30/10/07

Hãy chạy về Sparta và xin ... một cốc nước

Spartathlon, với quãng đường dài 246 km từ Athens tới Sparta, là một trong những đường chạy đua khó khăn nhất thế giới, khiến các vận động viên kiệt sức rồi ngã xuống và chỉ có niềm đam mê mới có thể giúp họ tiếp tục tiến lên phía trước. Và cuối cùng, khi cán đích, người chiến thắng sẽ được trao tặng vòng nguyệt quế và một... cốc nước.

Các nhà tổ chức cho biết đường đua này là nhằm hồi tưởng lại những bước chạy thần tốc của sứ giả Pheidippides thời Hi Lạp cổ đại, nổi tiếng đã chạy hết quãng đường từ Marathon tới Athens để thông báo tin mừng chiến thắng trong cuộc chiến với người Ba Tư.

Trong quá trình đua, người chạy có thể bị say nắng, phồng máu, bật móng và thậm chí là cả ảo giác do quá mệt. Phần thưởng đợi họ ở đích là ngụm nước được “các trinh nữ Sparta” trao tặng, theo đúng truyền thống trong lịch sử Hi Lạp cổ.

Nhiều người cho rằng chính việc không trao tiền thưởng đã giữ cho cuộc đua trong sáng đúng với tinh thần thể thao.

Marios Fournaris, người Hi Lạp từng 10 lần cán đích cuộc đua trên, khẳng định: “Có hai thứ thuốc độc đối với thể thao: doping và tiền bạc. Cả hai thứ đang giết chết tinh thần thể thao. Thật tuyệt khi chúng không có mặt ở Spartathlon”.

Giải chạy thường niên Spartathlon, tháng trước vừa kỉ niệm 25 năm lần tổ chức đầu tiên, là một trong những biến thể khác cực đoan hơn của môn thể thao được gọi là “ultramarathon”.

Chiến thắng và uống nước dưới chân tượng người anh hùng Leonidas, ảnh: Reuters

Những người tham gia sẽ có 36 tiếng để hoàn tất quãng đường từ Acropolis, dọc bờ biển Aegean, xuyên qua dãy núi trên bán đảo Peloponnese và đến Sparta.

Thông thường, những người về nhất không cần tới 24 giờ để chinh phục quãng đường trên, song đối với phần lớn người chạy khác thì thời gian là hơn 34 giờ.

Thách thức khó khăn nhất mà họ gặp phải chính là quãng đưòng dài 160km khi phải trèo qua núi Parthenion cao 1.200m so với mực nước biển. Sau khi leo con dốc dài 10km, họ phải trèo qua ngọn núi trên mà không có đường đi, không có lan can bảo vệ và gió thì thổi rất mạnh.

Markus Thalmann, bác sĩ phẫu thuật tim người Áo từng giành chiến thắng năm 2003, khẳng định: “Bạn cần phải liên tục kiểm tra bên trong cơ thể để phát hiện những vấn đề và giải quyết nó”.

Ông cho biết bí quyết để hoàn tất cuộc đua trên dựa vào 30-40% sức mạnh thể chất và động lực bản thân, 30% là chiến thuật và từ 30-40% ăn uống các thứ hợp lý.

Năm nay, có 323 người tham dự và chỉ có 125 người về tới Sparta. Thậm chí trong những năm có thành tích tốt nhất thì tỷ lệ về đích cũng hiếm khi nào vượt quá được 40%. Hầu hết những người hoàn thành cuộc đua đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là từ Iran và Brazil.

Người về nhất trong cuộc đua năm nay là Scott Jurek, 34 tuổi, người Mỹ, với thành tích 23 giờ 12 phút. “Khá nhiều công ty đã đề nghị tài trợ song tôi không nhận, bởi nếu tôi không tin tưởng, tôi sẽ không làm thế, tôi sẽ không trở thành kẻ giả dối, tôi sẽ là chính tôi” - Jurek nói.

Jurek cho biết môn thể thao khắc nghiệt này là một phương tiện để giúp anh tiếp cận với tâm hồn mình. Nhiều người cũng đã so sánh những trải nghiệm trên với việc phê ma tuý và cho rằng “ultramarathon” cũng gây nghiện ngập.

Nguyễn Hải (Theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét