30/10/07

Hy Lạp sắp hết...lừa

Đây là một trong những hình ảnh dễ nhận thấy nhất về đất nước Hy Lạp: một lão nông vắt vẻo trên lưng lừa và dạo bước trên đường làng nhỏ bé, quanh co bụi mù chốn thôn quê. Tuy nhiên, hình ảnh trên có thể nhanh chóng chỉ còn nằm trong sách sử và trên bưu thiếp, như là minh hoạ về một thời dĩ vãng.

Lừa ngày càng ít xuất hiện tại Hy Lạp, một cách nhanh chóng. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu xu huớng này vẫn tiếp diễn thì trong 2 thập kỷ tới chúng sẽ hoàn toàn biến mất.

“Số lượng lừa tại Hy lạp đang giảm đi nhanh chóng trong vài năm gần đây”, Giorgos Arsenos, trợ giảng tại Đại học Thú y thuộc Đại học Aristotle, cho biết. “Trong 50 năm, số lượng lừa ở đây đã giảm tới 96%, từ 500.000 con trong thập kỷ 1950 xuống còn trên 18.000 con vào năm 1996”.

Mùa hè này, một số lượng lớn lừa cũng đã chết trong đợt hoả hoạn khủng khiếp quét qua khu vực Peloponnese ở miền Nam, nơi 40% đàn lừa được nuôi. Arsenos ước tính cho đến cuối năm nay, số lượng lừa tại Hy Lạp chỉ còn không đến 16.000 con.

“Nếu tiếp tục suy giảm như vậy thì trong vòng 10 đến 15 năm nữa số lượng lừa ở đây sẽ chỉ còn dưới 1.000 con”.

Xu hướng này được coi là trường hợp đặc biệt đối với những quốc gia Bắc Địa Trung hải. Nhà nghiên cứu Paul Starkey, đang tham dự hội thảo quốc tế về vai trò của loài lừa và la tại Địa Trung hải, cho biết ở nhiều nơi khác, số lượng lừa đang tăng lên. Hiện trên thế giới có khoảng 40 triệu con lừa.

Từ nhiều thế kỷ, lừa được sử dụng trong rất nhiều công việc, từ chở người và hàng hoá cho đến cày ruộng, tuy nhiên tại Hy Lạp, chúng trở thành nạn nhân của quá trình hiện đại hóa.

Hình ảnh này một mai chỉ còn là dĩ vãng!

“Nơi nào có thể thay thế lừa bằng phương tiện vận chuyển cơ giới hoá… thì người ta sẽ làm, bởi điều đó thuận tiện hơn”, Starkey nhận định.

Hầu như tất cả mọi nơi ở Hy Lạp đều đã sử dụng ô tô, xe tải, máy kéo và xe máy. Tất cả mọi nơi, ngoại trừ Hydra.

Bởi trên hòn đảo xinh đẹp này, nơi chỉ cách thủ đô Athens đông đúc và lộn xộn một nhịp cầu ngắn, loài lừa và la đang giúp mọi hoạt động trong thị trấn diễn ra thuận lợi.

Với việc cấm lưu thông tất cả phương tiện cơ giới hoá - không ô tô, xe máy hay xe tải - hình thức đi lại duy nhất trên đảo là nhờ vào những người anh em trong họ hàng nhà ngựa.

Với khu phố chính trải dài từ bến cảng cho tới dãy đồi phía trên, những ngôi nhà xen kẽ các con đường làng và bậc thang nhỏ bé khúc khuỷu, nơi chỉ có người đi bộ và động vật mới có thể đi lại.

Liệu du khách có tìm được cách nào để mang được hành lý đến khách sạn hay nhà nghỉ hay không? Biện pháp duy nhất là chất mọi thứ lên lưng lừa. Thậm chí, chúng còn vận chuyển cả phần lớn lượng rác thải trên hòn đảo này.

“Phương tiện vận chuyển duy nhất mà chúng tôi có ở đây là lừa và la. Đây là một thực tế khác lạ ngay tại châu Âu”, Ed Emery khẳng định. Emery là người tổ chức cuộc hội thảo diễn ra vào cuối tuần này tại Hydra nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng lừa và phải làm gì để chấm dứt tình trạng đó.

Theo Thị trưởng Kosta Anastopoulos, Hydra hiện có khoảng 1.200 con lừa và la, gần bằng 10% dân số trên đảo. Chỉ duy nhất toà thị chính là có phương tiện vận chuyển cơ giới, một xe tải chở rác và một xe gom rác nhỏ, nhưng ít khi được sử dụng.

“Lừa và la ở Hydra đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi”, Thị trưởng Anastopoulos khẳng định. “Không có những con vật dễ thương này, tôi tin là chúng tôi không thể sống được. Tất cả việc vận chuyển, từ người đến vật liệu xây nhà, đều được thực hiện nhờ chúng”.

Tuy nhiên, Hydra là trường hợp biệt lập tại đất nước, nơi sự tiến bộ và quá trình hiện đại hoá đang thâm nhập vào lối sống truyền thống. Tại những nơi khác, tương lai của bầy lừa dường như mù mịt.

“Đây là hiện tượng đáng quan ngại”, Arenos nhận định. “Chúng tôi đang cố tìm hiểu… có thể làm gì để sử dụng chúng, để mở rộng mục đích sử dụng chúng, để chúng không trở thành những tàn tích đáng tiếc của một nền văn hoá đang dần bị đánh mất”.

Các đại biểu tham dự hội thảo trên đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, như thay đổi vai trò truyền thống từ một loài súc vật thồ sang mục đích giải trí và bạn đồng hành, đồng thời xây dựng một chương trình bảo vệ quốc gia nhằm đảm bảo duy trì những giống tốt của loài vật này.

“Đó là di sản văn hoá mà chúng ta cần phải bảo vệ cho thế hệ mai sau”, Arsenos nói.

N.H (Theo AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét