939, Con Mắt Vũ Trụ ) và The Wisdom of the Heart ( 1941 ). Ông cũng là họa sĩ chuyên vẽ màu nước, đã triển lãm quốc tế và viết về hội họa trong To Paint Is to Love Again (1960, Vẽ Là Lại Yêu). Nhiều tập thư từ của ông đã được xuất bản : với Lawrence Durrell (1963), với Anais Nin (1965) và với Wallace Fowlie (1975).

Văn tiểu luận của Henry Miller có vẻ đơn sơ, trong sáng, tự nhiên nhưng hàm súc, nhiều ẩn dụ. Nhiều khi ông thích xen vào đôi ba chữ La tinh và dùng từ đa nghĩa; chúng tô điểm cho giọng điệu lúc hóm hỉnh, lúc nồng nhiệt của một nhà tiểu thuyết-triết gia.

Người dịch cố gắng theo sát nguyên văn và trung thành với giọng điệu của tác giả đến mức có thể, với e ngại có chỗ chưa hiểu đúng ý của ông.

Theo từ điển, tử cung là nơi bất cứ cái gì được tạo sinh hoặc được đưa ra sự sống. Theo như tôi hiểu, không hề có bất cứ gì ngoại trừ tử cung. Đầu tiên và cuối cùng, có tử cung của Tự Nhiên; rồi có tử cung của người mẹ; và sau hết có tử cung trong đó chúng ta có cuộc sống và vật thể mà chúng ta gọi là thế giới. Không nhận biết thế giới này là tử cung là nguyên nhân phần lớn khốn khổ của chúng ta.

Chúng ta nghĩ đứa bé không được chào đời là em được sống trong ân sủng; chúng ta cho rằng cái chết là cách thoát khỏi những bất hạnh của cuộc sống; nhưng chính đời sống thì chúng ta vẫn từ chối xem là ân sủng và bình an. Tuy thế, có gì trên thế giới này mà không được tạo sinh và cho ra đời? Có lẽ cũng lại chỉ là một trong những ảo tưởng khác của chúng ta rằng nấm mồ được xem như nơi trú ẩn và chín tháng trước ngày sinh là ân phúc. Ai biết được gì về cuộc sống trong dạ con hay cuộc sống ở đời sau? Thế mà ý tưởng này dẫu sao vẫn cứ được bám chặt và có lẽ sẽ không bao giờ hết đi, rằng hai tình trạng bất tri thức ấy có nghĩa là thoát khỏi đau đớn và đấu tranh, vì vậy là ân phúc. Mặt khác, chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng có những người đang sống và đi đứng, những người sống trong cái gọi là một trạng thái ân phúc. Có phải họ vô thức nhiều hơn những người khác, hay là ít hơn? Tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ đồng ý rằng họ vô thức ít hơn. Vậy cuộc sống của họ khác với cuộc sống của nhân loại bình thường sao? Theo cách suy nghĩ của tôi, sự khác biệt nằm ở thái độ của họ đối với thế giới, nằm trong sự thật tiên quyết rằng họ đã chấp nhận thế giới như là một tử cung, chứ không phải một nấm mồ. Vì hình như họ chẳng tiếc hận những gì đã qua và cũng không sợ hãi những gì sẽ đến. Họ sống trong một trạng thái tỉnh thức mãnh liệt nhưng rõ ràng là không sợ hãi.

Người ta vẫn hay nói rằng sợ hãi đóng một vai trò chế ngự ghê gớm trong cuộc sống của chúng ta, đã từng là một sự thể mơ hồ, không tên, một vọng âm, người ta gần như có thể nói thế, của bản năng sinh tồn. Người ta vẫn cho rằng với sự phát triển của văn minh nỗi sợ vô danh này dần dần kết tinh thành một nỗi sợ chết. Và rằng trên đỉnh đạt tới cao nhất của văn minh nỗi sợ chết này trở thành nỗi sợ sống, như được biểu hiện ở hành vi của những người loạn thần kinh. Thế là chẳng có gì lạ lùng về nỗi sợ, bất kể nó xuất hiện dưới lốt vỏ nào, nó cũng là cái chúng ta đã quá quen thuộc, đến nỗi khi có một người tỏ ra không biết sợ, tức thì chúng ta bị kẻ đó biến thành nô lệ.Đã từng có một ít người như thế trong lịch sử nhân loại. Không quan trọng mấy việc họ là sức mạnh của thiện hay ác: nỗi sợ mà họ khêu dậy là nỗi sợ quỉ thần . Sự thật tất cả những người ấy đều là quỉ thần, dù họ được gọi là Thiết Mộc Chân, Phật Đà, Giê- su , hay Nã Phá Luân. Họ là những nhân vật anh hùng, và người anh hùng, theo truyền thuyết, luôn luôn được sinh ra một cách siêu nhiên. Anh hùng, tóm lại, là người được miễn trừ cơn đau đẻ.

Anh hùng vì vậy là một loại quỉ thần không cảm ứng với đau đớn và khốn khổ : người ấy ở phía cuộc sống. Thế giới đối với ông ta là một nơi các vật thể được tạo sinh , được cho ra đời. Cuộc sống phơi lộ ra với ông ta như là nghệ thuật, chứ không phải là cảnh nghiệt ngã. Ông ta thưởng thức cuộc sống bằng cách xếp đặt lại nó theo những nhu cầu riêng của mình. Ông ta có thể nói rằng ông ta đang làm việc ấy vì người khác, vì nhân quần, nhưng chúng ta biết rằng ông ta cũng là một kẻ dối trá.Anh hùng là người tự nói với mình-đây là nơi các sự việc diễn ra, không phải nơi nào khác. Ông ta hành động cứ như thế giới này là nhà mình. Hành vi như thế dĩ nhiên đem lại một tình trạng mập mờ tuyệt diệu, vì như các bạn có thể nhận thấy, con người ít khi ở nhà mình, mà luôn luôn ở một nơi nào khác, luôn luôn “đi vắng”. Cuộc sống, như nó được gọi, đối với phần lớn chúng ta là một chặng trì hoãn dài. Và lý do đơn giản củasự trì hoãn này: SỢ HÃI.

Như chúng ta thấy, mỗi khi một cuộc chiến tranh bùng nổ, nỗi sợ hãi chiến tranh bị lấn át ngay khi con người thật sự bị ném vào. Nếu chiến tranh thật sự khủng khiếp như người ta tưởng tượng thì nó đã bị quét sạch từ lâu rồi. Gây chiến cũng tự nhiên đối với nhân loại như làm tình. Tình yêu cũng khiến cho con người thành hèn nhát nhiều như nỗi sợ chiến tranh. Nhưng một khi tuyệt vọng trong tình yêu, một người sẽ phạm vào bất cứ tội ác nào, không những chỉ cảm thấy công chính mà còn xem tội ác ấy thiện hảo. Tội ác ấy nằm trong trật tự của các sự việc.

Những người khôn ngoan nhất là những người nói về ảo tưởng: MAYA1. Ảo tưởng là món thuốc giải nỗi sợ. Đeo yên cương họ thể hiện đời sống hợp lý một cách vô lý. Nhưng chính tính chất tương phản này của sự sống giúp cho chúng ta đi tiếp con đường, ném chúng ta qua lại từ tử cung này đến tử cung kia. Thế giới này, không chỉ là thế giới nhân loại, mà là thế giới của tất cả, của sự sinh ra, của sự sống, và của sự chết.

Chính là cái tử cung thứ ba và hàm chứa tất cả này, THẾ GIỚI, mà con người mãi mãi cố gắng khiến mình thành một phần tử. Nó là sự hỗn mang nguyên thủy, là chính cái nôi của tạo tác. Không hề có một người nào hoàn toàn nắm được nó. Nó là một điều kiện không được biết của bào thai lẫn tử thi. Nhưng nó được tâm trí biết, và nếu nó là bất khả thức thì nó cũng không hề giảm thật hơn chút nào.

(Còn phần 2)

của Codet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét